VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Còn thương nếp lụa Tân Châu
(Ngày đăng: 27/09/2012   Lượt xem: 691)

Từ bao đời nay, vùng đất Tân Châu (tỉnh An Giang) đã nổi danh với làng nghề truyền thống dệt lụa. Lụa Tân Châu có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên, độ bền lâu, mát mịn và quý phái… nên không ít phụ nữ thời bấy giờ mơ ước. Tuy nhiên, sự cạnh tranh gay gắt của nhiều loại vải trên thị trường, rồi chuyện khan hiếm nguyên liệu, khó tìm đầu ra cho lụa… đã đẩy làng nghề độc nhất vô nhị này có nguy cơ mai một.

images237606_5.jpg

Đập lụa, công đoạn cuối cùng để hoàn thành sản phẩm

Huyền thoại một làng lụa xưa

Theo những chuyến xe đò về miền Tây, chúng tôi tìm đến ấp Hưng Long, huyện Tân Châu khi cái nắng bắt đầu phủ gắt khắp các triền sông, bãi bồi miệt thứ. Đây là thời điểm lý tưởng để người làm lụa thực hiện các công đoạn quay tơ, dệt, nhuộm, đập… Thế nhưng, trái với tâm trạng háo hức nghe tiếng khung cửi rầm rập, đường hương lộ 2 dẫn về xứ lụa sôi động một thời, giờ đây có khá nhiều hàng quán chen chúc,  như mạch chảy vô tình của phố thị phồn hoa.

Nhiều bậc cao niên kể lại, những năm đầu thế kỷ XX, nơi đây có rất nhiều cơ sở sản xuất lụa. Từ biên giới Campuchia đến Tân Châu, Tân An, Phú Lâm… đâu đâu cũng thấy bạt ngàn một màu xanh của dâu tằm và âm thanh của các loại khung dệt, rộn rã từ sáng sớm đến tối mịt. Trên bến dưới thuyền, lúc nào cũng có thương lái khắp nơi tìm đến mua lụa Tân Châu. Lụa Tân Châu bấy giờ rất được giá và được ưa chuộng trên các thị trường Campuchia, Sài Gòn, miền Trung và cả ở Pháp... Làng nghề hưng thịnh, đời sống người thợ dệt sung túc thấy rõ, diện tích trồng dâu cũng mở rộng. Nếu như, 30 năm đầu của thế kỷ XX, toàn huyện chỉ có chưa tới 2.000ha trồng dâu thì đến năm 1936 dâu đã phủ xanh hơn 10.000ha dọc theo những làng ven sông Tiền. Màu xanh của dâu phủ đến đâu thì những cánh rừng mặc nưa (một loại cây dùng làm màu nhuộm lụa) cũng mọc lên đến đó.

Chưa dừng lại ở đó, người Tân Châu còn tạo ra sản phẩm phục vụ cho nhu cầu ngày một cao của thị trường. Nhu cầu của khách hàng đã được đáp ứng bằng một loại sản phẩm “vô tiền khoáng hậu” tên lãnh Mỹ A những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Lãnh Mỹ A có độ bền tốt, có độ láng mịn, hút ẩm và luôn thoáng mát, đặc biệt, mặc càng lâu càng óng ả, đã khiến nhiều dân sành lụa mê mẩn tìm đến tận nơi mua về, dù một chỉ vàng chỉ mua được vài mét vải.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế của nghề này, huyện Tân Châu lúc bấy giờ đã thành lập Công ty tơ lụa (năm 1987). Nhưng chỉ hai năm sau nhiều loại vải giá rẻ, quần áo may sẵn mẫu mã phong phú tràn ngập thị trường đã khiến lụa Tân Châu mất dần tính cạnh tranh và chìm hẳn, các Công ty tơ lụa cũng giải thể. Nhiều hộ gia đình đốn dâu trồng lúa, trồng hoa màu. Làng lụa xơ xác, khung cửi lặng im…

Người giữ hồn cho lụa trăm năm

Trong khi lụa Tân Châu khốn đốn và hàng loạt người bỏ cửi, phá dâu thì có một nghệ nhân già vẫn âm thầm dệt lụa rồi đôn đáo tìm nơi tiêu thụ. Đó là ông Nguyễn Văn Phong, bà con ở đây thường gọi thân mật là ông Tám Lăng. Ông Tám là người duy nhất còn làm nghề lụa ở Tân Châu. “Tôi đã sống cả đời với nghề dệt lụa nên không khỏi chạnh lòng khi thấy lụa gặp khó khăn. Tôi chịu vất vả, chịu lỗ với lụa chỉ với ước mơ khôi phục lại làng nghề cho con cháu”, ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Tám Lăng tâm sự.

Xuất thân làm ruộng ở vùng quê nghèo khó, ông Tám kiếm sống bằng nghề bán trái mặc nưa cho thợ nhuộm. Những tấm lụa nguyên sơ, mát đẹp, tự bao giờ đã sớm gieo vào ông tình yêu với nghề. Thời của ông là đỉnh cao của làng nghề dệt lụa Tân Châu, gia đình ông đổi đời cũng nhờ lãnh Mỹ A và Cẩm Tự. Khi lụa lâm cảnh khó, mỗi năm ông chỉ sản xuất cầm chừng từ 2.000 – 4.000m mà cũng khó tìm nơi tiêu thụ. Để có tơ đẹp, ông Tám Lăng phải đặt hàng tận Lâm Đồng. Ông nói: “Mỗi cây lụa, tiền trả lương thợ mất 150.000đ. Giá tơ tằm mấy tháng trước chỉ 330.000đ/kg, thời điểm này giá tơ đã lên 470.000đ/kg mà tơ cũng không nhiều. Nguyên nhân là do các thương lái Trung Quốc mua nhiều tơ và đẩy giá lên. Thông thường 1,6 kg tơ sẽ dệt được một cây lụa, giá bán chỉ 85.000đ/m, trả lương thợ là chỉ… đủ vốn”.

Chưa dứt một tuần trà, bao nỗi niềm chất chứa bấy lâu trong ông lại có dịp quay về. Ông kể, đã bao lần ông muốn đoạn tuyệt với lụa để tìm kế khác sinh nhai. Rồi người mẹ rất mực yêu quý của ông qua đời, trước khi ra đi, bà muốn con trai tự tay dệt bộ quần áo cho bà mặc khi an táng. Lụa lại về trong giấc ông mơ.

Hành trình đưa lụa qua bể dâu

Giữa lúc ông Tám đang bế tắc với lãnh Mỹ A, Cẩm Tự truyền thống thì đầu năm 2003, anh Nguyễn Hữu Trí, con trai út của ông bỏ nghề lái xe quay về phụ cha dệt lụa. Để hoàn thành một cây lụa phải mất hơn 3 tháng với nhiều công đoạn phức tạp, thế nhưng, Trí vẫn kiên trì theo cha. Thấy trái mặc nưa chỉ cho màu đen trên lụa và chưa có loại cây nào có thể cho màu khác phong phú hơn, Trí bỏ công lặn lội khắp mọi miền. Có lúc, anh lên Tây Nguyên, qua Campuchia… khi lại rong ruổi khắp vùng ĐBSCL để tìm màu cho lụa. Không nhiều vốn hiểu biết về cây cỏ, Trí chọn cách thử… tất cả. Đến giờ, Trí không sao nhớ nổi đã thử nghiệm bao nhiêu lần và bao nhiêu loại cây.

Những sản phẩm được khoác lên màu sắc mới như một sự đền đáp xứng đáng cho những ngày tháng âm thầm của Trí. Đến nay, lụa Tân Châu của anh đã có đến 7 màu: đồng, vàng, chàm, hồng phấn… “Hồi mới tạo màu trên lụa, tôi mang đi chào hàng nhiều người không dám mua vì nghĩ rằng lụa Tân Châu giả hoặc nhuộm bằng hóa chất. Mình phải thuyết phục và bảo lãnh, người ta mới chịu mua đó”, Trí cười xởi lởi. Cùng với chính sách phát triển du lịch của An Giang, lụa Tân Châu nhiều màu của Trí đã tìm được chỗ đứng trên thị trường và bắt đầu thu hút du khách nước ngoài. Không chịu dừng lại ở đó, Trí “khoe” vừa thành công với màu thứ 8 cho lụa: màu xanh.

Lụa Tân Châu đang trở lại thị trường trong và ngoài nước sau thành công từ những bộ thời trang của nhà thiết kế Võ Việt Chung, với chất liệu chính là lãnh Mỹ A, Cẩm Tự. Bên cạnh đó, thành công của Liên hoan Du lịch ĐBSCL những năm gần đây và chủ trương kết hợp du lịch với làng nghề truyền thống của An Giang sẽ là động lực để vực dậy một làng nghề trứ danh. Mai này, lụa Tân Châu sẽ lại thướt tha khắp mọi miền và những người con Tân Châu xa xứ cũng thôi ngậm ngùi còn thương nếp lụa…

Theo báo mới

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.494.548
Tổng truy cập: