VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Bảo tồn khẩn cấp giếng đá cổ ở Bá Hiến
(Ngày đăng: 02/10/2012   Lượt xem: 700)

Hơn 30 chiếc giếng đá cổ ở xã Bá Hiến huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc có niên đại hơn 500 năm tuổi, tuy nhiên hiện tại chỉ còn 11 chiếc, trong đó 5 chiếc còn nguyên bản. Người dân nơi đây lo lắng nếu không có biện pháp bảo tồn kịp thời thì một di sản văn hóa quý giá của dân tộc sẽ rơi vào quên lãng.

Giếng cổ - vật báu của làng

Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi có mặt tại xã Bá Hiến, khi hỏi thăm về những chiếc giếng đá cổ thì ai cũng tận tình, chỉ đường vanh vách. Theo tìm hiểu của chúng tôi: Làng Bá Hạ, xã Bá Hiến (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) là một làng Việt cổ. Thời phong kiến, Bá Hiến thuộc tổng Bá Hạ, dân cư phân bố trong bảy làng tiếp giáp nhau còn gọi là bảy làng Kẻ Bả. Nơi đây được biết đến là còn lưu giữ nhiều di tích văn hóa từ thời Hậu Lê. Đặc biệt, Bá Hiến đang lưu giữ 11 giếng đá cổ hơn 500 năm. 

1185109220120928171705294.jpg

Giếng đá cổ bị bỏ hoang.

Ông Dương Đình Nghê, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc xã Bá Hiến, một người dày công nghiên cứu về giếng cổ của làng cho biết: “Giếng cổ là báu vật của làng tôi, hiện tại có 11 chiếc, nếu tính cả những chiếc đã bị lấp bỏ thì lên đến 30 chiếc. Giếng cổ nằm rải rác trên địa bàn 4 thôn: Thích Trung, Vinh Quang, Thiện Chi và Bá Hương”. 

Theo ông Nghê thì cấu trúc các giếng đá cổ ở làng Bá Hạ hầu hết đều giống nhau. Giếng hình vuông, tang giếng (thành giếng) được ghép bằng 4 phiến đá sa thạch màu xanh rộng 1m, cao 1,5m, phần lớn có khắc chữ Hán vào tang giếng theo hướng đông, nét khắc đậm rõ, cỡ chữ đều. Giếng chùa Giao Sam, làng Thích Trung được coi là giếng cổ nhất còn nguyên vẹn từ tang giếng đến lòng giếng. Thành giếng còn khắc dòng chữ: Hồng Đức nhị thập nhất niên Canh Tuất thập nguyệt thập ngũ nhất (tức ngày 15 tháng 10 Canh Tuất niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21).

Trên thành giếng giờ đây còn lưu lại những vết lồi lõm rất sinh động, đó là vết tích do bà con mài dao kéo, dây thừng để lại. Lòng giếng đá cổ có đường kính 1,5m, được ghép từ những viên đá hộc có kích thước 20-30cm xếp chồng lên nhau từ đáy giếng lên thành. Sau các dãy đá là cát, dưới lớp cát là 2 tấm ván gỗ lim, mỗi tấm dày khoảng 10cm. Đây cũng chính là cách làm giếng thường thấy ở các vùng quê của miền Bắc xưa, nhằm tạo ra một nguồn nước trong và mát.

Ông Đỗ Văn Chủng, 70 tuổi ở xóm Quang Vinh cho biết: “Không biết giếng cổ có từ khi nào, chỉ biết cách đây 6-7 đời, gia đình tôi đã có giếng cổ này. Điều lạ là kiến trúc giếng nhìn rất thô sơ nhưng chưa bao giờ cạn nước. Vào mùa khô, các giếng đào, giếng khoan xung quanh nhà tôi đều cạn trơ đáy, nhưng riêng giếng cổ của gia đình vẫn đầy ắp nước, ngoài phục vụ cho cả gia đình còn phục vụ cho cả làng khi thiếu nước. Nước múc lên rất trong, mát lạnh, khi uống có vị hơi ngọt, dùng để pha chè thì nước xanh lâu, vị lại thơm ngon”.

Thực trạng đáng lo ngại

Một thực tế ở xã Bá Hiến đó là không phải người dân nào cũng ý thức được giá trị của những chiếc giếng đá cổ. Cho nên từ 30 chiếc giếng đá cổ hiện nay ở Bá Hiến chỉ còn lại 11 chiếc, trong đó chỉ 5 chiếc nguyên bản, còn lại hầu hết đều bị bỏ hoang, hoặc được người dân cải tạo, phá bỏ cấu trúc trong quá trình sử dụng.

Bà Lương Thị Khâu, 64 tuổi là người dân trong làng cho biết: “Chúng tôi lớn lên đã thấy bố mẹ sử dụng những chiếc giếng này. Trước đây là giếng cả làng dùng chung, bây giờ giếng cổ thuộc về gia đình tự bảo vệ. Nhiều nhà sửa lại, xây thêm tang, các phiến đá xanh người ta bán đi, đập bỏ hay chuyển đi đâu thì chúng tôi không biết. Làng tôi có 3 giếng cổ, 1 cái thì bỏ hoang, còn 2 cái nhưng đều bị tu tạo lại rồi”. 

Để chứng thực điều bà Khâu nói, chúng tôi tìm đến giếng cổ bỏ hoang tại nhà anh Dương Văn Miền. Quanh giếng cây cỏ mọc um tùm, thành giếng được che đậy vài tấm phi-brô xi măng, trên một phiến đá hiện rõ những vết nứt dài. 

Theo người dân nơi đây, thì khoảng thập niên 60 của thế kỷ 20 là thời điểm có nhiều giếng đá cổ bị lấp nhất. Đó là thời kỳ người ta vận động xã viên vào hợp tác xã và cho rằng giếng đá là tàn tích của chế độ phong kiến nên lấp giếng cũ đào giếng mới. Khoảng 5 năm trở lại đây, do hệ thống kênh mương đào sát ngay cạnh giếng nên một số bị hư hại, nguồn nước bị ô nhiễm. 

Ông Chủng cho biết thêm: Giếng nhà tôi trước gọi là giếng Chun, phục vụ cho đình làng Sãi, là giếng cổ cả làng cùng ăn nước. Những năm 90, khi làm đường bê tông, họ đưa máy cuốc vào làm giếng bị sạt lở, nhưng sau đó được sửa lại. Các phiến đá xanh bê đi bê lại đã bị vỡ, người ta xây gạch lên hình vuông quanh giếng. Một số người dân trong làng vì cho rằng giếng bị động, làng gần đây có nhiều chuyện không hay nên kéo đến 7 xe đất lấp, đổ kín giếng. Nhưng chỉ một tháng sau chính quyền xã lập biên bản không cho lấp vì đó là giếng cổ. Trên thành giếng còn ghi lại ngày tu tạo là 24-8-2007. Quá trình đào đi lấp lại làm giếng hư hại nhiều. 

Ông Nghê cho biết thêm: “Vì một số người dân chưa hiểu hết giá trị của giếng cổ nên đã cải tạo cấu trúc, hoặc khi xây dựng làm hỏng giếng cổ. Trước thực trạng trên chúng tôi đã có công văn gửi đi các cấp yêu cầu phải bảo tồn, không được xâm hại đến di tích. Chúng tôi cũng đã đề nghị bằng văn bản lên Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xin công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh cần được bảo tồn. Vừa qua, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đang có ý kiến đưa một giếng cổ lên trưng bày để giới thiệu. Phía UBND xã và bà con nhân dân đã cơ bản đồng tình nhưng đến nay chưa thấy triển khai”.

Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Bình Xuyên sớm vào cuộc và kêu gọi mọi người dân, cần chung tay bảo vệ giếng đá cổ ở Bá Hiến, một di sản quý giá của dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một.

Theo QĐND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.492.715
Tổng truy cập: