VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Chiếc lồng đèn của một thời đã xa...
(Ngày đăng: 29/09/2012   Lượt xem: 577)

Một đêm Trung thu ở Đà Nẵng trước năm 1975. Tôi đang cùng đám trẻ quanh xóm tung tăng rước đèn thì mắt mũi bỗng cay xè, đứa nào đứa nấy ho sặc sụa giữa đám khói mù mịt. Có tiếng ai đó hô lên: "Mấy đứa nhỏ chạy đi, lựu đạn cay kìa!". Cả bọn chúng tôi ù té chạy về nhà, vứt cả lồng đèn, trống ếch rồi khóc nức nở...

t484906.jpg

Biết tìm đâu niềm vui Trung thu thực sự ý nghĩa cho con trẻ giữa "rừng" lồng đèn nhựa ngoại nhập như thế này? - Ảnh: HC

Gần 40 năm đã trôi qua, tôi vẫn không sao quên được cái đêm Trung thu hãi hùng giữa thời chiến tranh loạn lạc ấy. Song điều để mãi ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi suốt quãng đời thơ ấu cho đến bây giờ vẫn là cảnh những đứa trẻ sau cơn hốt hoảng lại xúm xít nhau sửa chữa cho bằng được những chiếc lồng đèn bị móp méo, rách toác khi bỏ chạy tán loạn. Mặc cho đêm Trung thu đã... dần tàn!

Vài năm sau ngày giải phóng, tôi cũng còn trong tuổi rước đèn. Hoàn cảnh kinh tế đất nước và rất nhiều gia đình lúc đó còn rất khó khăn. Cha mẹ lo được miếng ăn cho cả nhà đã quá vất vả, nói chi đến chuyện mua sắm quà Trung thu cho con. Nếu tôi nhớ không nhầm thì mãi cho đến khi lên tới cấp 3, tôi vẫn chưa từng được nếm để biết mùi vị của chiếc bánh Trung thu là như thế nào!

Thế nhưng niềm vui Trung thu của tuổi ấu thơ thì vẫn không thay đổi. Vẫn những chiếc lồng đèn mà chúng tôi đã ra sức cắt dán, chăm chút tỉ mỉ sao cho... không thua kém những chiếc lồng đèn bán ngoài tiệm vốn chỉ con cái các gia đình khá giả mới dám mơ tới. Có đứa còn cố gắng "sáng tạo" ra những kiểu dáng lồng đèn mà... ngoài tiệm không có. Thế mới oách!

Vẫn những tiếng reo hò đầy phấn khích, tự hào khi đèn sáp được thắp sáng lên, chập chờn sau lớp giấy mờ, lung linh theo từng cơn gió thoảng. Có khác chăng là đám trẻ chúng tôi lúc ấy không còn phải nơm nớp nỗi lo sợ như năm nào từng rước đèn Trung thu giữa mịt mù khói lựu đạn cay!

Đôi tay nơn nớt, dính bết hồ không che lấp được cái thô thiển, vụng về khi cắt, dán, cột dây... vốn bị "lộ nguyên hình" rất rõ trong ánh đèn sáp. Song điều đó có hề hấn gì so với niềm vui con trẻ khi được thắp sáng cho đêm vui của mình bằng chính sự miệt mài đến bỏ ăn, bỏ ngủ nhiều ngày trước đó. Huống chi những chiếc lồng đèn tự tay làm ra ấy còn vinh dự được tham gia các cuộc thi lồng đèn do trường phát động!

Chỉ riêng việc giữ được cho lồng đèn không quá trống trải để đèn sáp không bị tắt khi gặp gió, nhưng cũng không bịt bùng để khỏi bị đèn sáp đốt cháy từ bên trong... cũng đã là một "công phu" đem lại biết bao tiếng cười hả hê, tiếng khóc nức nở... làm nên dấu ấn không thể nào phai của thưở "Tết Trung thu em rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường"...

t484907.jpg

Mục "Bé thi vẽ đầu lân" được các cháu mẫu giáo tham gia say mê trong chương trình "Vui hội Trăng Rằm" tại Đà Nẵng . Ảnh: HC .

Lớn lên chút nữa, chúng tôi lại tham gia phong trào làm lồng đèn tặng trẻ em nghèo, trẻ em miền núi, hải đảo... vào các dịp Trung thu. Cả lớp quây quần trong phòng học, tiếng nói tiếng cười râm ran. Buổi làm lồng đèn trở thành cuộc thi tài ngộ nghĩnh, gợi dậy bao niềm vui trong sáng, giản dị của thời niên thiếu...

Chợt nhớ lại kỷ niệm xưa, chợt nghĩ đến sự háo hức của con khi mùa Trung thu lại sắp về, lòng không khỏi thấy nôn nao!...

... Nỗi nhớ tiếp nỗi nhớ cứ ùa trở lại khi tôi cùng anh bạn cũ bần thần nhìn chiếc lồng đèn mà vợ vừa mua về cho con. Một chiếc lồng đèn bằng nhựa được làm khá sắc sảo, sơn vẽ đủ màu sắc rực rỡ. Bên trong là chiếc bóng đèn xinh xinh, chỉ cần bật công tắc ở tay cầm là đèn toả sáng. Một chiếc lồng đèn công nghiệp - quả nhiên quá tiện lợi, còn lo gì gió sẽ làm tắt đèn sáp hay thổi cháy lồng đèn.

Từ cả chục năm nay, loại lồng đèn này - chủ yếu là hàng nhập ngoại - đã gần như "phủ kín" các tiệm bán quà Trung thu, đẩy những chiếc lồng đèn thủ công do các cơ sở trong nước sản xuất vào những "góc" khiêm tốn đến mức hầu như không ai thấy. Các bậc phụ huynh cứ thế tiện tay mang về làm quà cho con trẻ, và nếu trường có phát động thì cho nó mang đi... dự thi luôn cho có!

Ấy vậy mà lòng vẫn thấy buồn. Những đứa trẻ sẽ đón Trung thu bằng những chiếc lồng đèn ngoại nhập, vốn được cho ra lò hàng loạt bằng những dây chuyền sản xuất máy móc. Và rồi niềm vui của chúng cũng sẽ "nhập ngoại", cũng sẽ "mì ăn liền" mà chẳng đọng lại chút dấu ấn nào của tuổi thơ. Có chăng là sự so sánh... lồng đèn này đắt tiền hơn lồng đèn kia!

Con đâu những câu cười, tiếng khóc thật trong sáng, giản dị và cũng thật người, từng đem lại cho tuổi thơ nguồn lực sống tự thân, không dựa dẫm, để biết chan hoà, san sẻ cũng những cảnh ngộ khó khăn? Có bao giờ những bôn ba kiếm tìm, du nhập đủ mọi thứ tiện nghi sẽ khiến tâm hồn những người lớn chúng ta trở nên xơ cứng?

Theo infonet

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.493.782
Tổng truy cập: