VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số dưới 1.000 người: Từ nội lực tới sức mạnh cộng đồng Bài 1: Khơi dậy ý thức tộc người
(Ngày đăng: 12/11/2018   Lượt xem: 344)
Từ năm 2011, Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” (theo Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ) được triển khai, trong đó trọng tâm là Dự án “Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đến nay, dự án cơ bản hoàn thành việc bảo tồn khẩn cấp và bước đầu phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc rất ít người. 16 nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) có dân số dưới 10.000 người được hưởng lợi từ dự án, trong số này có 5 nhóm DTTS rất ít người cần được quan tâm đặc biệt: Si La, Ơ Đu, B’râu, Rơ Măm, Pu Péo (có dân số dưới 1.000 người). Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có chuyến thâm nhập thực tế tại các địa phương, ghi nhận việc gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS.

Bài 1:  Khơi dậy ý thức tộc người

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của một dân tộc phụ thuộc chủ yếu vào nội lực của dân tộc và sự hỗ trợ của cộng đồng. Trong điều kiện hiện tại, DTTS dưới 1.000 người ở Việt Nam đã và đang hội tụ những yếu tố ấy. Tuy vậy, bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn do lịch sử để lại, song điều đáng mừng là người dân đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong giữ gìn bản sắc văn hóa. 

Nhân tố “tinh hoa”-nội lực của cộng đồng

Trước và sau chuyến đi thâm nhập thực tế này, chúng tôi đã có được gợi ý của nhiều chuyên gia về văn hóa và dân tộc học đối với vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa của một tộc người. Song đi vào thực tế mới thấy, nhiều vấn đề không thật sự giống với “lý thuyết”. Câu chuyện lo toan cơm-áo-gạo-tiền có ảnh hưởng rất lớn tới công cuộc bảo tồn văn hóa. Có một vòng luẩn quẩn thế này: Muốn bảo tồn văn hóa thì phải có thực lực về kinh tế, thực lực về con người; muốn giàu, muốn "khôn" thì phải giao thương, học hỏi. Và ngay trong quá trình học hỏi đó, người ta vô tình làm rơi rụng, mai một nhiều nét văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân Y Pan, 87 tuổi (giữa) là già làng uy tín của người B’râu

“Giới tinh hoa” trong 5 nhóm DTTS chúng tôi được tiếp xúc chỉ có một vài người là cán bộ cấp xã, nghệ nhân. Như vậy có thể thấy vai trò dẫn dắt cộng đồng của những người được coi là tinh hoa còn thiếu và yếu. PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng, vai trò của những cá nhân này rất quan trọng trong xã hội, bởi chính họ sẽ dẫn dắt, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong cộng đồng. PGS, TS Nguyễn Văn Huy đưa ra dẫn chứng về cuộc đấu tranh dài hơn 100 năm của dân tộc Ainu (Nhật Bản) để được công nhận là DTTS (cộng đồng người Ainu ở Nhật Bản bị đồng hóa năm 1899, cho đến năm 2008 mới được công nhận là DTTS). Cuộc đấu tranh này cũng xuất phát từ những cá nhân kiệt xuất, có trình độ, có ý thức “thức tỉnh dân tộc”.

Các DTTS ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước ủng hộ, tạo điều kiện cao nhất để giữ gìn bản sắc của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhận thức và vận dụng đường lối, chính sách nên cũng có không ít vấn đề phải xem xét, nghiên cứu thấu đáo hơn. Điều kiện cần quan trọng nhất của họ là biết phát huy nội lực, lòng tự tôn dân tộc. Đáng mừng là DTTS đều có ý thức tự giác tộc người. Sự thiếu vắng “giới tinh hoa”, những người tiên phong trong dân tộc là một vấn đề cần được đặt ra để có kế hoạch đào tạo lâu dài. Cần khuyến khích, đào tạo những nhân tố đó.

Hạn chế tác động tiêu cực do đồng hóa tự nhiên

Người Ơ Đu trước năm 2006 sống rải rác trong 8 bản, 4 xã của huyện Tương Dương (Nghệ An). Do sống xen lẫn với những cộng đồng dân tộc chiếm đa số tại khu vực, như: Thái, Khơ Mú… nên họ luôn có mặc cảm, tự ti, yếm thế. Đã có thời điểm họ không dám nhận là người Ơ Đu, dẫn đến từ bỏ bản sắc văn hóa. Đến bây giờ quá trình ngược lại đang diễn ra. Chị Mạc Thị Tím, người Thái làm dâu trong một gia đình người Ơ Đu, nhiều năm liền đã sưu tầm và phục dựng được bộ trang phục của dân tộc này. Song khó khăn vẫn còn, bởi nếp sinh hoạt đã đổi thay, người Ơ Đu đã quen với sự tiện dụng của âu phục.

Ông Lo Xuân Tình, người dân tộc Ơ Đu, Bí thư Chi bộ thôn Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương cho biết, từ khi phục dựng được bộ trang phục truyền thống, Chi bộ thôn đưa việc vận động nhân dân mặc trang phục truyền thống vào nghị quyết chi bộ. Cùng với các tổ chức, đoàn thể, các đảng viên đến từng gia đình vận động người dân may quần áo, chia sẻ mẫu, thậm chí còn cung cấp vải cho nhân dân. Chỉ từ những việc làm tưởng chừng rất nhỏ ấy mà người dân Ơ Đu ở Văng Môn dần xây dựng được thói quen mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, tết.

Chị Mạc Thị Tím (thứ hai, từ trái sang), Trưởng thôn Văng Môn, trong buổi trình diễn tái hiện Lễ hội mừng tiếng sấm mới tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Một khó khăn khác là ngôn ngữ. Hiện nay, theo nghiên cứu của ông Vi Mỹ Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, thì tiếng Ơ Đu chỉ còn khoảng 100 từ và cũng rất ít khi được sử dụng. Hiện tại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An đang mở các lớp dạy tiếng Ơ Đu. Người dân cũng thích học vì họ đã ý thức được việc bảo vệ bản sắc dân tộc mình. Tuy nhiên, ở đây cũng phải rất khách quan đánh giá rằng bất cứ loại sinh ngữ nào cũng cần phải có môi trường giao tiếp, nếu chỉ học rồi để đấy, lâu lâu ôn lại "trả bài cho thầy" thì sớm muộn cũng sẽ trở thành “tử ngữ”.

PGS, TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: "Trường hợp người Ơ Đu là quá trình đồng hóa tự nhiên và không thể đảo ngược. Tuy vậy, khi đã nắm rõ về quy luật thì chúng ta có thể hạn chế những tác động tiêu cực. Theo tôi, yếu tố quyết định trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa nằm ngay ở ý thức tự giác dân tộc”.

May mắn hơn dân tộc Ơ Đu, các DTTS dưới 1.000 người, như: B’râu, Rơ Măm, Si La và Pu Péo vẫn giữ được ngôn ngữ riêng. Tuy nhiên, cái khó của bà con lại là sự mai một của nhiều lễ hội, nghề truyền thống. Theo nghệ nhân Y Pan, dân tộc B’râu, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum): So với 20 năm trước, bản sắc văn hóa của người B’râu khác nhiều. Dễ thấy nhất là từ việc tang ma, cưới hỏi. Người B’râu không có truyền thống thờ cúng người quá cố. Người chết được làm lễ bỏ mả, lễ tang “chia tài sản” một lần và từ đó không còn liên hệ nào khác. Vì lẽ đó mà đám ma thường to, tài sản đem theo chiếm một phần trong gia đình. Mộ người chết thường được xây nổi phần nắp để người chết có đường lên trời. Đây rõ ràng là một tập tục cũ, sau này dân làng đều nhất trí phải dẹp bỏ. Và theo thời gian, nhiều nghi lễ trong văn hóa tín ngưỡng cũng bị mai một.

Thiếu đất, tập quán canh tác đổi khác, nhiều lễ hội của người B’râu cũng đã khác hẳn với truyền thống. Cụ thể là Lễ cúng cơm mới. Cách thời điểm chúng tôi đến không lâu, Bảo tàng Dân tộc học cũng đến ghi hình lễ hội này. Không có suối, người dân phải “mô phỏng” lại bằng cách dẫn nước máy qua ống tre. Việc “mô phỏng” này nhiều người phải chấp nhận một cách bất đắc dĩ. Vì rằng, không gian của buổi lễ rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đến nghi lễ. Tới đây, tôi chợt nghĩ tới GS Tô Ngọc Thanh, người cứ khăng khăng cho rằng quan họ truyền thống đã mất, vì không gian giao duyên không còn. Âu cũng là quy luật phát triển, không thể bắt người dân đóng khố để bảo rằng họ biết gìn giữ trang phục truyền thống. Và chúng tôi rất đồng ý với PGS, TS Nguyễn Văn Huy ở một ý: Khi đã biết quy luật thì chúng ta có thể hạn chế sự tác động tiêu cực. Hiện tại, nhiều lễ hội, tục lệ, nghệ thuật đã được các cơ quan chuyên môn ghi hình, ghi âm, lưu trữ. Đó là cách chúng ta gìn giữ cho mình và cho con cháu để đến một thời điểm thích hợp, những lễ hội, tục lệ, nghệ thuật ấy có thể được khai thác.
                                                                             Theo: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.466.971
Tổng truy cập: