VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Làng cổ "cố đợi" đề án bảo tồn
(Ngày đăng: 25/09/2012   Lượt xem: 523)


Vẻ đẹp cổ kính của đình làng Ðông Ngạc.  
TP Hà Nội đang xây dựng đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở làng Ðông Ngạc, xây dựng điểm đến du lịch". Tuy nhiên, lộ trình của đề án đặt ra khá dài, đến hết năm 2013, mới hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, thu thập tài liệu, số liệu..., trong khi tốc độ đô thị hóa ở ngôi làng cổ này đang diễn ra khá nhanh. Rất nhiều người lo lắng, không biết những công trình, di tích cổ còn tồn tại cho đến khi đề án được hoàn thành hay không.

Hà Nội có nhiều ngôi làng còn giữ được những nét đẹp của kiến trúc cổ. Mỗi ngôi làng mang một nét đặc trưng riêng. Nếu làng Ðường Lâm mang vẻ đẹp đặc trưng của ngôi làng thuần nông ở Bắc Bộ, thì làng Ðông Ngạc lại là "đại diện" tiêu biểu nhất của làng khoa bảng, với nhiều di tích, nhà gỗ đại khoa. Thời phong kiến, theo quy định của triều đình, những người đỗ Tiến sĩ sẽ được nhân dân trong làng, trong tổng dựng cho một ngôi nhà gỗ năm gian. Nhà dành cho bậc đại khoa, cho nên thường gọi là nhà đại khoa. Qua những ngôi nhà này, người ta có thể hiểu thêm về kiến trúc, về truyền thống khoa bảng, về phong tục tập quán thời xưa... Ngoài đình, chùa, làng Ðông Ngạc còn có hơn 20 nhà thờ họ với kiến trúc có giá trị. Ngoài những ngôi nhà cổ theo kiến trúc truyền thống, Ðông Ngạc còn có nhiều ngôi nhà có sự hòa trộn giữa hai trường phái kiến trúc Pháp - Việt hồi đầu thế kỷ XX. Chưa kể hệ thống cổng làng, cổng xóm, với những con đường làng lát gạch nghiêng cổ kính...

Ðông Ngạc nằm cách trung tâm TP Hà Nội hơn 10 km. Trong "cơn lốc" của quá trình đô thị hóa, nhiều ngôi nhà cổ đang mất dần. Nhà cổ Ðông Ngạc đã "kêu cứu" hàng chục năm nay. Mãi gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội mới xây dựng đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Ðông Ngạc, xây dựng điểm đến du lịch". Dự thảo đề án này xác định sẽ đầu tư, tu bổ công trình cổ, tổ chức khai thác các hệ thống, không gian di tích, địa danh, cảnh quan, kiến trúc... trên nguyên tắc bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tiến độ triển khai của đề án thì nhiều người không khỏi... giật mình. Từ năm 2012 đến hết năm 2013 (giai đoạn 1) đề án chỉ dừng lại ở việc điều tra, đánh giá, khảo sát, thu thập tài liệu, số liệu... Giai đoạn 2 từ năm 2015 đến 2020 mới bắt đầu tổ chức xếp hạng và triển khai dự án tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai đầu tư các dự án phục vụ du lịch.

Những ai từng đến Ðông Ngạc vài năm trước đây, giờ quay trở lại đều nhận ra hồn cốt ngôi làng cổ đang bị mai một. Nhiều ngôi nhà cổ bị phá dỡ để xây dựng nhà cao tầng. Những vườn cây xanh um một thời được thay bằng những khối bê-tông, cốt thép. Theo ước tính của ông Nguyễn Văn Yên, nguyên trưởng thôn Ðông Ngạc, đồng thời cũng là người am hiểu sử làng thì cách đây vài năm, số lượng nhà cổ có niên đại hơn 100 năm là khoảng 100 nhà, nhưng đến nay chỉ còn lại khoảng 50 nhà. Ngay cả những ngôi nhà cổ được xây dựng những năm đầu thế kỷ XX, điển hình cho sự giao lưu kiến trúc Pháp - Việt cũng được người ta đập đi xây mới.

Làng Ðông Ngạc có nhiều nhà thờ họ. Nếu như các ngôi đình, ngôi chùa được bảo tồn khá tốt thì các ngôi nhà thờ họ đang bị xuống cấp nhanh chóng. Các hộ dân liền kề chung quanh sau khi cải tạo, xây mới đã nâng cốt nền nhà, khiến cho nền nhiều ngôi nhà cổ trở thành điểm trũng, cứ mưa là ngập, khiến quá trình hư hại diễn ra nhanh hơn. Không ít nhà thờ họ xuống cấp khiến dòng họ phải đóng góp công của sửa chữa. Một số người dân tại đây phản ánh, việc quản lý di tích nhà thờ họ chưa được chặt chẽ như đình, chùa. Một số nhà thờ họ chưa được công nhận là di tích, việc sửa chữa thường diễn ra dựa trên nguyên tắc... "tiện đâu làm đó", "có thế nào làm thế ấy". Vì thế, sau những đợt sửa chữa, di tích bị biến dạng đi khá nhiều.

Mới đây, khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, sẽ chọn ra một số nhà thờ họ tiêu biểu để tôn tạo nhằm phục vụ hoạt động du lịch, nhiều người dân trong làng băn khoăn, không biết việc tu bổ sẽ được tiến hành thế nào, khi nhà thờ thuộc chủ sở hữu tư nhân, Nhà nước sẽ hỗ trợ bao nhiêu? Nếu để người dân làm thì khó có thể "gánh nổi" chi phí, do tu bổ di tích hết sức tốn kém. Nhà cổ mỗi lúc một xuống cấp, nếu không tiến hành tôn tạo nhanh, sẽ đến lúc chẳng còn gì để bảo tồn, vì không phải người dân nào cũng có ý thức bảo tồn di sản.

Ngành văn hóa Thủ đô đặt rất nhiều kỳ vọng vào khai thác tiềm năng các ngôi làng cổ. Trong Quy hoạch Phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố dự kiến đến năm 2015 tập trung hoàn thiện, rà soát hồ sơ một số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của Hà Nội, trình các cấp cho phép xây dựng hồ sơ trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đề nghị UNESCO xem xét và công nhận các danh hiệu Di sản văn hóa thế giới cho một số làng di sản như: làng cổ Ðường Lâm, làng khoa bảng Ðông Ngạc, làng cổ Cự Ðà, phố cổ Hà Nội... Nhưng việc thực hiện công tác bảo tồn của các ngành chức năng quá rình rang, chậm trễ, trong khi công cuộc "bê-tông hóa" đang diễn tiến nhanh chóng tại các làng cổ. Chẳng biết đến năm 2015, khi triển khai giai đoạn 2 của đề án thì làng Ðông Ngạc sẽ còn lại bao nhiêu di tích, ngôi nhà cổ để bảo tồn?

                                                                                          Theo: Trang HaNoi - CHÍ DŨNG

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.519.219
Tổng truy cập: