VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Điệu then đẹp ở Bình Liêu
(Ngày đăng: 04/10/2012   Lượt xem: 535)

Câu lạc bộ Then - Thơ - Ca Bình Liêu, Quảng Ninh và CLB Then xã Tình Húc là hai trong số những điểm đỏ lưu giữ điệu then đẹp ở vùng Đông Bắc. Những thành viên của Câu lạc bộ này đều đã ngoài 40 tuổi. Có cả những cụ già đã 70 tuổi, vẫn hàng ngày say sưa với những điệu then mượt mà. Mỗi câu lạc bộ có khoảng hơn 20 thành viên hoạt động thường xuyên, tích cực. Điệu then mang dấu ấn của vùng Đông Bắc còn giữ được và phát triển nhờ rất nhiều vào sự nhiệt tình của họ.

9449a.gif

Câu lạc bộ Then Bình Liêu.

Đến Bình Liêu bây giờ vẫn có thể bắt gặp tiếng đàn tính, tiếng then của các bà, các chị ở các thôn, bản người Tày. Tiếng đàn tính tô điểm vào đất trời vùng cao ở huyện miền núi Bình Liêu bằng những âm thanh êm dịu, thanh thoát của điệu then mượt mà.

Truyền thuyết của người Tày kể rằng: “Cây đàn tính có 12 dây, mỗi khi tiếng đàn tính cất lên, cỏ cây, muông thú, vạn vật trên thế gian đều bị mê hoặc. Đến cả thần tiên trên trời cũng bị mê tiếng đàn mà trở nên lười nhác, bê trễ công việc. Thấy sự nguy hiểm của cây đàn, Ngọc Hoàng bèn sai tước đi 10 dây, chỉ để lại 2 dây như bây giờ”. Nhưng không vì thế mà đàn mất đi sức hút với con người. Hát then không có đàn tính cũng chẳng khác nào bữa cơm thiếu muối. Và hát then không có đàn tính, điệu then của người Tày không thể bay cao, vang xa. Chỉ có đàn tính mới có thể đệm cho hát then.

Không khó để chúng tôi tìm đến được Trường Trung học cơ sở Hoành Mô, một xã biên giới sát cửa khẩu Hoành Mô, Bình Liêu tìm gặp được thầy giáo Hiệu, người được bà con địa phương vẫn quen gọi là “Thầy then”.

Vùng quê này núi non hiểm trở, đi lại khó khăn nhưng dường như không ai là không biết tới thầy Hiệu. Từ lâu, bà con nơi đây đã coi thầy giáo Hiệu như một thành viên trong gia đình của mình. Quý thầy như tấm lòng của núi rừng, với con chim muông. Thầy Hiệu nhận được những tình cảm đáng trân trọng đó, bởi thầy là một trong số ít người trẻ, còn giữ được những làn điệu, những câu hát then của đồng bào dân tộc Tày, huyện Bình Liêu. Không chỉ gìn giữ nó, thầy còn phát triển và truyền thụ lại điệu hát then cho chính những học sinh của mình cùng bà con miền núi nơi đây.

Thầy tâm sự với chúng tôi, có lẽ là từ trong bụng mẹ, đã được nghe những làn điệu hát then. Sau này, lớn dần bằng dòng sữa mẹ và bằng những làn điệu hát then. Niềm đam mê then dường như đã ngấm vào máu, vào tâm hồn của thầy.

Thầy Hiệu đã không quản ngại gian khó, góp sức nhỏ bé của mình để bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa của dân tộc. Thầy sẵn sàng hát khi xã hay huyện có đề nghị ở các chương trình văn nghệ quần chúng. Nặng duyên với những điệu hát then, thầy đã theo đội Thông tin lưu động của huyện đi hát ở rất nhiều bản xa xôi.

Đội văn nghệ mỗi khi rảnh rỗi là họp nhau lại, để được thầy dạy cho nghệ thuật hát then và cách chơi đàn tính, một nhạc cụ không thể thiếu khi hát then. Mọi người đưa đàn cho thầy, ngón tay thầy nhẹ nhàng lướt trên cần đàn, hai dây tơ mảnh dẻ mà âm thanh phát ra dặt dìu, mê đắm.

Thầy Hiệu rất muốn có thêm nhiều bạn trẻ biết hát then, chơi đàn tính. Thầy rất muốn truyền tình yêu và lòng say mê hát then của dân tộc Tày tới nhiều người. Nghe thầy cùng với đội văn nghệ hòa nhịp trong làn điệu then, chúng tôi cảm nhận được tâm tình của lòng người, nghe được tiếng rừng, tiếng suối hòa quyện trong từng lời ca, tiếng đàn.

Hát then là một món ăn tinh thần của người Tày, nhưng hiện nay, món ăn tinh thần này đang dần mai một bởi áp lực của cuộc sống mưu sinh. Lớp trẻ hiện nay chẳng mấy người thích hát then, yêu then. Nhưng theo các nghệ nhân, muốn lớp trẻ yêu mến và tìm đến học hát then, phải cho họ hiểu được giá trị quý báu của loại hình nghệ thuật này, để họ thấy được trách nhiệm với nền văn hóa của dân tộc mình.

Then gắn với đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Tày, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng Tày. Hát then, đàn tính không chỉ là linh hồn cho các lễ nghi, hội hè, mà còn được ngân lên ngay trong sinh hoạt, lao động hàng ngày. Tiếng đàn tính vang vọng, lời then ngọt ngào nồng ấm, là món ăn tinh thần hơn tất thảy các món ăn tinh thần khác.

Theo quan niệm dân gian, then có nghĩa là thiên, thiên tức là “trời”, được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Chính vì thế, trong đời sống của người Tày cổ, nó được dùng trong những sự kiện trọng đại, hay lễ cầu an, cầu mùa, gọi hồn... Đồng bào Tày cho rằng, có ba tầng trời, mỗi tầng đều có người sinh sống. Họ tin khi tiếng đàn tính, cùng lời then cất lên là lúc các bà then đang bắt đầu cuộc hành trình với từng đường then dẫn quan quân đi khắp ba tầng trời và những điệu then giúp gửi lời cầu khấn đến nhà trời.

Trong then có nhiều đường then như: Pang Khoăn, Thống Đẳm, Cấp Sắc hay Cầu Hoa... Về dạng then cũng phong phú không kém, trong mỗi dạng lại có nhiều điệu hát khác nhau ví như: Then cúng lễ; then chữa bệnh; cầu con cái; then vào nhà mới, đám cưới... Các khúc then được tạo nên một cách có hệ thống, bài bản theo trình tự nội dung trình diễn.

Hát then thường được trình diễn chủ yếu trong một không gian nhỏ hẹp như trong nhà. Tuy nhiên, đôi khi cũng được trình diễn trong một không gian rộng như ngoài cánh đồng, ở Lễ hội Lồng tồng vào dịp giêng hai. Nhưng để điệu hát then phát triển đến ngày hôm nay, một phần lớn nhờ công của những người đã gìn giữ, thổi hồn vào điệu hát then độc đáo này.

Theo biên phòng

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.491.586
Tổng truy cập: