VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Mai này có còn tơ tằm Vọng Nguyệt?
(Ngày đăng: 24/09/2012   Lượt xem: 716)

Thời điểm này, như thường lệ là lúc bắt đầu một vụ kéo tơ mới ở làng Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Tuy nhiên, ở Vọng Nguyệt lúc này, thay bởi tiếng kéo tơ là tiếng xẻ gỗ của hàng loạt xưởng gỗ trong làng. Lý do thì nhiều, nhưng chung quy lại vẫn bởi trong những năm gần đây khó tìm được "đầu ra" cho sản phẩm. Trước thực trạng đó, nhiều người đã tự hỏi: Liệu rằng mai này có còn tơ tằm Vọng Nguyệt?

Vào một ngày cuối tháng 4, thời điểm bắt đầu một vụ kéo tơ mới, chúng tôi về làng Vọng Nguyệt, những mong được chứng kiến cảnh các cô thôn nữ ngồi quay tơ vàng óng. Thế nhưng, khi đến nơi chúng tôi hơi bị thất vọng. Không có cảnh người phụ nữ ngồi quay tơ, cũng chẳng còn những tiếng lách cách kéo tơ... Thay vào đó là tiếng rít của những chiếc máy xẻ gỗ như muốn khẳng định: Ở Vọng Nguyệt bây giờ, nghề làm tơ tằm đã và đang bị mai một. Không để chuyến đi bị lãng phí, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm trong từng con ngõ xem trong làng còn gia đình nào gắn bó với nghề truyền thống không. Tìm mãi, chúng tôi mới thấy một cụ bà đang phơi những bó tơ mới quay ngày hôm trước. Đó là cụ Lê Thị Định, 85 tuổi. Thấy chúng tôi tay cầm máy ảnh, cụ Định hỏi: “Các chú là phóng viên ở đài nào? Chắc lại đến đây quay phim về nghề làm tơ tằm ở làng Vọng Nguyệt hả?”. Không đợi câu trả lời của chúng tôi, cụ Định trút bầu tâm sự: “Khoảng năm 2006, 2007 trở về trước, nghề làm tơ ở làng Vọng Nguyệt phát triển thịnh vượng lắm. Hầu hết các gia đình trong làng đều làm tơ. Vào thời điểm chính vụ (giữa tháng 4 đến hết tháng 10), từ trẻ nhỏ đến người già trong làng đều tất bật với những công đoạn làm tơ. Thế nhưng, vài ba năm trở lại đây, tơ làm ra không nơi tiêu thụ, nhiều hộ đã phải bỏ nghề…”.

2871327020120508183211562.jpg

Cụ Lê Thị Định đang kiểm tra chất lượng tơ.

Tạm biệt cụ Định, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hồng Ty, một trong những hộ sản xuất tơ lớn trong làng. Thế nhưng, hiện nay gia đình ông Ty cũng chỉ sản xuất cầm chừng để giữ nghề truyền thống. Tại khu sản xuất của gia đình ông Ty, chúng tôi thấy chỉ còn hai chiếc máy kéo tơ đang hoạt động. Số còn lại được xếp gọn một góc và phủ bạt cùng với một số lượng lớn nong dùng để nuôi tằm. Ông Ty tâm sự: “Trước đây, tơ sản xuất ra đến đâu bán hết đến đấy. Để kịp giao hàng cho khách, nhà tôi phải thuê cả người làm thêm mới kịp. Thế nhưng, vài năm gần đây tơ sản xuất ra không bán đi được, thế là tôi đành phải cho nhân công nghỉ việc. Từ thời cha ông chúng tôi đã gắn bó với nghề, nay bỏ đi thì không đành, nên tôi vẫn cố gắng sản xuất cầm cự. Hy vọng sẽ có ngày làng nghề vượt qua giai đoạn khó khăn”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Quây, Trưởng thôn Vọng Nguyệt cho biết: “Đúng là những năm gần đây, tơ tằm ở Vọng Nguyệt sản xuất ra nhưng không bán được. Nếu có bán được thì cũng phải qua khâu trung gian, người dân bị ép giá nên sản phẩm làm ra không mang lại lợi nhuận cao. Nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh cũng đã tổ chức các hội chợ để quảng bá cho sản phẩm của các làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, sản phẩm bán được ở hội chợ cũng không được bao nhiêu. Trước khó khăn đó, nhiều gia đình đã phải bỏ nghề. Một số gia đình vì tha thiết, muốn giữ nghề truyền thống chỉ sản xuất cầm chừng. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng sớm có biện pháp nhằm tìm hướng ra cho sản phẩm tơ tằm ở Vọng Nguyệt”.

Nghề làm tơ tằm ở làng Vọng Nguyệt đã có cách đây khoảng 1000 năm. Sản phẩm tơ tằm Vọng Nguyệt từng được người trong Hoàng cung lựa chọn để may áo cho nhà vua và hậu cung. Cũng có một giai đoạn do chiến tranh, nghề làm tơ ở Vọng Nguyệt bị gián đoạn. Nhưng các cụ cao tuổi trong làng như: Ngô Văn Thị, Chu Văn Biền… đã vực dậy làng nghề vào những năm 80 của thế kỷ trước. Giờ đây, mặc dù rất khó khăn, nhưng trong làng vẫn còn một số gia đình gắn bó với nghề. Đây chính là động lực để vực dậy làng nghề một thời nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc. Đề nghị, UBND huyện Yên Phong và tỉnh Bắc Ninh sớm có những biện pháp tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ người dân làng nghề Vọng Nguyệt giữ và khôi phục, phát triển làng nghề, tránh để mất một nghề truyền thống của địa phương.

Theo qdnd

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.519.287
Tổng truy cập: