VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Xóm gốm rong lênh đênh giữa lòng Hà Nội
(Ngày đăng: 27/09/2012   Lượt xem: 595)

Mỗi thuyền là một gia đình khoảng 2, 3 người, chủ yếu là những người thanh niên và trung tuổi. Còn trẻ em sau khi cai sữa được gửi về ông bà nuôi dạy. Có những gia đình có cả 3 thế hệ đã từng ở đây.

Chạy dọc theo bờ đê sông Hồng, đi tới tận cùng ngõ 200 đường Âu Cơ là một thế giới khác biệt hoàn toàn với cuộc sống tấp nập, nhộn nhịp của người dân Hà thành. Hết ngõ ngách nhỏ bé, chật ních người đi lại, rồi luồn lách qua các con đường đất thịt màu mỡ, xóm gốm Tứ Liên mới hiển hiện trước mắt. 

Điều đầu tiên dễ dàng nhận thấy là khung cảnh hàng trăm chiếc thuyền sắt cũ kỹ, hoen gỉ, tuềnh toàng nằm san sát nhau dập dềnh trên con kênh sông Hồng nước đục ngầu. Trên bờ là những chiếc xe máy chất đầy đồ hàng gốm được phủ bạt che mưa, nắng. Hàng hóa được người dân xếp la liệt dọc đường vào.

r1.jpg

Xóm gốm rong giữa lòng Hà Nội

Tiếp chuyện với tôi là anh Hà, một người mới hơn 30 tuổi nhưng đã gắn bó với cuộc sống và công việc ở đây cả 20 năm. Với vóc dáng dong dỏng, khuôn mặt đen sạm vì nắng, đôi mắt nheo nheo, anh Hà kể từ khi còn bé tí đã theo cha và các anh ở làng đi làm thuê cho các chủ thuyền như vầy. Giờ cha già về quê còn vợ chồng anh ở lại cố gắng bám trụ mưu sinh.

Những chiếc thuyền khoảng hơn chục mét vuông là cả không gian sống chục năm qua của tất cả các hộ ở đây. Trên thuyền có duy nhất một buồng lán nhỏ bằng 2/3 chiếc giường, chỉ cái tivi màu 16 inch nhiễu nhằng nhịt mà anh xin được cùng bếp gas là có giá trị. Còn lại, mọi đồ vật trên thuyền của anh đều chung một nguồn gốc là gốm.

r2.jpg

Các gia đình sinh sống ngay trên những con thuyền

Theo anh Hà, ở đây tổng cộng cả hơn trăm chiếc thuyền, mỗi thuyền là một gia đình khoảng 2, 3 người hầu hết là người dân Vĩnh Phúc rời quê hương lên đây kiếm sống cả chục năm, chủ yếu là những người thanh niên và trung tuổi. Còn trẻ em sau khi cai sữa được gửi về ông bà nuôi dạy. Anh Hà còn nói có những gia đình có cả 3 thế hệ đã từng ở đây. 

Tâm sự về cuộc sống ở đây, mọi người cho biết không lúc nào hết khó khăn. Những ngày hè nắng chang chang, dân xóm gốm rong lại phải hứng chịu cái nắng cháy. Không hề có cây xanh, bóng mát mà toàn những ụ sắt nổi nóng cháy da thịt khiến ai ở đây cũng có một làn da sàm sạm cháy và đôi mắt cứ nheo nheo.

Mỗi khi trời mà mưa gió, thì các lều lán lại bị nước dột thấm, các thuyền xô đẩy vào nhau kẽo kẹt đưa đi đưa lại nếu không quen có thể bị say và không ngủ được. Vào mùa đông thì ở đây lạnh vô cùng, không một nhà cao tầng, một cánh rừng che chắn, mà gió từ sông cứ ùa về tím da tím thịt.

r3.jpg

Không gian sinh hoạt chật hẹp

Ở đây, cả xóm chung nhau 2 cái giếng khoan trên bờ được đặt giữa xóm. Vì gần sông nên nước vẫn hơi đùng đục. Mỗi hộ hàng ngày phải đi xách nước về đánh phèn để lắng mới cho vào nấu ăn. Nguồn điện thì tiện hơn, kéo từ khu chợ Tứ Liên về, các dây điện mắc rất thấp ngang tầm người lớn nối vào mỗi hộ thuyền nhìn như mạng nhện giăng.

Một số trẻ nhỏ không được gửi về với ông bà phải cùng cha mẹ mưu sinh trên chiếc thuyền. Trẻ nhỏ thì mất một người trông nom, lớn một chút thì đảm đang tất cả việc nhà, còn phụ giúp dọn hàng cho bố mẹ. Điều đặc biệt là các cháu chưa từng được bố mẹ đưa lên phố đi chơi.

r4.jpg

Những mặt hàng gốm sứ được mang đi bán rong

Hàng ngày cứ từ 4h30 đến 5h sáng là hầu hết các anh, các chú lên xe máy đã được chuẩn bị hàng từ chiều hôm trước tua tủa chạy khắp các quận, huyện, thị trấn ở Hà Nội để giành chỗ đứng bán hàng. Mỗi xe lặc lè chở trung bình 1,5 đến 2 tạ, mà toàn hàng gồm sứ dễ vỡ lại cồng kềnh nên đi lại chậm và rất cẩn thận.

Một số người khác thì nhanh chân kiếm được chỗ ngồi ở các chợ bán hàng thuận lợi hơn. Nhiều người làm ăn lâu năm có chút vốn và quen biết thuê được ki ốt ở các chợ, trung tâm thì đỡ vất vả mưa gió hơn.

Hàng hóa được người dân nơi đây sang tận Bát Tràng để lấy hàng. Cứ hàng tuần, hay khi sắp hết là họ tranh thủ buổi chiều tối sang chở. Gốm mang về chưa bán họ để trong các lán cọ, bạt trên bờ tránh mưa gió.

Chia sẻ về công việc, anh Hà chép miệng rằng: “Cũng như làm công nhân bình thường thôi, chỉ được cái thỏai mái hơn”. Nói tới thu nhập, anh H nói bình quân mỗi ngày trừ xăng xe, bến bãi, vốn thì lãi 140 đến 170 ngàn đồng. Sinh hoạt ở đây đắt đỏ và cả vợ con nữa nên cũng không có dư.

Khi được hỏi về ước mơ và dự định tương lai, anh Hà ngậm ngùi: “Chỉ mong làm ăn may mắn để có của dư, sau này con lớn được lên bờ”. Nhưng mong ước tưởng chừng bé nhỏ, giản dị nhưng là cả một vấn đề mà người dân xóm gốm rong vẫn hằng mong ước.

Theo Infonet

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.493.751
Tổng truy cập: