VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Tranh thêu chữ thập, một nét đẹp văn hóa
(Ngày đăng: 27/09/2012   Lượt xem: 560)
 

Thêu tranh chữ thập đang trở thành sở thích của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Kim Hoa




















Chơi tranh thêu và thêu tranh chữ thập đang trở thành một cách sử dụng thời gian rỗi khá phổ biến ở Hà Nội. Những bức tranh như là lời nhắn gửi tới người yêu thương với cảm xúc sâu lắng, đôi khi khó bộc bạch bằng lời.

Vài ba năm nay, bên cạnh kiểu thêu truyền thống, những người yêu thích thêu tranh ở Hà Nội bắt đầu làm quen với kiểu thêu cross stitch hay còn gọi là thêu chữ thập trên nền vải đã được hồ cứng, có các ô vuông đều nhau để các mũi thêu thành hình chữ thập đều đặn. Ðây là kiểu thêu đơn giản, nhưng mẫu thêu khá phong phú.

Tuy kiểu thêu tranh này mới phổ biến nhưng đây là một trong những kiểu thêu có từ lâu đời và đã từng rất thịnh hành ở các nước phương Tây. Bằng sự giản đơn, gọn nhẹ, kết hợp với sự hiện đại, tranh thêu chữ thập trở thành thú vui giải trí của nhiều chị em, không phân biệt tuổi tác và cả một số "đấng mày râu". Cách thức thêu khá đơn giản, người ít khi cầm đến kim, chỉ, vải cũng làm được chỉ sau một thời gian ngắn. Một bộ mẫu thêu đầy đủ (còn gọi là bộ kit) bao gồm vải, kim chỉ, bút mầu và mẫu thêu. Các họa hình thêu cũng rất đa dạng, từ các mẫu về khung cảnh thiên nhiên, phong thủy, các bức tranh về con người, đồng hồ, gối, khăn trải bàn và chữ thư pháp: Trí, Tâm, Nhẫn, Phúc, Lộc, Thọ...

Với kinh nghiệm trong nghề lâu năm, chị Nguyệt, nhân viên shop tranh thêu chữ thập Candy trên phố Lý Nam Ðế (Hà Nội) chia sẻ: Thêu tranh này tuy không cần nhiều sự khéo léo nhưng người thêu phải có sự tinh mắt và kiên trì. Vì là hình chữ thập nên khi thêu dấu sắc ở trên thì phải sắc hết, dấu huyền ở dưới thì phải huyền hết. Kỹ thuật này làm bức tranh có các mũi thêu đều nhau hơn. Vì chỉ thêu hình chữ thập theo những bảng mầu đã được đánh dấu sẵn sao cho có sự hài hòa giữa các mầu để tranh nổi bật. Mẫu dễ thì chỉ có một mầu dành cho người tập thêu nhưng nhiều mẫu lên tới 68 mầu, thậm chí lên đến cả trăm mầu. Một bức tranh thêu cần phải qua một số bước cơ bản như: căng khung thật phẳng, chấm trước khi thêu, thêu từng mảng to, thêu cả hai tay giúp tiết kiệm thời gian, bỏ qua một lần kéo chỉ và nhất là khi thêu không được xoắn lại sẽ làm bức tranh mất độ mịn, bóng...

Ðến với thêu tranh chữ thập phần lớn là phụ nữ, mỗi người có một ý tưởng và mục đích riêng. Người thì vì sự tò mò, thích thú, người vì muốn xả stress, thư giãn hay đơn giản là muốn tự tay tạo nên một bức tranh thêu trang trí trong nhà..., song ai nấy đều hào hứng, thích thú khi tác phẩm hoàn thành.

Tuy có con nhỏ mới gần một tuổi, nhưng chị Trang ở ngõ Thổ Quan (Khâm Thiên, Hà Nội), vẫn cố gắng sắp xếp thời gian công việc ở cơ quan và ở nhà một cách khoa học để thể hiện tình cảm của mình qua các bức tranh thêu. "Nhìn sản phẩm tự tay làm đẹp được trang trí ở nhà mình, nhà bố mẹ, bạn bè... tôi thấy hết mệt nhọc, rất vui và hạnh phúc"- chị Trang chia sẻ. Quả thật, nhìn bức tranh Cây tình yêu chị thêu tặng bố mẹ, hay các linh vật thêu ứng với tuổi của mỗi đứa cháu... từng đường kim, mũi chỉ, mầu sắc thật bắt mắt mới cảm nhận hết được tình thương yêu chị dành cho người thân.

Nhiều người nhờ thêu tranh đã rèn luyện cho mình tính kiên trì, nhẫn nại và phần nào tránh được những áp lực căng thẳng trong cuộc sống. Hiện là sinh viên Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp, Hồng Anh tâm sự: Em là sinh viên năm cuối nên việc học chiếm phần lớn thời gian trong ngày. Nhiều khi em cũng muốn tham gia các lớp học ngoại khóa để thư giãn nhưng không có thời gian. Một lần đi qua cửa hàng bán tranh thêu, em thấy những bức tranh lạ, hay hay, mê luôn. Lúc đầu, em thêu tranh như một cách ôn lại những kỷ niệm xưa khi còn học thêu thuở nhỏ, sau rồi trở thành say mê. Ðây thật sự là một cách xả stress hữu ích, đồng thời giúp em hoàn thiện mình, khéo léo và dịu dàng hơn.

Xu hướng tìm một công việc có ích trong thời gian rảnh rỗi đang là nhu cầu của các bạn trẻ. Với sự năng động, Thanh Thúy (Ðại học Kinh tế quốc dân) bộc bạch: "Ban đầu em chỉ thêu những sản phẩm đơn giản như móc chìa khóa, túi đựng điện thoại, hộp đựng đồ, ví... để trang trí hoặc tặng người thân. Sau được nhiều người khen đẹp hỏi mua, em cùng bạn bè mở cửa hàng nhỏ tại nhà, thêu tranh theo yêu cầu của khách để cải thiện thu nhập, tự chủ trong việc chi tiêu ở thời buổi giá cả tăng cao như bây giờ".

Không chỉ người trẻ thích thú với công việc này, người lớn tuổi cũng thích. Với họ, thêu tranh là một hình thức nâng cao sức khỏe, tinh thần. Cô Phương nhà ở Khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội), năm nay ngoài 60 tuổi nhưng rất yêu thích thêu tranh. Cô cho biết, các khớp tay đã có triệu chứng lão hóa, cho nên việc thêu tranh đã giúp cô luyện các khớp tay dẻo hơn. Sáng sớm mỗi ngày sau thời gian tập thể dục dưỡng sinh, cô đi tìm các mẫu để thêu. Bức tranh đầu tiên cô hoàn thiện là bức thư pháp thêu chữ "Nhẫn". Cô muốn tặng các con như là lời nhắc nhở về cách sống, ứng xử trong cuộc sống...

Dạo quanh các cửa hàng tranh thêu ở Hà Nội: phố Lý Nam Ðế, Ngụy Như Kon Tum, Ngã tư Vọng... điều khiến tôi ngạc nhiên là có cả đấng mày râu thêu tranh. Cầm trên tay bức tranh thêu phong cảnh, anh Minh ở Láng Hạ (Ðống Ða, Hà Nội) nói, anh mua bức tranh này về để hai bố con cùng thêu làm quà sinh nhật tặng mẹ. Người phụ nữ của anh khi nhận sản phẩm của hai bố con, dù có thể mũi thêu chưa đẹp nhưng chắc sẽ cảm động và hạnh phúc vô cùng...

Cuộc sống dù còn nhiều lo toan bộn bề, nhưng qua những sản phẩm tranh thêu công phu, chất chứa bao tình cảm sâu lắng trong đó, mỗi người sẽ thấy tâm hồn mình lắng lại. Hãy sống chậm một chút để cảm nhận được tình thương yêu. Ngược dòng thời gian về với quá khứ, tôi chợt nghe thấy đâu đó tiếng vọng của tuổi thơ, ngày mẹ dạy những mũi thêu đầu tiên...

                                                                                         Theo: Nhân Dân - Hoàng Thanh


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.500.526
Tổng truy cập: