VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Giữ hồn gốm, giữ lửa làng nghề
(Ngày đăng: 03/10/2018   Lượt xem: 625)
Các nghệ nhân làng gốm Thanh Hà tại Hội An, Quảng Nam đang cố gắng giữ “tài sản vô giá” mà ông cha để lại 500 năm qua.

Nghệ nhân trẻ Nguyễn Thị Thủy đang thực hiện một công đoạn làm ra sản phẩm gốm. Ảnh: Nhân Tâm

Một làng nghề qua năm thế kỷ

Bà Nguyễn Thị Ta cặm cụi cắt những miếng bạt bằng nylon để che các sản phẩm gốm đang được phơi ngoài sân vì sợ trời mưa đem vô nhà không kịp. Thao tác thuần thục và giọng nói rõ ràng, không ai nghĩ người nghệ nhân này đã 82 tuổi với hơn 60 năm tuổi nghề. Từ lúc 15 tuổi bà đã được cha mẹ dạy làm gốm và theo nghề riết tới bây giờ. Các sản phẩm gốm mà gia đình bà làm chủ yếu là nồi, niêu, chén, bát, bình, hủ không cần tráng men. “Đất được lấy từ Điện Bàn, sau đó đem về đây trộn. Việc nhào nặn được làm trên chiếc bàn tròn xoay. Cuối cùng là đem vào lò nung. Tất cả đều làm bằng tay”, bà kể. Cái nghề này, theo bà, từng công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác về thời gian vì các sản phẩm gốm rất dễ hư.

Gia đình bà Ta là một trong bảy gia đình nghệ nhân của làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là những gia đình làm nghề gốm gia truyền còn sót lại sau những thăng trầm của làng nghề 500 năm qua. Trong làng còn có gần 20 cửa hàng làm và bán đồ gốm lưu niệm cho du khách hiện nay.

Theo những tài liệu lịch sử, làng gốm Thanh Hà được hình thành từ những năm 1520. Đến khi nhà Nguyễn chọn Phú Xuân làm kinh đô, nhiều nghệ nhân ở làng gốm Thanh Hà được gọi ra Huế, sung vào đội thợ lành nghề xây dựng cố cung. Thời thịnh nhất của làng nghề là vào những năm thế kỷ 17 và 18 khi cảng thị Hội An thời bấy giờ phát triển phồn thịnh. Các sản phẩm gốm Thanh Hà như nồi, ấm, khạp, chum, vại... được dùng hằng ngày trong các làng quê tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế. Ngói từ làng nghề này cũng được dùng để lợp nhà. Làng gốm Thanh Hà cùng với các làng nghề khác như làng mộc Kim Bồng, làng chiếu Cẩm Kim, làng rau Trà Quế... tạo thành bức tranh sản xuất phong phú tại khu phố cổ, gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế thương mại của đô thị và cảng thị Hội An xưa.

Theo biến thiên của thời cuộc, chiến tranh cũng như thị hiếu của người dân, làng gốm Thanh Hà tưởng chừng như sụp đổ. “May mắn, kể từ sau khi Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vào năm 1999 thì làng nghề được phục hồi dần”, chị Phạm Thị Mỹ Dung, một nghệ nhân trẻ, cho biết. Chị được đích thân bà nội - nghệ nhân Nguyễn Thị Được - năm nay đã 95 tuổi truyền nghề. Chị Dung kể trước đây các sản phẩm của nhà chị chủ yếu là nồi, niêu, bình được sản xuất và bán cho người dân trong vùng. Vào những năm 1990 khi sản phẩm làm bằng nhựa và kim loại lên ngôi, nhà chị cũng như sáu nhà sản xuất gốm còn lại trong làng nghề chỉ sản xuất cầm chừng với hy vọng một ngày nào đó nghề gốm sẽ hưng thịnh trở lại như mong ước của bà nội chị. Cho đến những năm 2000 đến nay, nhà chị chủ yếu làm những sản phẩm gốm để bán cho khách du lịch.

Truyền nghề cho mai sau

Chị Dung là một trong bảy nghệ nhân trẻ hiện nay của làng nghề được đích thân các nghệ nhân xưa truyền dạy. Tuy rằng mỗi gia đình nghề truyền thống này chọn cách làm ăn khác nhau nhưng tựu trung họ vẫn muốn giữ lửa cho một nghề truyền thống của ông cha.

Chị Dung năm nay 37 tuổi, đã có hơn 20 tuổi nghề. Hiện nhà chị sản xuất hàng trăm sản phẩm gốm khác nhau chủ yếu để phục vụ khách du lịch. “Làm các sản phẩm bằng khuôn có thể nhanh hơn nhưng sản phẩm không đẹp và không có nét riêng. Chúng tôi vẫn trung thành với cách làm thủ công gia truyền. Với phương pháp này, mỗi sản phẩm làm ra là một tác phẩm riêng biệt, không giống ai. Đó chính là cái hay của làm gốm truyền thống”, chị Dung nói.

Bên cạnh nơi trưng bày và bán sản phẩm, cơ sở Sơn Thúy của chị Phạm Thị Mỹ Dung cũng dành một không gian để hướng dẫn du khách cách làm gốm. Mỗi sản phẩm làm ra được khắc tên người làm và chuyển đến cho chủ nhân sau khi hoàn thiện. Người thường xuyên hướng dẫn du khách làm gốm không ai khác là con gái của chị, năm nay 18 tuổi. Trong khi đó, ở một góc khác, con trai lớn của chị, 20 tuổi, đang điêu khắc các sản phẩm gốm trước khi đưa vào lò nung.

Trong khi cơ sở của chị Dung chủ yếu sản xuất sản phẩm phục vụ du khách thì cơ sở của chị Nguyễn Thị Thủy, cháu gái của nghệ nhân Nguyễn Thị Ta, chủ yếu làm các sản phẩm nồi, niêu, bình, chum, vại cung cấp cho các cửa hàng, nhà hàng không chỉ tại Quảng Nam mà còn ở Đà Nẵng và Huế. “Chúng tôi cung cấp niêu đất hàng ngày cho các nhà hàng cơm niêu. Những niêu đất bị đập bể sau mỗi lần nấu cơm để phục vụ khách”, chị Thủy, 40 tuổi, chia sẻ. Mỗi cái niêu chị bán 20.000-30.000 đồng. Một tháng chị lời 5-6 triệu đồng. “Làm nghề này rất cực vì chúng tôi làm hoàn toàn thủ công. Chúng tôi chỉ lấy công làm lời. Tôi vẫn đang truyền dạy nghề cho con mình với hy vọng tiếp tục giữ lửa nghề của cha ông”, chị nói.

Chị Nguyễn Thị Hậu, một hậu duệ khác của làng gốm Thanh Hà, cho biết cơ sở Ngụy Trung nhà chị nổi tiếng làm các sản phẩm tò he và heo đất. Hiện nay hầu hết các sản phẩm tò he được bán tại Hội An xuất phát từ cơ sở Ngụy Trung, chị Hậu khoe và chia sẻ thêm rằng việc làm tò he từ gốm là bí quyết được truyền trong gia đình chị bao đời nay. Mỗi sản phẩm tò he được nặn bằng tay nên không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Một điều mà chị Hậu cũng tự hào nữa là hiện nay có một số bạn trẻ đang mở các cơ sở làm gốm và tò he tại làng gốm Thanh Hà, họ đều là học trò của chị. “Tôi sẵn sàng chia sẻ cách làm sản phẩm gốm với những người trẻ. Miễn sao họ chịu khó là được vì nghề này cần sự tỉ mỉ và kiên nhẫn”, người nghệ nhân 45 tuổi này chia sẻ.

Dạo một vòng quanh làng gốm Thanh Hà có thể thấy đã khác xưa. Các sản phẩm không chỉ là những niêu đất, bình đất nung mộc mạc mà có cả những sản phẩm tráng men đẹp đẽ, độc đáo và những tác phẩm điêu khắc công phu. Một công viên văn hóa đất nung Thanh Hà cũng được xây dựng, với nhiều hạng mục như bảo tàng gốm, khu mô hình đất nung, nhà trưng bày, trại sáng tác, trở thành “cổng làng” và là một động lực thúc đẩy sự hồi sinh của làng gốm cổ. Khách tham quan làng gốm Thanh Hà sẽ mua vé với mức giá 35.000 đồng để xem các nghệ nhân trình diễn kỹ thuật chuốt gốm, tham gia trải nghiệm “Thử tài là nghệ nhân chuốt gốm”, nhận quà lưu niệm là một con tò he bằng đất nung và được trung chuyển bằng xe điện miễn phí từ bãi đỗ xe vào trong làng. Nguồn thu này được dùng hỗ trợ thêm cho các nghệ nhân.

Một nhóm bốn du khách người Anh tỏ ra thích thú khi thổi tò he - món quà họ được tặng khi đến tham quan cơ sở Ngụy Trung. Chị Nguyễn Thị Hậu cho biết UBND thành phố Hội An kết hợp với cơ sở của chị để trao quà lưu niệm cho du khách như là một cách quảng bá làng nghề.

Với những gì mà các nghệ nhân trẻ của bảy gia đình truyền thống làm gốm đang thực hiện cũng như những nỗ lực của chính quyền thành phố, hy vọng làng nghề gốm Thanh Hà sẽ được giữ hồn, giữ lửa mãi về sau. Chị Dung, chị Thủy hay chị Hậu vài chục năm sau sẽ tiếp tục kể cho con cháu mình nghe những nét đẹp của làng gốm Thanh Hà.
                                                                                              Theo:  thesaigontimes.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

42
Đang xem:
72.471.362
Tổng truy cập: