VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(98-99)- Quan họ cổ bờ Bắc sông Cầu
(Ngày đăng: 06/10/2019   Lượt xem: 364)

Kể từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trở về trước, nguồn tài liệu ghi chép từ các nhà viết sử phong kiến hầu như không cho chúng ta biết rõ về sự tồn tại của tục hát quan họ. 

song cau

Các liền anh, liền chị CLB quan họ Đình Cả, xã Quảng Minh (Việt Yên).  Ảnh: Nguyễn Hưởng

Phải đến đầu thế kỷ XX, dân ca quan họ mới trở thành một hiện tượng văn hoá cuốn hút hàng loạt các học giả trong nước như: Chu Ngọc Chi (1928), Việt Sinh (1933), Nguyễn Văn Huyên (1934), Minh Trúc (1937), Nguyễn Duy Kiện (1940), Dương Quảng Hàm (1943), Toan Ánh (1943)… lần lượt công bố kết quả khảo sát, mô tả về vùng sinh hoạt dân ca quan họ. Qua đó lần đầu tiên chúng ta biết đến những địa danh, hình thức tổ chức bài bản, quan hệ kết nghĩa và những sinh hoạt độc đáo khác của quan họ vùng Kinh Bắc. 

Kết nối đôi bờ sông Cầu

Theo học giả Minh Trúc, không gian ấy gồm nhiều làng của 4 huyện: Võ Giàng (nay là Quế Võ), Tiên Du, Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) và huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). 

Căn cứ chu kỳ dịch chuyển của các lễ hội có hát quan họ, học giả Toan Ánh nhận thấy từ mồng 4 tháng Giêng, khi mùa hát quan họ ở khắp mọi làng xứ Bắc bắt đầu, trai gái thường tụ họp nhau để hát từ hội Chắp (Hữu Chấp) rồi lần lượt hẹn nhau đi các hội ở huyện Võ Giàng, Yên Phong, Tiên Du (Bắc Ninh), Lục Ngạn, Việt Yên (Bắc Giang). Như vậy, theo học giả Toan Ánh: Không gian văn hoá quan họ không chỉ gồm 4 huyện như tác giả Minh Trúc đã trình bày, mà còn có cả huyện Lục Ngạn!

Đã hàng trăm năm qua, trên các triền cao ven sông Cầu, từ dãy Nham Biền (Yên Dũng) đến dải núi của đất Việt Yên, sinh hoạt văn hóa quan họ thực sự đã diễn ra tại nhiều làng quê, như: Bùi Kép, Bùi Bến xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, đến làng Đình Cả (Quảng Minh), Hạ Lát (Tiên Sơn), Trung Đồng (Vân Trung), Thổ Hà (Vân Hà), Quang Biểu (Quang Châu) thuộc huyện Việt Yên; làng Cẩm Xuyên (Xuân Cẩm) thuộc huyện Hiệp Hoà. 

Từ đầu thế kỷ XX trở lại đây, hàng loạt các làng quan họ thuộc Việt Yên (Bắc sông Cầu) có tục kết chạ với các làng quan họ thuộc tỉnh Bắc Ninh (Nam sông Cầu): Làng Thổ Hà kết chạ với làng Diềm; làng Trung Đồng kết chạ với Thượng Đồng và Hạ Đồng; làng Nội Ninh kết chạ với làng Hàn, Diềm; làng Mai Vũ kết chạ với Chấp Bút; làng Hữu Nghi kết chạ với Cao Lôi; làng Tiên Lát kết chạ với Bịu Sim… Chính nhờ mối kết chạ này, các cặp nghệ nhân quan họ từ hai phía có sự gắn bó, giao lưu và sáng tạo trong sinh hoạt quan họ.

Nhà nghiên cứu quan họ Trần Linh Quý, trong đợt khảo sát không gian sinh hoạt văn hóa quan họ và nghiên cứu tiêu chí nghệ nhân, đã tin rằng có 5 làng: Thổ Hà, Mật Ninh, Thần Chúc, Trung Đồng, Lát (Thượng Lát và Tiên Lát), là những làng quan họ cổ”, ông nhận định: “Ngồi nghe, quan sát các cụ ở cả 5 làng kể trên hát các bài Đương bạn Kim Lan, Giăng non, Giăng già, Tuấn Khanh, Đường xa đi có một mình, Áo xếp nếp người,… ta sẽ thấy từ phong cách hát đôi, hát đối với giọng thật, âm thanh vang, rền, nền, nảy, ngắt, rớt… tôi có cảm giác như còn dấu vết quen thuộc của tiếng hát mà tôi đã nghe các cụ bà, cụ ông ở Bồ Sơn, Khả Lễ, Đào Xá, Viêm Xá… hát vào những năm 1970 - 1980”!

Quan họ lan tỏa trên đất Bắc Giang

song cau1

Hát quan họ trên sông Cầu ở làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên).   Ảnh: Tiến Đạt

Sinh hoạt văn hóa quan họ xưa cứ vậy kéo dài đến cuối những năm 50, đầu những năm 60 thế kỷ trước và tạm ngưng bởi chính quyền tạm thời cấm mọi sinh hoạt văn hóa tụ tập đông người để tập trung cho nhiệm vụ trọng đại chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, xây dựng Chủ nghĩa xã hội và dồn sức cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Từ cuối những năm 60 thế kỷ trước, sinh hoạt dân ca quan họ mới dần hồi sinh. Tuy nhiên, mọi nguồn lực sưu tầm, nghiên cứu dân ca quan họ trong phạm vi hành chính phía Bắc sông Cầu vẫn chỉ tập trung vào 5 làng quan họ của huyện Việt Yên như đã công bố. Trong khi đó, hàng loạt các làng quan họ thuộc các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lục Ngạn… chưa được quan tâm khảo sát, nghiên cứu.

Hơn chục năm gần đây, không gian sinh hoạt văn hóa quan họ Bắc Giang đã có nhiều biến đổi. Với nhiều làng quê, không gian văn hóa quan họ gần như không thay đổi, nhưng nghề nghiệp đã và đang có sự pha trộn. Bóng dáng của “cây đa - bến nước - sân đình” dù vẫn hiện hữu trong đời sống nhưng các cuộc giao lưu quan họ đã biến đổi, không còn cảnh nhập bọn, tụ bọn đam mê với lời ca “thâu đêm suốt sáng” như xưa. 

Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi/cặp giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội xuân thu nhị kỳ ở các làng quê. Tuy nhiên, khoảng hơn chục năm gần đây, quan họ đã được mở rộng/tiếp nhận hình thức biểu diễn trên nền nhạc đệm, nhiều bài quan họ được cải biên. 

Chính vì lẽ đó, bản sắc đã có phần biến đổi, cái hồn của quan họ xưa có phần phai nhạt. Những bài quan họ cổ xuất hiện ít hơn, trình diễn quan họ theo lề lối cổ cũng dần mất đi, hầu như không có sự sáng tạo, ứng tác trong cuộc thi.

Nếu trước đây, hát quan họ được xem là lối sinh hoạt quen thuộc của người dân Kinh Bắc nhằm giao lưu kết bạn giữa các liền anh, liền chị, gửi gắm tâm tư tình cảm của mình trong câu hát, đồng thời cũng là cung cách thực hành để giữ gìn nét đẹp văn hóa của vùng quê thì ngày nay, không ít cuộc hát/sinh hoạt quan họ đã trở thành những tiết mục biểu diễn văn nghệ, quan họ được biểu diễn trong các buổi tiệc tùng, những tiết mục được xây dựng dường như chủ yếu hướng đến hình thức, trong khi nội dung và chất lượng lại là thứ yếu và dần mất đi bản sắc vốn có. 

Nguyên nhân có thể là do những “báu vật sống” hát quan họ theo lối cổ, vốn đã dần khan hiếm, nay lại khó hòa hợp với đội ngũ những nghệ sĩ hát quan họ hiện đang “diễn” theo lối mới, hát theo dàn nhạc và không gian thông thoáng rộng mở hơn xưa!

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ tại Bắc Giang, vẫn cần nhiều vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của chính quyền, cơ quan chức năng và cộng đồng. Chẳng hạn, quan tâm đến các thế hệ nghệ nhân bằng các chính sách thiết thực; mở rộng khảo sát nghiên cứu không gian văn hóa quan họ ở các huyện: Lục Ngạn, Yên Dũng, Lục Nam; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ thực hành di sản, hướng đến xây dựng các điểm phục vụ phát triển du lịch của địa phương…
                                                       Theo: vanhien.vn

 


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.466.753
Tổng truy cập: