VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Truyền nhân làm Srí bắt chồng cuối cùng ở Tây Nguyên
(Ngày đăng: 02/10/2012   Lượt xem: 659)

Khác hẳn các tỉnh miền Trung, những ngày này ai đến Lâm Đồng sẽ được hưởng cái đặc ân riêng của thiên nhiên quanh năm mát mẻ, những cơn mưa mù rải dài khắp các ngõ phố. Đó cũng chính là lúc khắp các thôn, bản của đồng bào dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho… Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng rộn rã bước vào mùa lên rẫy.

Tuy nhiên, chính vào thời điểm này, có duy nhất một “gã khùng”, bỏ nương rẫy cho vợ con lo, ngồi nhà miệt mài làm Srí (nhẫn cưới) bắt chồng, nghề mà gã đã gắn bó máu thịt suốt gần 30 năm qua, đó là Ya Tuất ở Ka Đơm (Đơn Dương, Lâm Đồng).

Mê Srí hơn cả mê gái đẹp

Đến Đơn Dương hỏi Ya Tuất ai cũng biết. Hôm điện thoại hẹn gặp, Ya Tuất khoe: “Có lẽ tên mình giờ được nhiều người biết hơn cả tên chủ tịch xã”. Công tác ở Tây Nguyên nhiều năm, những nhân vật như Ya Tuất vẫn là của hiếm.

Mùa bắt chồng ở Tây Nguyên thường bắt đầu vào cuối đông - đầu xuân nên vào thời điểm này, Ya Tuất đang phải chạy nước rút để làm cho thật nhiều tín vật Srí. Bởi, hàng ngàn cô gái đến tuổi bắt chồng luôn khao khát được sở hữu những Srí do Ya Tuất chế tác. Với anh, mỗi chiếc nhẫn được trao cho các cô gái đi bắt chồng là một niềm hạnh phúc vô bờ.

Nói về vấn đề này, Ya Tuất cho hay: “Người Kinh thường rộn ràng với ngày lễ tình yêu, còn đồng bào mình, đặc biệt là những cô gái khi đã đến tuổi trưởng thành luôn khao khát đến mùa bắt chồng để được đeo Srí vào tay người mình hết lòng yêu và nhớ… Nhiều cô gái mang chiếc nhẫn về ôm chặt vào ngực thổn thức cả ngày trời trước khi đi đeo cho người mình yêu. Vì thế làm được càng nhiều nhẫn bao nhiêu Tuất lại càng hạnh phúc bấy nhiêu”.

hnh-2.jpg

Cặp nhẫn mắt sâu trống mái, tín vật quí giá nhất trong lễ bắt chồng (nhẫn đỏ trống, nhẫn xanh mái) được chính Ya Tuất làm trong đêm 30 Tết vừa qua.

Tuy làm nhẫn không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao nhưng phải là người thực sự có năng khiếu mới làm được. Ngày xưa, Ya Tiêng, cha của Ya Tuất miệt mài làm mãi nhưng vẫn không thành công, chỉ có Ya Tuất may mắn được học làm nhẫn cưới từ ông cậu là Ya Grang.

Và Ya Tuất tin vào cái duyên ngầm của người truyền dạy. Nhắc đến điều này Ma Wel - vợ Ya Tuất bật mí thêm: “Nó (ngôn ngữ dân tộc thường dùng gọi chồng) học được cái nghề này là do mẹ nó bắt học đấy. Mẹ nó ngày xưa đẹp lắm.

Học cái nghề này khó lắm, cái bụng, cái đầu phải chăm chú thật nhiều. Nhiều người cùng học nhưng chỉ nó học được. Lúc ông cậu đang sống nó cũng không làm được, khi ông cậu chết truyền cho nó hết bí quyết riêng nó mới làm được. Nó mê Srí hơn cả mê gái đẹp đấy”.

hnh-3.jpg

Đun nhẫn trong nước bồ kết sau khi đã làm xong.

 

Anh-4jpg.jpg

Ya Tuất đang chuẩn bị khuôn nhẫn bằng phân trâu.

Hiện tại Ya Tuất đã làm được 14 loại nhẫn khác nhau, một số loại đặc sắc như: Nhẫn có mặt đính hạt Ka Rel (một loại hạt cây rừng chỉ Ya Tuất biết) tiếng dân tộc gọi là nhẫn Srí lơ hây, nhẫn vòng thường (Srí car), nhẫn mắt sâu (loại nhẫn quí nhất, tiếng dân tộc gọi là Srí mata hơ la), ngoài ra còn nhiều loại nhẫn, vòng bạc khác. Đặc biệt, Ya Tuất vừa làm vừa truyền nghề cho con trai của mình như một khát khao muốn gìn giữ.

Những mật ngữ của Srí…

Khác với cách làm nhẫn của người Kinh, những cặp Srí này mang một sức mạnh huyền bí vừa kết nối, vừa mang một quy ước, một lời thề ngầm về hạnh phúc gia đình khi người con gái đã hoàn thành thủ tục bắt chồng.

 Người dân Tây Nguyên luôn tồn tại một quan niệm con trâu là một con vật linh thiêng mang sức mạnh và sự đầm ấm, sung túc; con ong mang biểu tượng của lòng kiên trì, miệt mài lao động; nên chất liệu chính góp phần vào quá trình hoàn thành những cặp Srí này, ngoài bạc, sáp ong còn có phân trâu - thường là trâu đực trên 3 tuổi cùng một ít đất sét lấy từ nơi bí mật trong những khu rừng già vào những ngày mưa lâm thâm. Hợp chất này được trộn với nhau làm khuôn nhẫn.

hnh-7.jpg

Dụng cụ và chất liệu làm “nhẫn bắt chồng”.

Người dân tộc không dùng nhiều đồ nghề trong quá trình làm nhẫn mà chỉ sử dụng một thanh sắt nhỏ mài sắc, nhọn để chạm khắc và các dụng cụ từ gỗ rừng. Để có một cặp nhẫn cưới hoàn hảo các nghệ nhân dân tộc cũng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ: Lấy sáp ong nấu chảy, trộn phân trâu rồi dùng que gỗ tròn bằng ngón tay nhúng vào, chờ khô thì rút que gỗ ra.

 Khi ấy, sáp ong và phân trâu khô quánh thành những ống tròn, nghệ nhân cắt thành những khuyên tròn để làm khuôn đúc nhẫn. Sau khi bạc đã được đun nóng chảy thì đổ vào khuôn, khi đó sáp ong và phân trâu trước sức nóng của bạc mới nấu chảy sẽ bết chặt vào bạc và thành một lớp men bên ngoài của chiếc nhẫn.

Hnh-5.jpg

“Hổ phụ” Ya Tuất đang truyền nghề cho “hổ tử” Ya Thương

Khuôn đúc nhẫn có hai loại: Loại nhỏ để đúc nhẫn mái cho người phụ nữ, loại to hơn đúc nhẫn trống dành cho người con trai. Trong quá trình đánh bóng và chạm trổ, nghệ nhân dùng nước bồ kết hoặc nước lá cây cơ nia đun sôi để rửa, cũng là cách để gửi gắm một ước vọng mái tóc sẽ lâu bạc màu; hoặc có thể bỏ những cặp nhẫn vào nước bồ kết đun để bắt đầu một ước vọng: “Hạnh phúc vĩnh hằng”.

Đêm trước khi bắt tay vào đúc nhẫn, người thợ phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước một loại lá thơm hái trong rừng, đồng thời phải cách ly, không được gần gũi vợ. Tuy người đàn bà đóng vai trò mang nhẫn đi hỏi cưới và đeo nhẫn cho người đàn ông nhưng người đàn bà lại không được tham gia làm nhẫn vì người ta cho rằng sức mạnh gắn kết từ người đàn ông mạnh mẽ hơn, uy lực hơn, tiềm ẩn và phóng túng hơn.

Chiếc nhẫn chỉ được làm trong thời gian từ 4 - 8 giờ sáng vì đây là giờ đẹp, giờ thiêng cho sự gắn kết lứa đôi trong quan niệm người Chu Ru, Cil, Cơ Ho… Đặc biệt, những cặp Srí được làm trong những đêm trăng rằm sẽ mang cúng Yàng (trời) để cầu mong sự phồn thực và sinh sôi của buôn làng. Sau khi cúng Yàng, những cặp Srí này sẽ được trao cho những thiếu nữ ưu tú nhất làm tín vật mang đi bắt chồng. Đặc biệt, một điều khó lý giải là những cô gái cầm Srí do Ya Tuất làm ra mang đi bắt chồng thì sau này có cuộc sống hôn nhân rất suôn sẻ, bền chặt.


Theo báo tin tức

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.962.486
Tổng truy cập: