VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Thở dài nhìn cổ vật Hòa Bình phủ mạng nhện
(Ngày đăng: 28/09/2012   Lượt xem: 607)

1036194579.jpg

Những cổ vật đang nằm đắp chiếu tại phòng truyền thống của UBND xã Vĩnh Đồng huyện Kim Bôi (Hòa Bình) bị bụi bẩn, mạng nhện bám đầy.

NDĐT- Những cổ vật có từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, kể cả trống đồng và thạp gốm cổ, vô giá về mặt tinh thần nhưng hiện vẫn đang nằm “đắp chiếu” tại xã Vĩnh Đồng cũng như tại Phòng văn hóa thông tin huyện Kim Bôi (Hòa Bình).

Điều đáng nói là những cổ vật có giá trị này đang không phát huy hết tác dụng mà còn bị “giam cầm” trong những căn phòng không đủ điều kiện về bảo quản nên dần bị hoen gỉ, họa hoằn lắm mới có người đến xem hoặc nghiên cứu.

Người dân nơi đây cho biết, những cổ vật ở UBND xã Vĩnh Đồng là những đồ dùng sinh hoạt hoặc tùy táng của nhà quan lang dòng họ Đinh ở Mường Động được chôn cất ở khu mộ cổ Đống Thếch. Khu mộ cổ Đống Thếch nằm ở phía tây bắc thung lũng Mường Động, xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, cạnh đường tỉnh lộ 12B, cách trung tâm huyện lỵ 6 km. Với diện tích rộng hàng vạn m3, trải qua nhiều đời, khu mộ cổ Đống Thếch đã có hàng trăm ngôi mộ của nhiều thế hệ dòng họ Đinh.

Theo ông Bùi Đức Òm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đồng, khu mộ cổ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích khảo cổ học. Trước đây nó được người dân trong vùng gọi là “thánh địa” của nhà quan lang dòng họ Đinh. Tuy nhiên vào đầu những năm 1980, tình trạng buôn bán đồ cổ rộ lên thì người dân địa phương đã tự ý vào khai thác cổ vật để bán. Đến tháng 12-1984, do tình trạng đào bới mộ cổ để tìm kiếm cổ vật ở khu mộ cổ Đống Thếch bước đầu đã bị xâm phạm, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) tiến hành khai quật “chữa cháy” toàn bộ số cổ vật còn lại.

Kết quả khai quật đã đem lại nhiều thông tin quý giá về xã hội Mường cổ, về tang thức, quy mô, cấu trúc trong các mộ cũng như cách đặt hiện vật, đồ tùy táng trong mộ. Với số lượng hiện vật phát hiện phong phú, đặc biệt là đồ gốm sứ nhiều loại mang dấu ấn kỹ thuật chế tác, đặc trưng, điển hình của nhiều thời đại khác nhau như Lý, Trần, Lê…Điều đáng nói là một số đồ gốm sứ này là gốm sứ được chế tác ở nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản…chiếm tỷ lệ không nhỏ đã tạo nên dáng vẻ toàn diện của bộ sưu tập gốm sứ quý, đa dạng với nhiều tiêu bản đặc sắc. Đặc biệt là những đồ gốm sứ được chế tác ở nước ta vào thế kỷ thứ XVII.

Ngoài các hiện vật thu được trong đợt khai quật thì năm 1987, nhân dân địa phương đã đào được một số trống đồng và nhiều hiện vật khác hiện nay đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống xã Vĩnh Đồng.

Sau khi khai quật, một số mẫu cổ vật có giá trị đã được Bảo tàng tỉnh Hòa Bình chuyển về để trưng bày và bảo quản. Một số còn lại hiện nay đang được xã và huyện xin giữ lại để nhân dân và khách du lịch đến tham quan. Nhưng từ đó đến nay, những cổ vật này vẫn nằm im trong kho, số người đến tham quan chắc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Điều đáng lo ngại là những hiện vật quý tại đây đang dần bị lãng quên. Trong căn phòng truyền thống ở xã Vĩnh Đồng những chiếc trống đồng, thạp, bình… đang bị mạng nhện, bụi bẩn bám dày đặc. Các cổ vật luôn được đặt ở dưới sàn nhà ẩm ướt nên rất dễ hư hỏng. Nếu không có khách đến tham quan thì có lẽ ai cũng nghĩ đó là gian phòng bỏ hoang được khóa trái cửa.

Nhưng những người hiểu về giá trị của cổ vật mới bước chân vào căn phòng này thì không khỏi xót xa bởi những “món quà của lịch sử” này lại đang được bày la liệt, không theo hàng lối, cách bố trí không phù hợp, phía dưới được kê bằng sạp gỗ và không có sự bảo quản đúng quy cách này.

Trong căn phòng cũ kỹ này là hai chiếc trống đồng lớn, trong đó chiếc lớn hơn có bốn con cóc được trang trí bên trên mặt trống. Tuy nhiên, cả hai chiếc trống này lại đang bị ô xy hóa khiến màu đồng đã thay đổi. Bên cạnh đó là những chiếc thạp, bình, bát, đĩa…cái thì còn lành lặn, cái thì đã vỡ cũng được bày chung ngay sát những chiếc trống đồng và thạp. Trong số này có lẽ nguyên vẹn và giá trị nhất là chiếc thạp làm bằng gốm, trải qua vài trăm năm vẫn còn nguyên vẹn ánh lên màu vàng nâu rất đẹp mắt.

Cũng theo ông Bùi Đức Òm, việc lưu giữ cổ vật có giá trị này ở xã rất khó khăn, đã từng bị kẻ trộm đột nhập. Trong đó, vào khoảng những năm 1990 đã xảy ra 2 vụ kẻ trộm đào tường lấy đi một chiếc thạp rất quý và một số bát nhang, ấm, chén cổ. Một thời gian sau, phòng truyền thống, nơi cất giữ cổ vật cũng bị kẻ trộm bẻ khóa và lấy đi một trống đồng. Vụ mới nhất xảy ra vào năm 2010 kẻ trộm cũng vào bẻ khóa trộm tiếp chiếc trống đồng to nhưng rất may là tổ bảo vệ và nhân dân phát hiện kịp thời đã đưa cổ vật về vị trí an toàn.

Điều đáng lo ngại là hiện nay không chỉ có hàng chục cổ vật quý ở xã Vĩnh Đồng huyện Kim Bôi đang dần bị lãng quên mà có khoảng hơn 60 cổ vật quý khác cũng đang phải nằm “đắp chiếu” trong phòng văn hóa thông tin của huyện. Trong đó có 6 chiếc trống đồng heger II, một thạp gốm đời Trần và nhiều bát đĩa, ấm gốm thời Lê…Việc những cổ vật quý không được đưa ra trưng bày cũng như bảo quản tốt đã và đang có nguy cơ bị xuống cấp.

Theo ông Bùi Tân Cảnh, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Kim Bôi, hiện nay hơn 60 cổ vật đang ở trong phòng văn hóa rất ít khi được mở. Nếu mở cũng cần phải có sự cho phép của các cơ quan chức năng huyện chứ nói gì đến mở để trưng bày cho người dân xem.

“Đến tôi, đã về làm trưởng phòng văn hóa thông tin được một thời gian dài rồi nhưng cũng chưa lần nào được mở phòng vào xem những cổ vật đó. Vì vậy, những cổ vật đặt tại phòng cũng chỉ nghe nói và quản lý trên giấy tờ”- ông Cảnh nói.

Theo cơ quan quản lý, do hiện nay, huyện Kim Bôi chưa có phòng trưng bày nên tất cả các cổ vật cũng không thể bảo quản một cách trọn vẹn. Huyện cũng mong muốn có nguồn kinh phí hỗ trợ để xây dựng phòng trưng bày, có giá đỡ cổ vật và quy chế bảo vệ cổ vật được an toàn, tránh bị hư hỏng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hòa Bình cho rằng, hiện nay ở Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kim Bôi và xã Vĩnh Đồng đang lưu giữ một số lượng lớn cổ vật. Đây đều là hiện vật quý hiếm của tỉnh Hòa Bình. Số hiện vật như trống đồng ở huyện Kim Bôi chủ yếu là trống đồng loại 2, đó là những chiếc trống đồng rất có giá trị.

Bên cạnh cổ vật trống đồng thì còn lưu giữ nhiều cổ vật làm bằng gốm sứ, đặc biệt là đồ gốm ở thời Lý, Trần, Lê và những hiện vật cổ thời Nguyễn sau này. Nhất là những âu gốm và thạp gốm cổ, có những cổ vật là độc bản ở Việt Nam. Cũng theo bà Thi, hiện nay, số cổ vật trong Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kim Bôi đang được lưu giữ trong kho, khó bảo đảm nên rất dễ bị xuống cấp.

“Về mặt chuyên môn, theo chế độ quản lý hiện vật thì cần có kho, bục, bệ để quản lý và bảo quản được tốt hơn. Còn về mặt quảng bá, giới thiệu cho đông đảo quần chúng thì nên có một phòng trưng bày để mọi người biết đến giá trị lịch sử của những cổ vật đã khai quật được” - Bà Thi sốt ruột kiến nghị.

Theo NDĐT

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.492.385
Tổng truy cập: