VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Tháp cổ vùng biên
(Ngày đăng: 26/09/2012   Lượt xem: 550)

Từ Đồn BP Phước Chỉ, BĐBP Tây Ninh đi ngược về phía thành phố Tây Ninh chừng 5km có một di tích lịch sử cấp quốc gia được xác định là một trong hai di chỉ tiêu biểu còn sót lại của nền văn hóa Óc-eo. Tháp được đặt tên là Tháp cổ Bình Thạnh, bởi công trình này nằm phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông tại ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng. Nằm giữa tán rừng xanh mát, ngôi tháp cổ vùng biên từng là niềm tự hào của những chủ nhân vương quốc Phù Nam xưa giờ đây vẫn kiêu hãnh như một cột mốc văn hóa lịch sử, khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam qua bao biến cố.

Đường nét điêu khắc trên thân tháp.
Công trình của người xưa

Theo sách Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, đã khẳng định rằng Óc-eo là một nền văn hóa có nguồn gốc bản địa, mà chủ nhân của nó là những cư dân Phù Nam. Nền văn hóa này phát triển trên nền tảng văn hóa Đồng Nai, có quan hệ mật thiết với nền văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và có sự liên hệ khá mật thiết với Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Á và Địa Trung Hải. Ngôi tháp cổ vùng biên giới Trảng Bàng cũng nằm trong những di tích khẳng định điều đó.

Theo tài liệu thám sát của các nhà nghiên cứu thì đây là ngôi tháp duy nhất còn tường đá nguyên vẹn nên kiến trúc đền tháp Bình Thạnh đã trở thành cực kỳ hiếm hoi và quý giá trong di sản kiến trúc dân tộc. Có lẽ được xây dựng với mục đích thờ cúng và tổ chức tế lễ thần linh nên người Phù Nam đã xây dựng ngôi tháp khá cầu kì. Tháp bằng gạch với kỹ thuật tương tự như ở các đền tháp Chăm, các viên gạch được liên kết với nhau không bởi một chất kết dính nào hiện biết. Chúng liền khít với nhau đến mức cho đến nay, phương pháp - kỹ thuật xây dựng độc đáo, vô tiền khoáng hậu này vẫn là một câu hỏi lớn đối với giới khảo cổ học thế giới.

Thượng tá Trần Trọng Phú, Chính trị viên Đồn BP Phước Chỉ chỉ cho chúng tôi thấy mặt ngoài tháp trên cửa chính phía Đông gắn trên “mi cửa” là một phiến đá lớn, hình chữ nhật 0,80m x 2m chạm nổi hình hoa cúc cách điệu, hai vách bên cửa chính cũng chạm nổi hai mảng phù điêu. Tôi nhận thấy các mô típ trang trí được xây lặp lại ở các phần thu nhỏ dần lên đỉnh tháp, tạo cho toàn bộ ngôi tháp có nhiều góc, cạnh, cộng thêm vào các bức phù điêu được đắp nổi quanh ngôi tháp nên đã tạo cho toàn bộ công trình tháp là một kiến trúc vững chắc và công phu. Các họa tiết phù điêu này không chỉ đẹp và tỉ mỉ về tạo hình mà còn mang tính biểu tượng cao. Qua tháp cổ Bình Thạnh và các phế tích đền tháp đương đại, chúng ta hiểu thêm về tôn giáo tín ngưỡng và đời sống văn hóa của người xưa.

Nỗi buồn tháp cổ

Nhưng cho dù mang giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật có sức cuốn hút khách tham quan, du lịch cùng giá trị nghiên cứu khoa học rất lớn như vậy, song hiện trạng của ngôi tháp cổ vùng biên này vẫn còn nhiều điều đáng lưu tâm. Tổng thể kiến trúc gồm ba tháp chính, song ngôi tháp phía Bắc thì hầu như biến mất, ngôi tháp giữa chỉ còn sót lại phần nền và những tấm mi cửa bằng đá sa thạch. Duy chỉ còn lại ngôi tháp phía Nam là còn khá nguyên vẹn, nhưng hầu hết hiện vật bên trong di tích đã được mang về Bảo tàng tỉnh Tây Ninh hoặc đã bị lấy cắp trong những năm tháng chiến tranh. Duy chỉ có một tượng Linga bằng đá (làm mới) được đặt giữa lòng ngôi tháp.  

Năm 1998, cùng với tháp cổ Chót Mạt, tháp Bình Thạnh được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh chủ trì trùng tu với kinh phí hàng tỉ đồng. Thế nhưng, việc trùng tu này gần như đã làm biến dạng nguyên bản kiến trúc ban đầu của tòa tháp. Hiện nay, cùng với sự buông lỏng quản lí, tháp cổ ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng. Gạch dưới chân tháp có dấu hiệu nứt vỡ. Bên trong tháp ẩm thấp, tối tăm và nồng nặc mùi phân dơi. Thậm chí, các hốc hình lá trầu dùng để thắp hương cũng không được sạch sẽ. Phía trước ngôi tháp là đình Bình Thạnh hoàn toàn hoang phế và con đường lát gạch dẫn vào tháp đang lên rêu xanh và đìu hiu cỏ mọc.

Lãnh đạo xã Bình Thạnh cho biết, chính quyền xã đã đề xuất cấp trên cho đầu tư nâng cấp đường vào tháp để dễ đi lại. Còn việc duy tu các bảng chỉ dẫn hoặc các công trình trong cụm tháp thì phải chờ ý kiến của ngành văn hóa, nên chính quyền và người dân nơi đây không còn cách nào khác là đành chứng kiến sự xuống cấp của di tích.

                                                                                          Nguồn : Biên phòng - Ngân An

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.496.139
Tổng truy cập: