VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Cây tre làng Việt
(Ngày đăng: 29/09/2012   Lượt xem: 2501)

Cứ như thứ luật Thiên định, suốt hành trình kiếm sống, hành trình sinh tồn của đời người chẳng thiếu bóng tre, bóng trúc. Từ buổi khai sơn phá thạch, cây tre đã ưu ái sắc thanh xuân cho hình hài Tổ quốc. Tre ăn đời, ở kiếp, tre son sắt thủy chung suốt dòng chảy nhân sinh. Tre luôn lấp lánh cùng thiên hùng sử, lấp lánh giữa mạch nguồn văn hóa lung linh ra đời từ đại cộng đồng con Lạc cháu Hồng. Cây tre mãi mãi là linh hồn của làng quê Việt Nam

11257_2.jpg

Chỉ với vài con khăng tre cũng đủ cho bọn choai choai chúng tôi gây náo động cả khu đất trống đầu làng. Tàn cuộc, lại những gương mặt ấy lếch thếch áo vá, quần đùi, xách giỏ vác cần tre ra bờ sông ngồi câu cá. Chiều chiều, nào diều sáo, diều màng, diều cánh cốc, diều mặt trăng… mỗi đứa một mảnh đua nhau thả kín khung trời. Nếu ngày ấy, cây tre tự nhiên vắng bóng không biết chúng tôi sẽ tìm thứ gì để mà chơi!

Tre đâu chỉ bó hẹp với thế giới tuổi thơ. Suốt ngày hễ rời thúng, mủng, giần, sàng liền thấy mẹ vớ ngay rổ nọ, rá kia tất bật vo gạo, rửa rau. Ngó vào gian nhà ngang ở bất kỳ làng quê nào cũng gặp la liệt dụng cụ dính líu với cây tre: Cuốc, thuổng, nong, nia, cối xay, đòn gánh, đòn càn, gàu sòng, gàu dai rồi lỉnh kỉnh những ngư cụ dân gian như nơm, vó, đó, đăng… Cứ như thứ luật Thiên định, suốt hành trình kiếm sống, hành trình sinh tồn của đời người chẳng thiếu bóng tre, bóng trúc. Thuở xưa hiếm lắm mới thấy người được làm quen với sập gụ, trường kỷ. Tại muôn nẻo hương thôn, gắn bó với mọi mảnh đời chẳng khác gì khác ngoài chiếc giường tre, ghế tre đơn sơ. Từ thuở lọt lòng đến tuổi trưởng thành hay vào lúc chiều tà, bóng xế nào ai nhớ nổi từng có bao nhiêu đồ dùng bằng tre theo sát ngay bên, rất tự nhiên, rất chung thủy.

Rồi bỗng một ngày, ấy là sau thời khắc cụ Hồ Chí Minh phát lệnh “Toàn quốc kháng chiến”, tại khắp các làng quê cứ thấy mọi người cầm dao ùa đi chặt tre. Ai cũng cố tìm cho được những cây vừa già vừa thẳng. Chỉ loáng cái trên dọc đường làng đã chất đống lớn, đống bé cọc tre vạt nhọn dài gấp đôi, gấp ba chiếc đòn xóc. Người người hăm hở mang cọc tre cắm khắp cánh ruộng ải, cắm kính các bãi tha ma. Phàm chỗ nào bằng phẳng, rộng rãi là ở đó phô trương tua tủa cọc tre nhọn hoắt. Nghe người lớn cắt nghĩa chúng tôi mới vỡ lẽ đây là “bẫy chống quân nhảy dù” – một binh pháp lợi hại ra đời từ cây tre.

Những chiếc máy bay DAKOTA của quân Pháp đến lượn lờ, dòm ngó, chắc rất gờm rừng cọc nhọn dưới đất không dám ném quân nên lần lượt vọt lên cao rồi chuồn thẳng. Qua sử sách người xưa từng găm cọc gỗ dưới sông phá tan thuyền giặc. Còn giờ đây dân làng cắm cọc tre chặn đứng lũ lính, mới thất cây tre quê mình quý giá biết chừng nào. Nhắc đến thời 9 năm khói lửa chẳng gì vui hơn không khí “Hội rào làng kháng chiến”: Khắp xóm dưới thôn trên, hết thảy già, trẻ, gái, trai tất bật đánh tỉa mọi khóm tre lưu niên đem trồng thành dãy vây kín bìa làng. Ai từng ấp ủ bí quyết kinh nghiệm quanh chuyện nhân giống tre đều hiến kế cho công trình lũy tre kháng chiến. Thanh niên trai tráng bì bõm đẫy ngày dưới áo xúc lên những gàu bùn mát rượi đổ vây lấy mọi gốc tre mới trồng.

Những thân tre dài bẻ gập lại dang tay vin chặt vào nhau tạo thành vành đai cố thủ ôm trọn chòm xóm thôn hương. Lũ trẻ chúng tôi được cắt đặt phận sự rõ ràng lắm! Ngoài việc múc nước tưới tre còn thường xuyên canh giữ không để trâu bò phá hại những chồi măng mới nhú. Công việc tưởng chẳng gì to tát nhưng được người lớn để mắt đến mình nên đứa nào cũng hồ hởi, phấn chấn…

Thánh Gióng xưa đã nhổ phăng cả cụm tre quật tan tác lũ xâm lăng. Lại thấy các bậc bô lão thời đánh Mỹ trân trọng trao cho cháu con chiếc gậy tre trước lúc lên đường vào Nam chiến đấu. Có trong tay chiếc Gậy Trường Sơn nghĩa nặng tình sâu, lớp lớp dũng sỹ ra đi chân cứng, đá mềm đạp lên đầu thù băng băng xốc tới kịp về đích vinh quang giữa ngày 30/4/1975 lịch sử.

Từ buổi khai sơn phá thạch, cây tre đã ưu ái sắc thanh xuân cho hình hài Tổ quốc. Tre ăn đời, ở kiếp, tre son sắt thủy chung suốt dòng chảy nhân sinh. Ngẫm về làng quê Việt Nam đâu dám lơ đãng với bóng tre, bóng trúc. Tre luôn lấp lánh cùng thiên hùng sử, lấp lánh giữa mạch nguồn văn hóa lung linh ra đời từ đại cộng đồng con Lạc cháu Hồng. Ở Việt Nam từng hiển hiện một con người lớn lên từ mảnh nôi tre dân dã nhưng hễ nhắc đến tên thấy ai cũng đều trào dâng niềm kính yêu vô hạn: Bác Hồ. Hành hương về nơi yên nghỉ  vĩnh hằng của Bác, cháu  con, bầu bạn muôn phương thật hạnh phúc vô biên khi được dạo gót dưới tán tre mát rượi, một biểu tượng của Việt Nam.

Giờ đây làng quê ta đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt sau đằng đẵng đêm dài nô lệ, rồi khói lửa chiến tranh. Mái rạ vách xiêu, đấu ấn của bần cùng đã được thay thế bằng nhà cao, cửa rộng. Và, tòa ngang dãy dọc cao ốc đang hứa hẹn hiện hình, mơ ước này chắc chẳng phải chờ lâu. Xi măng sắt thép đang ùn ùn đổ về lấp đầy ao tù nước đọng muôn thủa. Dấu hiệu đi lên của mạch sống tương lai đang mở ra. Song, mỗi chúng ta khi nhắc đến bức tranh làng Việt ai chẳng kiêu hãnh tìm về bóng tre, bóng trúc. Cây tre mãi mãi là linh hồn của làng quê Việt Nam

Theo báo thái bình

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.494.378
Tổng truy cập: