VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Phế thành Xương Giang
(Ngày đăng: 24/09/2012   Lượt xem: 569)

GiadinhNet - Cách đây 585 năm, chiến thắng Xương Giang của nghĩa quân Lam Sơn đập tan âm mưu xâm lược, góp phần chấm dứt 20 năm ách đô hộ của nhà Minh.

Di tích Xương Giang sẽ được đầu tư tôn tạo lại. Ảnh: T.G

Mới đây, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản chấp thuận với đề xuất của tỉnh Bắc Giang về việc bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích chiến thắng Xương Giang, theo đó sẽ xây dựng tượng đài là một thanh kiếm Thuận Thiên tại trung tâm khu di tích.

Chiến công lưu danh muôn thuở

Lịch sử dân tộc Việt Nam còn ghi danh một ngôi thành cổ với những chiến công oanh liệt của quân và dân Đại Việt do vua Lê Lợi lãnh đạo đánh quân xâm lược phương Bắc, đó là thành Xương Giang (TP Bắc Giang). Đây là ngôi thành có vị trí chiến lược quan trọng, cách sông Thương 3km, nơi án ngữ toàn vùng Đông Bắc đất nước và che chở thành Đông Quan (Hà Nội) trong thời kỳ nước ta bị nhà Minh đô hộ vào thế kỷ thứ 15.

Thành Xương Giang do nhà Minh lập ra năm 1420. Toàn bộ khu vực thành rộng 26ha, chiều cao thành từ 4 - 5m, với các cửa Bắc, Nam, Đông, Tây. Chân thành xây bằng đá hộc, gạch vồ rộng 16m. Tường thành đắp đất dày, bề mặt thành rộng 6- 7m. Đây là nơi diễn ra trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện binh oanh liệt ngày 3/11/1427, đập tan hơn hàng vạn viện binh của quân Minh.

Theo các tài liệu lịch sử, từ cuối năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến hành hãm thành Xương Giang, tướng Trần Nguyên Hãn được bổ sung để chỉ huy các đợt công thành. Ông đã cho đào công sự từ các khu rừng lân cận, đào hầm ngầm từ ngoài vào trong thành, rồi tiến hành nội công ngoại kích với sự phối hợp của toán quân đã lọt được vào nội thành giặc. Đến ngày 28/9/1427, sau hơn 9 tháng vây hãm, thành Xương Giang bị hạ, 10 ngày trước khi viện binh của giặc Minh kéo vào nước ta.

Từ Đông Quan, tướng giặc là Hoàng Phúc và Thôi Tụ đã vội vàng thu thập quân lương tiến về Xương Giang trong khi chưa biết thành đã bị hạ. Giữa cánh đồng Xương Giang, giặc Minh bị bao vây chặt bốn bề buộc chúng tiến thoái lưỡng nan. Ngày 3/11/1427, quân Lam Sơn tổ chức đợt tổng tấn công. Sau một ngày chiến đấu, nghĩa quân đã giành được thắng lợi giòn giã, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc.

Kết quả này là một trong những nhân tố quan trọng khiến Vương Thông ở thành Đông Quan phải chấp nhận nghị hòa. Ngày 22/11/1427, Lê Lợi cùng Tổng binh Vương Thông mở hội thề ở thành Đông Đô. Ngày 22/12/1427, quân Minh rút quân về nước.

Chiến thắng Xương Giang đã ghi thêm chiến công vào sử vàng dân tộc Việt, là niềm tự hào của nhân dân cả nước, góp phần chấm dứt 20 năm ách đô hộ của nhà Minh đối với nước Đại Việt. Nhà sử học Lê Quý Đôn từng đánh giá về chiến thắng này: "Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy". (theo Đại Việt thông sử). Trong Đại cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi viết:  "Gió mây vì thế mà biến sắc/Trời trăng ảm đạm đến lu mờ... Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường/Xương Giang, Bình Than máu loang đỏ nước/Ghê gớm thay, sắc phong vân phải đổi, Thảm đạm thay ánh nhật nguyệt phải mờ...".

Nhằm ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang, khí thế hào hùng và tinh thần thượng võ quyết thắng giặc ngoại xâm, từ năm 1998, lễ hội Xương Giang được tổ chức thường niên vào 2 ngày 6 - 7 tháng Giêng. Hằng năm vào ngày này, các nhà sư ở chùa Thành (xã Xương Giang) đều tổ chức lễ cầu siêu cho linh hồn các tướng sĩ tham gia trận đánh Xương Giang năm xưa và ước vọng đầu năm mới cho nhân dân an lạc, quốc thái dân an.
 

Một số hiện vật được tìm thấy tại khu vực thành cổ Xương Giang. Ảnh: T.G

 
Dấu tích phế thành
 

Toàn bộ dự án tôn tạo thành cổ này do Công ty CP Kiến trúc đô thị Việt Nam thiết kế. Tổng diện tích theo quy hoạch dự án này đã được tỉnh Bắc Giang phê duyệt là 37ha với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2015. Khi hoàn thành, đây sẽ là điểm nhấn quan trọng trong phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh Bắc Giang.

Là nơi ghi dấu chiến thắng vẻ vang của quân dân Đại Việt nhưng những gì còn lại đến ngày nay về ngôi thành cổ Xương Giang chỉ là trên sử sách. Gần 600 năm đã trôi qua, toàn bộ kiến trúc của thành Xương Giang đã bị hoang phế và đổ nát.
 
Th.S Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ học Việt Nam, người trực tiếp nghiên cứu và khai quật khảo cổ tại thành Xương Giang cho biết: "Qua các đợt điều tra, thám sát khu di tích thành Xương Giang từ đầu năm 2008 đến nay, chúng tôi đã tổ chức 2 đợt khai quật và phát hiện hàng nghìn hiện vật quan trọng để minh chứng về những dấu tích vật chất đã từng tồn tại ở đây. Theo đó, tại khu vực Giếng Phủ, Đồi Ngô (trung tâm thành) và khai quật 3 hố, phát hiện được vật liệu xây dựng như gạch lát nền, gạch ốp trang trí với đường nét tinh xảo, phong phú cùng với ngói âm có kích thước 23,8 x 21,5cm; những hiện vật này được nung với nhiệt độ cao và nặng.
 
Điều đó đã khẳng định xung quanh khu vực này là những công trình kiến trúc dinh thự của tầng lớp quan lại cao cấp của quân đội nhà Minh. Tại một số khu vực khác phát hiện các lớp ngói ken dày, các dải ngói và các hàng trụ móng cùng lớp kè, gia cố ở phần móng. Phát hiện 3 di cốt người cổ và hiện vật là gốm men Trung Quốc và Việt Nam có niên đại từ thế kỷ 14-15. Ngoài ra còn phát hiện vết tích gạo cháy có độ sâu từ 10-15cm và gần 1.600 hiện vật gồm các loại gạch ngói, mảnh vỡ các loại, hiện vật đồ sành gốm men Việt Nam có niên đại thế kỷ 15 và một số vật liệu gia cố kiến trúc như đinh sắt... Qua vết gạo cháy ken dày mảnh gạch ngói có thể xác định được công trình kiến trúc này là kho lương của quân đội nhà Minh, ngoài ra còn tìm được một số hiện vật là xương động vật... Đặc biệt còn phát hiện những viên đạn đá...".
 

Một tiết mục văn nghệ tái hiện chiến thắng thành Xương Giang năm xưa. Ảnh: T.g

Người dân Bắc Giang trong Lễ hội mững 585 năm ngày chiến thắng Xương Giang.

Thuận Thiên kiếm trên Xương Giang

"Thời gian tới, Viện Khảo cổ sẽ cùng với Bảo tàng Bắc Giang tiếp tục nghiên cứu, điều tra, thám sát tổng thể thành Xương Giang, sau đó lựa chọn địa điểm quan trọng để tiến hành khai quật và bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá khu di tích này", Th.S Trịnh Hoàng Hiệp cho biết thêm.

Để bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản gửi tỉnh Bắc Giang. Theo đó đồng ý với phương án khai quật khảo cổ học và bảo tồn hố khảo cổ; tôn tạo giếng cổ; khe nước cổ; một đoạn thành cổ và hào nước; xây dựng khu trung tâm lễ hội (biểu tượng chiến thắng Xương Giang, sân lễ hội); nhà biểu diễn và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật; cổng chính; toàn bộ chiến thắng xưa được mô tả bằng hình tượng sa bàn, mô tả trận tổng công kích thành vào đêm 28/9/1427.

Đặc biệt theo thiết kế sẽ dựng một thanh kiếm Thuận Thiên mang ý nghĩa "vâng mệnh trời, giữ lấy non sông Việt", tượng trưng cho thanh kiếm được trao cho Lê Lợi đánh giặc và cuối cùng được trả lại ở hồ Lục Thuỷ như truyền thuyết hồ Gươm. Chân đài kiếm Thuận Thiên là một khối nhà có hình dáng tòa thành, trong lòng nó những căn phòng trưng bày các sự kiện về chiến thắng Xương Giang. Sẽ có một nơi thờ chiến sĩ  trận vong để người hành hương có nơi đến tưởng niệm các nghĩa sĩ Lam Sơn.

                                                                                                                                       Kim Sa
 


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.519.175
Tổng truy cập: