VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Gà chín cựa và chuyến “di cư” tới núi Ba Vì
(Ngày đăng: 24/09/2012   Lượt xem: 526)

GiadinhNet - Gà 9 cựa vốn được biết đến như sản vật vô cùng quý hiếm trong truyền thuyết xưa thì giờ đây càng hiếm.

Nguyễn Mạnh Quân và chú gà đủ 8 cựa hoàn chỉnh, đang có dấu hiệu nhú lên chiếc cựa thứ 9. Ảnh: LX

Ngay cả bản Cỏi (Xuân Sơn- Tân Sơn- Phú Thọ) vốn là nơi phát tích giống gà 9 cựa, cũng khó mà tìm được. Nhưng một con gà 9 cựa đích thực như trong truyền thuyết xưa đã được một người mê gà kỳ công đưa về thung lũng Ba Vì huyền ảo, sau nhiều tháng săn lùng khắp bản làng người Dao. 

Tiếng gáy ở thung lũng Hà thành…

Vùng đất của bản làng người Dao ở Xuân Sơn (Phú Thọ) khi xưa vốn là vùng đất thiêng, gắn liền với gà 9 cựa trong truyền thuyết vua Hùng kén rể cho công chúa. Loài gà 9 cựa được người Dao xưa tôn sùng một cách tuyệt đối, được coi như những người con của thần núi, thần rừng, bay ra từ rừng xanh sâu thẳm để làm bạn với con người giữa không gian cô tịch. Người Dao xưa ví đuôi của loài gà 9 cựa cong vút, đẹp đẽ và hùng vĩ như dòng thác lớn oai hùng.

Nhắc đến Xuân Sơn, người ta nghĩ ngay đến những con gà 9 cựa oai dũng trong vườn nhà cây cối um tùm, nằm nép dưới những tán cây lớn rợp trời. Nhưng thực chất, không phải con gà nào cũng có đủ 9 cựa. Chủ yếu gà ở Xuân Sơn bây giờ chỉ được 6, 7 hoặc 8 cựa là cùng. Vì thế, ngay từ cộng đồng người Dao khi xưa, nhà nào có được gà 9 cựa thì nghiễm nhiên gia đình ấy có một địa vị được tôn trọng hơn hẳn trong cộng đồng và chú gà 9 cựa ấy được phong danh là "chúa gà".

Những con gà 9 cựa thường có mào đỏ, vòm đuôi dài cong vút và tiếng gáy vang xa. Đó cũng chính là đặc điểm của con gà 9 cựa vừa được "di cư" thành công tới thung lũng Ba Vì (Hà Nội) hoang sơ. Người có công đưa được loài gà nhiều cựa quý hiếm về tới Ba Vì chính là anh Nguyễn Mạnh Hải với biệt danh "Hải gà".

Gà nhiều cựa được anh Hải lặn lội, tìm mua từ mãi bản Cỏi - vùng đất phát tích nên giống gà quý, thuộc địa phận xã Xuân Sơn - cũng là xã xa xôi, hẻo lánh nhất của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Cả xã Xuân Sơn có 4 bản thì chỉ có bản Cỏi là tập trung gà nhiều cựa nhất. Bản Cỏi khi xưa cũng chính là vùng đất thuộc bản bộ của vua Hùng.

Những con gà nhiều cựa này thường rất hiếu chiến, nếu gặp gà lạ, chúng lập tức lao vào đánh cho tơi bời. Nếu nhốt chung thì chúng cũng thường tấn công những con gà giống khác hoặc độc chiếm những "vật dụng" trong khu nhốt như chậu cát, chậu nước, thức ăn. Lúc đánh nhau, những chú gà nhiều cựa trông đều hung dữ, lông, mào đều dựng đứng. Chúng như bá chủ trong các trận chiến gà. Những con gà ta "yếu bóng vía" lỡ bị gia chủ nhốt chung với gà nhiều cựa đều nem nép bên mé rào. "Vì thế, tôi phải nhốt riêng chứ không dám cho cùng vào đám gà tre mà cậu con trai kỳ công chăm nuôi mấy năm nay. Không biết có phải vì quá yêu thích gà 9 cựa không mà mỗi sáng, nghe tiếng loài gà truyền thuyết gáy, tôi đều cảm thấy chúng thật oai dũng, âm vang chứ không như giống gà trống ta thường thấy ", anh Hải kể.
 

Những chiếc cựa quý hiếm này cũng là nguyên nhân khiến chúng khó nuôi khi còn nhỏ.

Kỳ công lùng tìm gà bản Cỏi

Gà 9 cựa hiện thuộc sở hữu của người đàn ông mang biệt danh Hải "gà" chính là giống gà quý hiếm được biết đến lần đầu tiên trong truyền thuyết vua Hùng kén rể cho công chúa Mỵ Nương khi xưa. Vốn mê chơi gà từ bé, rồi sau này lại gầy dựng cơ nghiệp trang trại gà rộng tới gần 2ha ở Sơn Đà (Ba Vì, Hà Nội) nên thú mê chơi gà vẫn cứ quẩn quanh trong anh. Mấy năm qua anh nhờ người tìm mua lấy đôi gà chín cựa về nuôi cảnh nhưng mãi không tìm được. Cuối cùng anh và cậu con trai Nguyễn Mạnh Quân phải khăn gói lặn lội lên tận bản Cỏi ở hàng tuần liền để hỏi han, nhờ người tìm, cuối cùng mới mua được 6 con gà, trong đó có 2 con gà mái và 4 con gà trống. Cựa của gà mái là những ngón chân nhỏ mọc tới khuỷu chân. Trong số những con gà vừa được anh Hải "di cư" tới Sơn Đà có một con gà trống thuộc hàng quý hiếm - ấy là con gà đã mọc đủ 8 cựa và đang có dấu hiệu nhu nhú chiếc cựa thứ 9.

Sáu con gà quý hiện được bố con anh Hải thả tạm trong khoảng vườn đã được rào kín. Anh bảo, để cho chúng quen mùi đất rồi mới dám tháo rào. Giống gà quý vốn chỉ được nghe đến nhiều từ trong câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh nên ngay khi được đưa về tới Sơn Đà, không ít người đã kéo tới tận nhà anh Hải để chiêm ngưỡng. Nhiều người không tin gà có nhiều cựa; rồi lại có người vốn hay đi đây đó nên đã biết chuyện gà nhiều cựa lên hết bàn nhậu của dân miền xuôi nên đã bắt anh phải vào vườn bế gà, vạch chân chỉ từng cựa mới chịu tin là thật. "Trong những ngày ăn chực nằm chờ ở bản Cỏi, tôi mới biết gà 9 cựa có ý nghĩa thế nào trong đời sống của người Dao. Trong số những tín ngưỡng liên quan đến gà 9 cựa thì có ngày lập tịch (lễ công nhận sự trưởng thành của người con trai). Đến ngày ấy, dù gia đình có nghèo khó đến đâu cũng phải chuẩn bị đủ 20 con gà 9 cựa để hành lễ. Những con gà 9 cựa tượng trưng cho sức mạnh và sự linh thiêng trong tín ngưỡng của người Dao. Những chú gà trống 9 cựa hoặc nhiều cựa thường được ví như những người đàn ông tràn đầy sức mạnh", anh Hải kể.

Quan niệm "cường dương" quái gở

Khác hẳn với giống gà ta thông thường hay gà công nghiệp nuôi nhốt trong chuồng lớn, gà 9 cựa vô cùng khó nuôi. Lúc nhỏ, gà hay chết vì bị vướng chân vào các rễ cây, bụi rậm. Tuy nhiên khi lớn, chúng lại tự kiếm ăn và có sức khỏe phi thường so với các loài gà khác. "Ở bản, gà nhiều cựa thường đi kiếm ăn từ 4 giờ sáng đến tối rồi tự động tìm về chiếc chuồng quây bằng phên nứa, lợp lá cọ, chứ không phải bắt nhốt. Khi gà được 5 - 6 tháng tuổi thì nặng chừng gần 1kg, bắt đầu tập gáy và trổ mã rất đẹp", anh Hải kể.

Không như gà thông thường, khả năng bay nhảy của giống gà nhiều cựa rất giỏi. Chúng có bộ lông mượt, mào đỏ như máu. Có những con lông màu đỏ, lại có con màu nâu hoặc màu trắng. Hung dữ và gần như không "hòa đồng" với giống gà khác nên nhiều người sau khi kỳ công lặn lội rồi bỏ tiền triệu ra mua gà về nuôi với hy vọng phối giống nhưng đều chết cả. Vốn mê gà và tìm hiểu khá kỹ về chúng nên anh Hải đã cất công tìm mua gà nhiều cựa đủ cả trống và mái. "Giống gà này ít chịu phối giống với các loại gà khác, nên khi đưa đi xa thì khó mà sống nổi. Vì thế tôi phải mua 4 con gà trống và 2 con gà mái", anh Hải cho hay.

Ở bản Cỏi bây giờ, để tìm được con gà đủ 9 cựa hoàn chỉnh cũng khó như "mò kim đáy bể", vì thế không ít đại gia Hà thành phát giá lên tới hàng chục triệu đồng mấy năm nay mà vẫn chưa có được con gà 9 chín cựa hoàn chỉnh. Gà 9 cựa càng trở nên hiếm hoi khi một số người có quan niệm "quái gở" cho rằng, gà 9 cựa là một phương thuốc thần dược có công hiệu "cường dương", tăng cường "bản lĩnh đàn ông". Vậy là gà nhiều cựa quý hiếm ở Xuân Sơn cứ ngày càng bị lụi tàn khi chúng trở thành món đặc sản của vùng rừng núi cuối dãy Hoàng Liên Sơn. Hy vọng, những con gà nhiều cựa được di cư tới thung lũng Ba Vì hôm nay, một ngày kia sẽ sinh sôi nảy nở, đưa tiếng gáy oai hùng của giống gà truyền thuyết vang khắp dãy núi Ba Vì hùng vĩ.
 

Mô hình nuôi gà 9 cựa

Nhằm bảo tồn loài gà nhiều cựa quý hiếm, tổ chức DANIDA (Đan Mạch) đã hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi gà 9 cựa ở xóm Dù và xóm Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ). Dự án triển khai từ năm 2008 với 3 mô hình được thực hiện ở 2 gia đình xóm Dù và một gia đình ở xóm Cỏi. Tham gia dự án, mỗi gia đình được hỗ trợ làm chuồng hợp vệ sinh và 5 triệu đồng mua giống, thức ăn, thuốc thú y. Gà trống trưởng thành có trọng lượng gần 2 kg, gà mái khoảng 1,5 kg. Phát triển gà nhiều cựa ở vùng lõi và vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Sơn hiện nay chủ yếu vẫn do người dân trong vùng tự nuôi. Đây là tín hiệu đáng mừng vì địa phương đã bảo tồn được loài gà quý hiếm.

Lã Xưa


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.519.220
Tổng truy cập: