VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Gìn giữ không gian văn hóa Mường
(Ngày đăng: 05/10/2012   Lượt xem: 519)


Giám đốc Bảo tàng không gian văn hóa Mường, họa sĩ Vũ Ðức Hiếu tại một gian trưng bày của bảo tàng.  
Xây dựng không gian nghệ thuật đương đại bên cạnh không gian trưng bày văn hóa Mường cổ xưa, với mong muốn có được sự đối thoại, tạo dựng ấn tượng và sự hiểu biết về cả hai mảng văn hóa đó. Ðây chính là một cách bảo tồn và phát huy những giá trị của nền văn hóa cổ hiện nay, điều mà Bảo tàng không gian văn hóa Mường ở Hòa Bình hướng tới.

Người miệt mài "giữ lửa"...

Vừa mang dáng dấp phong trần nghệ sĩ. Lại đượm nét u uẩn của kẻ "độc hành" nơi chốn xa xanh. Ðó là họa sĩ Vũ Ðức Hiếu, còn gọi Hiếu "Mường". Anh sinh ra tại Hà Nội, lớn lên ở Hòa Bình, tốt nghiệp Ðại học Mỹ thuật công nghiệp và Ðại học Mỹ thuật Hà Nội. Ở tuổi 35, sau nhiều năm lăn lộn nơi mảnh đất Thủ đô và thành phố Hòa Bình, với đủ mọi nghề như làm báo, vẽ tranh, mở quán cà-phê, làm trang trại..., Hiếu trở về ẩn dật với niềm say mê riêng, xây dựng Bảo tàng không gian văn hóa Mường, mong muốn giữ gìn những tài sản vô giá của đồng bào mình ngay trên mảnh đất quê hương. Sau 10 năm miệt mài sưu tầm, chuẩn bị và hơn một năm xây dựng, Vũ Ðức Hiếu đã biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Bốn năm trước, vào ngày 16-12-2007, bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa Mường của anh được đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội gõ tiếng cồng khai trương và chính thức đi vào hoạt động.

Bảo tàng nằm dưới chân dốc Cun, trên vạt đồi, trong một thung lũng đá vôi nhỏ, hẹp cách trung tâm thành phố Hòa Bình 7 km, trên con đường mới mang tên Tây Tiến. Ðây vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ. Trên diện tích hơn bốn ha, bảo tàng được chia làm hai khu: Tái hiện và Trưng bày. Du khách có thể hình dung được quần thể xã hội Mường thu nhỏ qua hình ảnh bốn ngôi nhà sàn đại diện cho bốn tầng lớp. Trong đó, nhà Lang là nơi ở của tầng lớp có quyền lực cao nhất, nắm quyền thống trị toàn Mường; nhà Âu dành cho những người giúp việc nhà Lang; nhà Nóc là nơi ở của tầng lớp bình dân; nhà Nóc Trọi là của tầng lớp bần cùng nhất. Các ngôi nhà này được sưu tầm và xây dựng từ chính các ngôi nhà cổ tại địa phương. Họa sĩ Vũ Ðức Hiếu cho biết, chín ngôi nhà sàn ở đây, mỗi ngôi nhà đều mang một sự tích, câu chuyện riêng độc đáo. Trong đó, nhà Lang được xem là ngôi nhà cổ nhất Hòa Bình có lịch sử hơn một trăm năm, anh đã sưu tầm từ Mường Chậm, Tân Lạc. Ðó là ngôi nhà cột chôn sâu, kết cấu gỗ không mộng, các xà ngang được đẽo hình lục giác và chỉ gác lên cột gốc giống như các khớp xương động vật. Dựng cột chiếm nhiều thời gian nhất trong quá trình xây cất nhà. Khi đất có biến động, ngôi nhà chỉ dao động mà không bị xô nghiêng hay đổ sập. Anh tìm được ngôi nhà này khi bà vợ Lang (dòng họ Hà Công) vẫn còn sống, ở tuổi 110. Theo gia phả, gia đình Lang có tất cả 156 người các thế hệ từng sống trong ngôi nhà này. Ngôi nhà sàn đưa về ở tình trạng cũ kỹ, xuống cấp, được Hiếu dành nhiều công sức tu sửa trở lại bề thế, vững chãi, phản ánh đời sống vật chất và tinh thần đầy quyền lực của tầng lớp thống trị xã hội Mường xưa. Giờ đây, trong ngôi nhà này, bên bếp lửa rực hồng, chủ và khách có thể cùng nhau nâng chén rượu ấm nồng, thưởng thức những điệu dân ca Mường giữa ngân nga cồng chiêng vang vọng...

Khu trưng bày gồm các nhà trưng bày theo chủ đề, trưng bày cố định và trưng bày nghệ thuật. Ðến nay Bảo tàng không gian văn hóa Mường đã sưu tầm và lưu giữ được hơn 3.000 hiện vật, trong đó có rất nhiều hiện vật giá trị như cồng chiêng, lư, ninh bằng đồng... và các hiện vật về đời sống sinh hoạt, kinh tế, văn hóa của người Mường. Có thể nói, bảo tàng thật sự là một trung tâm trưng bày và lưu giữ những hiện vật quý giá về dân tộc Mường ở Hòa Bình nói riêng và ở Việt Nam nói chung, tái hiện những nét đặc trưng cơ bản trong đời sống xã hội, kinh tế, phong tục tập quán, dựng lại hình ảnh một xã hội Mường thu nhỏ. Khách tham quan đến đây không chỉ được xem mà còn thật sự hòa mình vào cuộc sống hằng ngày của người dân Mường. Tại đây còn có một thư viện nhỏ với hơn 3.000 đầu sách các thể loại, cũng là một "tài sản" quý giá cho nhân dân quanh vùng, nhất là sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Hòa Bình.

Dốc lòng vì văn hóa dân tộc, vì nghệ thuật, gia đình Vũ Ðức Hiếu đã phải hy sinh rất nhiều, khi mới đây vợ con anh đang làm việc và học tập nhiều năm ở Hà Nội lại dắt díu nhau về Hòa Bình để cùng chung sức lo toan cho bảo tàng. Hiếu tâm sự, mỗi năm để bảo dưỡng, tu bổ và duy trì hoạt động, nơi đây cần nguồn kinh phí 700 đến 800 triệu đồng. Ðó là một con số không nhỏ đối với một bảo tàng tư nhân, một đơn vị văn hóa đặc thù nhưng vẫn phải hoạt động theo các quy định như một doanh nghiệp Nhà nước. Vì thế, anh rất mong muốn có được những ưu đãi, hỗ trợ phần nào về cơ chế hoạt động và kinh phí để bảo tàng có điều kiện tiếp tục được bảo tồn, phát triển.

Từ hồi ức Tây Tiến đến nghệ thuật đương đại vì cộng đồng

Ðến với Bảo tàng không gian văn hóa Mường, du khách còn đặc biệt thú vị khi được ghé thăm Phòng tưởng niệm Tây Tiến. Nói về "nguồn cơn" để có gian phòng này, họa sĩ Vũ Ðức Hiếu không khỏi xúc động về sự tình cờ của nó. Ðó là vào năm 2007, dịp kỷ niệm 60 năm đoàn quân Tây Tiến, một đoàn cựu chiến binh tổ chức chuyến thăm lại chiến trường xưa. Khi đi trên con đường Tây Tiến (tức đường 6 cũ lên Sơn La) ngang qua Bảo tàng, cả đoàn ghé vào chơi. Và Giám đốc Hiếu liền xin phép các cụ thành lập phòng tưởng niệm. Tổng số 144 ảnh và hiện vật được các cụ gửi tặng, trong đó có ảnh, bút tích của nhà thơ Quang Dũng; ký họa của họa sĩ Quang Thọ; bộ bút lông của họa sĩ Văn Ða; bút tích, thư từ của nhạc sĩ Doãn Quang Khải, tác giả bài hát Vì nhân dân quên mình... Những hình ảnh trẻ trung ngời sáng, những vần thơ giản dị tràn đầy nhiệt huyết của "đoàn binh không mọc tóc" trẻ tuổi một thời, đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, thật sự mang lại niềm xúc động cho du khách ghé thăm. Tiếp tục mạch nguồn này, năm 2008 Hiếu còn tổ chức một số hoạt động có ý nghĩa như mời các họa sĩ vẽ chân dung những cựu chiến binh Tây Tiến hiện còn sống. Có hơn 50 chân dung ký họa về các cụ được hoàn thành và trưng bày tại đây. Và nữa, một cuộc giao lưu giữa các cựu chiến binh với học sinh cấp III tại Hòa Bình. Các cụ gặp gỡ, trò chuyện, viết lại những kỷ niệm xưa cho con cháu, để tuổi trẻ hôm nay hiểu thêm về cuộc sống chiến đấu gian khổ và đời sống tinh thần cao đẹp của cha ông một thời. Giữa quá khứ và hiện tại tiếp tục được kết nối, sẻ chia...

Thong dong theo con đường đá thoai thoải lên những triền đồi thấp, du khách được phiêu du với những công trình nghệ thuật sắp đặt ngoài trời đầy thú vị của các tác giả tên tuổi như Núi lớn của Lương Văn Trịnh; Lợn con đi kiện của Phạm Thanh Bình; Cây đất Mường của Nguyễn Ngọc Lâm; Rồi thời gian qua đi của Ðào Châu Hải... Những tác phẩm của gần 30 tác giả tham gia Workshop nghệ thuật đương đại tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường vào tháng 9-2011 đã được giới thiệu tới công chúng tại Triển lãm mang tên Ðất Mường I. Ðể có được những tác phẩm này, các nghệ sĩ đã làm việc trong rừng trúc rộng 1,5 ha giữa không gian sinh sống của người Mường thuộc khuôn viên bảo tàng, sáng tạo dựa trên những vật liệu tự nhiên sẵn có như gỗ, đá, đất... hoặc bằng vật liệu tùy chọn theo ý tưởng. Hoạt động này do họa sĩ Vũ Ðức Hiếu khởi xướng nhằm kết hợp các sáng tác nghệ thuật đương đại với không gian sinh hoạt và lễ hội văn hóa nguyên bản của người Mường. Ðây cũng là sự khởi đầu cho việc hình thành một trung tâm nghệ thuật đương đại. Khu vực trưng bày và sáng tác này sau đó được dành cho các nghệ sĩ tới làm việc thường xuyên hằng năm tại bảo tàng theo hình thức Nghệ sĩ lưu trú (Artist in residence). Hình thức hoạt động này cũng là một ý tưởng góp phần thay đổi bộ mặt không gian và cả ý nghĩa, giá trị văn hóa của bảo tàng; cho thấy sự nỗ lực thay đổi tư duy truyền thống, tiếp cận những giá trị văn hóa đương đại của bảo tàng.

Vào những ngày này, Vũ Ðức Hiếu đang tất bật đi về giữa Hòa Bình - Hà Nội để làm các công việc chuẩn bị cho Trại sáng tác nghệ thuật Ðất Mường II và hoạt động nghệ thuật thường niên Asia Art Link vào tháng 10. Khoảng 70 nghệ sĩ trong nước và quốc tế sẽ có mặt tại bảo tàng, cùng tham gia các hoạt động nghệ thuật như sáng tác tại xưởng họa, điêu khắc và sắp đặt ngoài trời, dã ngoại và trao đổi văn hóa, tọa đàm, triển lãm nghệ thuật. Họa sĩ Vũ Ðức Hiếu cho biết, nghệ thuật đương đại chính là một hướng đi mới của bảo tàng, với mong muốn cung cấp thêm những nhận thức, hiểu biết cho du khách trong nước và quốc tế về diện mạo của nghệ thuật Việt Nam ngày nay; đồng thời tạo ra những triển lãm - trưng bày có tính lâu dài về nghệ thuật tạo hình trong không gian bảo tàng.

Giữa bộn bề lo toan cho những cái chung đầy ý nghĩa, Giám đốc Bảo tàng không gian văn hóa Mường vẫn dành cho mình một góc riêng sáng tạo, thăng hoa cùng nghệ thuật. Sau mấy năm miệt mài xây dựng bảo tàng, gần đây Hiếu quay trở lại vẽ, những tác phẩm theo mạch nguồn xúc cảm về thiên nhiên, con người và mảnh đất quê hương. Dường như trong con người nghệ sĩ này, cái "chất" Mường đã trở thành máu thịt. Anh lặng lẽ độc hành, nhẫn nại và không ngừng thắp lửa vì một tình yêu bình dị mà đẹp đẽ, thẳm sâu.

                                                                        Theo: NhanDan online - Nguyen Phuong Lien

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.475.578
Tổng truy cập: