VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(29)-Tranh luận của giới sử học quanh huyền tích "Gò Đống Đa"
(Ngày đăng: 12/12/2019   Lượt xem: 327)
Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia Đặc biệt Gò Đống Đa” do UBND quận Đống Đa phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, các nhà khoa học đã có cuộc tranh luận sôi nổi về gò Đống Đa hiện nay có phải là gò chứa di cốt của tàn quân hay đó chỉ là một gò tự nhiên rồi được dân gian thêu dệt để trở thành một huyền tích?

GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, lâu nay, người ta thường giải thích về di tích gò Đống Đa như sau: Sau khi trận đánh kết thúc, hàng vạn xác giặc Thanh nằm ngổn ngang khắp chiến trường, quân dân ta thu xếp thành đống và đắp thành 12 gò lớn.

Tuy thế, trong khu vực vẫn còn nhiều xác giặc chôn vùi rải rác. Năm 1851, khi đào đất mở rộng đường qua hai làng Thịnh Quang và Nam Đồng, dân địa phương còn đào được nhiều xương cốt và thu nhặt đem chôn vào một hố rồi đắp thành gò thứ 13.

Tên gò Đống Đa hay xứ Đống Đa không phải đã có từ trước năm Kỷ Dậu (1789) mà phải mãi về sau, trên những gò xác giặc Thanh, cây đa mọc um tùm nên mới có địa danh gò Đống Đa hay xứ Đống Đa (là những gò đống có nhiều cây đa).

ảnh 1

Hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng

Nhưng với những dẫn chứng trong lịch sử và khảo sát thực tế, GS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, 13 gò như dân gian nói hoàn toàn chỉ là con số mang tính ước lệ. Thực tế, các nhà khoa học chỉ xác định được vị trí tương đối của 7 gò và đến nay chỉ còn lại gò Trung Liệt (gò Đống Đa hiện nay) và một phần của gò Đống Thiêng.

GS Nguyễn Quang Ngọc cũng chỉ ra, nơi đây, năm 1724 đã từng là một trường thi võ và sử cũ cũng không ít lần nhắc đến những gò đống này với công năng là nơi tập bắn hay nơi nhà vua thực hành các nghi lễ cầu mưa. Và khi Sầm Nghi Đống tiến vào Thăng Long đã chọn khu vực đồi gò ở bên ngoài phía Tây kinh thành làm khu vực đóng quân, đặt chỉ huy sở trên núi Cây Cờ (tức là Loa Sơn) là điểm cao có thể bao quát toàn bộ khu vực đồn trại và kiểm soát con đường vào thăng Long.

Sau khi trận đánh kết thúc, có thể xác quân Thanh được chôn cất trên gò, núi, cũng có thể quân sĩ và nhân dân đắp thêm một vài gò nữa để chôn riêng xác giặc như nhân dân địa phương chỉ đích xác là gò Đầu Lâu, gò Trung Liệt (gò Đống Đa ngày nay). Nhưng có một điều chắc chắn rằng, tên gọi “Đống Đa” đã xuất hiện trước chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa năm 1789. Bởi chí ít năm 1777, Lê Quý Đôn viết sách “Kiến văn tiểu lục” đã nhắc tới sự kiện chuyển trường thi Bác cử về Đống Đa vào năm 1724.

“Cũng cần phải nói thêm rằng, gò Trung Liệt tức gò Đống Đa hiện nay chưa hẳn trong lòng gò đã chứa đầy hài cốt quân Thanh và lần đắp năm 1851 có thể cũng không phải là hoàn toàn đắp mới. Có cụ già ở địa phương cho biết, gò được đắp cao, rộng trên cơ sở gò cũ”, GS Nguyễn Quang Ngọc nói.

Về gò Đống Đa, có ý kiến cho rằng, đó là gò đất tự nhiên, nhưng được dân gian thêu dệt để trở thành một huyền tích. Về vấn đề này, cố GS Phan Huy Lê đã từng chia sẻ: “Theo truyền thuyết, khi thu dọn chiến trường, quân dân ta đã nhặt xác giặc, xếp thành từng đống rồi đắp đất lên thành những gò đống lớn. Đó là lối chôn cất cổ truyền của nhiều nước phương Đông, vừa có ý nghĩa biểu dương chiến công, để lại một di tích chiến thắng cho đời sau, vừa nhằm cảnh báo kẻ thù”. Nhưng cố GS Phan Huy Lê cũng khẳng định: “Thực ra, tất cả các gò đó có phải là gò chôn vùi xác quân Thanh không, còn phải chờ kết quả khảo sát khảo cổ học”.

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, để xác định gò Đống Đa có phải là nơi chôn cất của quân Thanh cần có yếu tố gốc để xác thực. Và hiện nay, chúng ta có đầy đủ điều kiện để làm rõ 3 vấn đề về gò Đống Đa với sự tham gia của các đơn vị liên quan. Thứ nhất, gò này có cốt người như truyền thuyết nêu không? Thứ hai, gò Đống Đa là gò đất tự nhiên và hoàn toàn không chứ di cốt của quân Thanh? Thứ ba, gò Đống Đa đúng là thiên tạo nhưng được đắp thêm để trở thành gò 13 như truyền thuyết lưu truyền.

ảnh 2

Gò Trung Liệt là gò Đống Đa ngày nay

GS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh đến hồn cốt của di tích lịch sử gò Đống Đa. Đây là nơi ghi dấu chiến công hiển hách của người anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ đã tiêu diệt 20 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long vào Tết Kỷ Dậu (1789).  

Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa mãi là trang sử vẻ vang trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay, hiện trạng của di tích chưa đủ sức hấp dẫn để lôi kéo du khách tới tham quan. Chính vì thế, GS Vũ Minh Giang đề xuất xây dựng trung tâm diễn giải lịch sử (bảo tàng panaroma) tái hiện từ những ngày đầu tiên mới khởi nghĩa của người anh hùng cờ đào áo vải đến sau chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, hoàng đế Quang Trung đã cho xây dựng lại kinh thành Thăng Long với nhiều biện pháp thiết thực). Đây cũng là xu hướng được thực hiện tại nhiều di tích trên thế giới như: đền Angkor Wat (Campuchia) đã xây dựng trung tâm diễn giải lịch sử và thu vé tới 20 USD/người và khách du lịch phải xếp hàng vào xem mới tới lượt.
                                                                              Theo: anninhthudo.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.410.037
Tổng truy cập: