VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Người giữ hồn gốm cổ
(Ngày đăng: 27/09/2012   Lượt xem: 616)

 Làng gốm Bát Tràng luôn nổi tiếng là làng nghề gốm sứ lâu năm và những tác phẩm từ làng nghề này từ xưa đã được vua quan ưa chuộng nhờ những loại men gốm với công thức đặc biệt. Ngày này, một trong những người đã tìm lại phát triển những loại men gốm cổ đó chính là nghệ nhân tài hoa Trần Độ.

Ông “vua” của các loại men gốm

 Ngay từ năm lên 10 tuổi, nghệ nhân Trần Độ đã tỏ ra là người có duyên với đất.  Ông tự mình làm ra những đồ vật bắt mắt, khiến ngay những người thợ cao niên cũng phải kinh ngạc.

3118352720120330174258140.jpg

Nghệ nhân Trần Độ người giữ hồn gốm cổ Việt Nam

Người làm gốm của Bát Tràng, mỗi người làm gốm đều có sở trường khác nhau. Có người chú ý nhiều về đường thẳng, tam giác, so le, cắt vát làm sao cho nước men sáng mầu, ít vẽ trang trí. Có người lại rất chú ý đến những loại men mới, kiểu tráng men hai lớp khác nhau trong một sản phẩm hoặc cho ra những đồ gốm thô, gốm men chảy… Nghệ nhân Trần Độ chọn cho mình một lối đi riêng, không hề đơn giản: tìm tòi phục chế những hình khối, màu men cổ.

Trong gia tài của nghệ nhân Trần Độ đến nay, đã có được trên 70 bài men cổ. Riêng dòng men ngọc, ông có tới mười hai công thức khác nhau, tạo ra 12 biến tấu của loại men này. Rồi men lam, men rau, men đá, men chảy, men nâu, men đen... Men nâu là mầu nâu trầm rất lạ chưa thấy có ở Bát Tràng. Dùng những bài men đó, ông đã tái phục chế lại hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời Lý - Trần - Lê như lư hương, chân đèn, bình, lọ, chum, choé, bát đĩa được thể hiện qua các lớp men rạn, men chảy các màu trắng, nâu, xanh ngọc... mà vẫn giữ được những hoa văn cổ xưa, chất men giản dị và thanh thoát. Hơn 50 hiện vật ông phục chế đều đã cung tiến cho Ban Quản lý di tích Đền Hùng (Phú Thọ), Đền Đô (Bắc Ninh), Đền Cổ Loa, Khu Di tích vua Lê và Trung tâm Hoạt động Văn hoá - Khoa học Văn Miếu (Hà Nội).

Nếu như men ngọc, được khách hàng châu Âu ưa chuộng, thì cách đây 10 năm, qua cuộc triển lãm gốm Việt - Nhật tại Hà Nội, 150 mẫu sản phẩm phục chế hình khối, màu men cổ của ông đã được những khách hàng người Nhật tiếp tục mang đi giới thiệu ở các nước khác. Nói như Trần Độ: “Gam màu trong bức tranh văn hóa của Bát Tràng đã được góp phần nhỏ tạo nên những ấn tượng trong lòng những người nước ngoài về một thứ sản phẩm văn hóa được con người thổi hồn vào đất…”.

Với nghệ nhân Trần Độ, men không chỉ được tạo ra từ tháng ngày lao động miệt mài mà có những bài men được chắt ra từ “máu và nước mắt”: Nó được chắp nối từ những ý tưởng chập chờn trong lúc tỉnh, lúc mơ, như một thứ sắc màu của ảo ảnh, phải nhìn bằng con mắt của cõi “tâm” mới thấy hết được những cao siêu, thoát tục của gốm. Trong ngôn ngữ men của Trần Độ điều mà nhiều người cảm nhận được là màu sắc của Phật giáo. Đó là một thứ ngôn ngữ trần tục đấy mà thoát tục đấy, rõ là sắc màu của đời thường mà cũng chập chờn như của cõi hư vô…

Trần Độ là tác giả của 80 món quà tặng, gồm những sản phẩm phục cổ, giả cổ, trong đó có một chiếc bình rượu cổ triều Mạc mà Văn phòng Chính phủ đặt làm quà lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM - 5 tổ chức tại Hà Nội tháng 10-2004. Một năm sau đó, ông là người duy nhất được chọn thực hiện lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Những “món đồ đất có hồn” này sau đó đã theo Thủ tướng Phan Văn Khải sang Hoa Kỳ, Canada làm quà cho các chính khách nước sở tại. “Đó không chỉ là niềm tự hào gốm truyền thống Bát Tràng mà còn khẳng định một sức sống mãnh liệt ẩn dưới lớp áo cứ ngỡ là vô tri của đất… ” – Trần Độ nói. Lò gốm của ông đã từng được đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước như nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng...

Giờ đây, với những công nghệ nung mới gốm Bát Tràng đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong nước và được các khách hàng ngoại quốc ưa chuộng. Làng gốm Bát Tràng đã nổi tiếng từ xa xưa nhưng nay trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của đất nước nó vẫn giữ cho mình cái hồn riêng. Nhờ những con người tâm huyết như nghệ nhân Trần Độ đã lưu giữ và phát triển, làng gốm Bát Tràng xưa và nay vẫn giữ cho mình những nét độc đáo riêng mà không ở đâu có được.

Theo QĐND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.494.353
Tổng truy cập: