VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Nghề đan lát Tam Vinh ngày ấy và bây giờ
(Ngày đăng: 04/10/2012   Lượt xem: 511)

Từ lâu làng Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã nổi tiếng với những sản phẩm được đan từ tre như cót, bồ, nong, nia, mủng, rổ, gàu nước… cung cấp khắp nơi trong và ngoài tỉnh để phục vụ cho đời sống nhân dân.

Cách thành phố Tam Kỳ khoảng 7km đường nhựa là đến trung tâm huyện lỵ Phú Ninh (thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Vừa qua khỏi trung tâm huyện là gặp con đường bê tông uốn lượn men theo đồng ruộng đến làng Tam Vinh. Đi ngoài đường, nhìn vào nhà nào cũng thấy để trước sân, có vài cái rổ, cái nia… đang đan dở và bó dăm tre trước hiên nhà - đó là dấu hiệu nhận biết về làng nghề này.

ImageHandler.ashx.jpeg

Cả gia đình vào ‘‘mùa’’ đan lát.

Ngày ấy…

Gặp các cụ Nguyễn Thanh 81 tuổi, Bà Đặng Thị Bằng, khối phố Tam Cẩm và Trương Tánh, 74 tuổi, khối phố Thạnh Đức các cụ đều cho biết: Nghề này đã có từ rất lâu đời. Trước đây vùng này gọi là Cẩm Sơn, sau đó thuộc xã Tam Vinh, bây giờ thuộc thị trấn Phú Thịnh.

Quy mô nghề đan lát ngày xưa không bằng bây giờ, cơ bản cũng chỉ phân bố ở một hai thôn. Nguyên liệu sẵn có quanh vườn chỉ cần đốn xuống để đan. Lúc đó chủ yếu đan bồ, cót, nong, nia, gàu nước, rổ… phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và cuộc sống thường ngày, đan xong phải tự gánh đi bán hoặc đổi sắn, đổi lúa… Lúc đó đi bán cực lắm, gánh đi khắp nơi để bán, lên tận các huyện miền núi như Trà My, Tiên Lãnh… 2 - 3 ngày mới về - lời cụ Tánh.

Nghề này là nghề phụ, lúc rảnh rỗi mới tranh thủ làm “công chắp, công thừa”, người già, phụ nữ, trẻ em cũng có thể làm được, lấy công làm lời chứ không định giá, nên không thể gọi là lời lỗ được.

Nghề này có làm nhiều mấy cũng chỉ đủ tiền mắm muối hằng ngày chứ không để dành để dụm được. Mọi người hay nói vui là “tiền đan là tan liền”, “cùng nghề đan mê bán” ý nói nghề này, thu nhập không cao, làm được đồng nào chỉ đủ mua mắm muối trong ngày- đó là nhận xét của nhiều người dân nơi đây.

Bây giờ…

Ông Trần Ngọc Lệ, Trưởng khối phố Tam Cẩm, cho biết làng nghề đan lát hiện nay đã được Ủy ban nhân tỉnh Quảng Nam công nhận là làng nghề truyền thống. Nghề này làm tập trung ở hai khối phố Tam Cẩm và Thạnh Đức và một phần ở xã Tam Vinh bây giờ. Có khoảng trên 50% hộ dân làm đại trà. Sản phẩm làm ra bao nhiêu, có người đến thu gom đem đi tiêu thụ bấy nhiêu, người dân không lo đầu ra cho sản phẩm.

Mấy năm trước, có công ty về mở nhiều lớp dạy cho người dân học nghề mây tre đan để đan đồ xuất khẩu. Các ngành chuyên môn của tỉnh, huyện cũng đã có đề án quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho làng nghề. Nhưng công ty chỉ hoạt động được một thời gian, không rõ là do thiếu nguồn nguyên liệu hay do chất lượng sản phẩm không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, không phát huy được nên đã giải thể, còn vùng nguyên liệu thì đến nay cũng chưa thấy triển khai. Cuối cùng người dân cũng quay lại với nghề đan lát truyền thống.

ImageHandler.a2shx.jpeg

Sản phẩm được tiêu thụ tại các chợ.

Ông Nguyễn Ngọt khối phố Thạnh Đức cho biết, trước đây làm ra sản phẩm phải tự đi bán nhưng bảy năm trở lại đây có người ở các vùng lân cận đến thu gom sau đó chở đi các nơi để bán, chở ra Đà Nẵng bỏ cho các chợ. Giờ làm không có hàng cho họ lấy, nhiều người đặt cọc tiền trước để có hàng. Nghề này bà con tranh thủ trưa tối, lúc rảnh rỗi làm, nhất là mùa hè học sinh nghỉ học về làm nhiều lắm. Nói thì đơn giản thế chứ nghề này cũng khá vất vả, làm phải kịp thời “tươi sống”. Tre mua về là phải chẻ đan ngay chứ để lâu chẻ không được.

Theo ông Ngọt thì, vấn đề nan giải nhất hiện nay đối với bà con là thiếu nguồn nguyên liệu, phải đến các xã vùng lân cận mới có tre để mua, đi cả ngày mới chở được 2 cây tre, giá mỗi cây cũng không hề thấp.

Hiện nay, các sản phẩm được bà con làm theo từng cụm, Tam Cẩm chủ yếu làm rổ, nia… bán đi các vùng và bỏ cho các chợ ở Đà Nẵng, còn Thạnh Đức thì đan tràng, rế bỏ cho các chợ và cho những cơ sở nuôi dế.

Ông Nguyễn Thanh Bình người chuyên đi thu gom sản phẩm đi tiêu thụ kể, các loại rổ lớn thì chở ra các chợ cá ở Đà Nẵng, rế thì chở bỏ các cơ sở nuôi dế... Mấy ngày mới đi một chuyến, một lần chở hơn trăm rổ, do chở hàng cồng kềnh nên 10 giờ đêm trở lên mới đi, trừ chi phí hết lời hơn trăm ngàn, lời lãi chẳng được là bao. Ông bảo, với cách làm nghề còn mang tính hộ gia đình, nhỏ lẻ thế này nên đời sống của bà con còn khó khăn, vất vả. Bởi vậy cần…

Một hướng đi bền vững

Một số người dân đang làm nghề cho rằng, làng nghề nằm sát với trung tâm thị trấn và huyện lỵ, mai đây quy hoạch đất làm khu dân cư, ruộng cũng không có làm chứ đừng nói tre với đan. Những suy nghĩ ấy không phải là hoàn toàn không có cơ sở. Tuy nhiên, với một nghề không gây tác động nhiều đến môi trường, nguyên liệu thiếu nhưng có thể giải quyết được, nếu bảo tồn và phát huy làng nghề này tại chỗ có thể phục vụ rất tốt cho nhu cầu du lịch của địa phương sau này.

UBND thị trấn Phú Thịnh đã lập “Đề án phát triển làng nghề mây tre đan thị trấn Phú Thịnh, giai đoạn 2011 – 2015 tầm nhìn đến năm 2020”. Đề án đang được triển khai thực hiện, tìm hướng liên kết với doanh nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, nguồn nguyên liệu đầu vào và đầu ra ổn định cho địa phương.

Chưa biết Đề án sẽ triển khai đạt hiệu quả như thế nào, nhưng đó cũng phần nào đáp lại mong mỏi bấy lâu của người dân làng nghề nơi đây. Nếu đề án triển khai thành công nghề đan lát thủ công sẽ có hướng đi bền vững bà con làm nghề có thu nhập ổn định, nghề đan lát truyền thống cũng được bảo tồn.

Theo langvietonline

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.475.111
Tổng truy cập: