VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Giá trị văn hóa to lớn của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
(Ngày đăng: 14/09/2012   Lượt xem: 584)

Ngày 7/10 tới, tại khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) UBND tỉnh Bắc Giang sẽ long trọng tổ chức lễ đón nhận Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

13.9.VHNT.JPG

Cận cảnh Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm

 

Sự kiện này có ý nghĩa văn hóa, chính trị không chỉ đối với người dân tỉnh Bắc Giang mà còn có sức lan tỏa trong cả nước. Tuy nhiên, những giá trị to lớn của kho mộc bản thì còn nhiều người chưa rõ.

Theo ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, giá trị của kho mộc bản thể hiện ở tính xác thực, tính quý hiếm độc đáo không thể thay thế và ý nghĩa quốc tế. Chính vì vậy nên tại kỳ họp của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok - Thái Lan, từ ngày 14-16/5/2012, Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã vinh dự được công nhận là Di sản ký ức thế giới của khu vực.

Tính xác thực thể hiện rõ chùa Vĩnh Nghiêm là nơi khắc, in ấn kinh, sách giáo lý thiền phái Trúc Lâm tại chùa Vĩnh Nghiêm từ thế kỷ XIII được ghi rõ trong sách chính sử Việt Nam. Ở các ván khắc tương ứng với trang đầu hay trang cuối cho biết chính xác thời gian chế tác, người san khắc, địa điểm lưu giữ, bảo quản của mỗi bộ ván khắc.

Cùng với tính xác thực, tính quý hiếm và độc đáo của mộc bản này còn được thể hiện cả về mặt tôn giáo, ngôn ngữ, văn học, y học và mỹ học. Về mặt tôn giáo, Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông – vị hoàng đế đi tu sáng lập là Phật phái riêng biệt đầu tiên của Việt Nam trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc Phật giáo của Ấn Độ và Trung Quốc, vừa phù hợp với đặc trưng của văn hóa Việt Nam vừa khẳng định được bản lĩnh tự chủ trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài; Ngoài ra mộc bản còn quý hiếm và độc đáo ở các phương diện, đó là: ngôn ngữ - nhiều mộc bản được khắc bằng chữ Nôm, là loại văn tự riêng của người Việt Nam ra đời từ thế kỷ XI, khác biệt các loại văn tự khác trên thế giới. Đây cũng là bước ngoặt đánh dấu quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam; Về văn học, mộc bản sách “Thiền tông bản hạnh” gồm nhiều tác phẩm văn học khác nhau: Giáo tử phú, Thiền tịch phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Cư trần lạc đạo, Thiền tong bản hạnh… Về y học: mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm còn là sự đúc kết kinh nghiệm dân gian, khảo nghiệm tinh túy về y dược thời bấy giờ; Về mỹ học, bộ mộc bản được khắc công phu, cầu kỳ tốn kém nhiều công sức. Người thợ khắc gỗ Việt Nam phải là người đa năng: giỏi chữ Hán, chữ Nôm, có bàn tay khéo léo, có con mắt tinh tường và bản tính kiên trì, nhẫn nại, thận trọng với trình độ thẩm mỹ rất cao mới tạo ra được các mộc bản này.

13.9.VHNT1.JPG

UNESCO trao bằng công nhận Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm

Hơn thế nữa là ý nghĩa quốc tế của mộc bản này thể hiện bằng việc kinh, sách được từ kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là tư liệu của Thiền phái Trúc Lâm. Tư tưởng, giáo lý hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm đã thấm nhuần sâu sắc và ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Hiện tại Việt Nam có hàng nghìn ngôi chùa Thiền phái Trúc Lâm. Trên thế giới, thiền viện mang đặc trưng tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm cũng phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng đến Phật tử ở các nước sở tại. Phật tử và nhà tu hành không chỉ là người Việt ở hải ngoại mà còn thu hút đông đảo tăng, ni, Phật tử là người các nước sở tại.

Có thể nói, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đa văn hóa của nhân loại hiện nay, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đóng vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ giáo dục ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam mà còn giúp cho cộng đồng các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á bảo tồn nét văn hóa phương Đông trong quá trình thế giới cùng hội nhập và phát triển. Đồng thời những tư tưởng nhân văn, bác ái của tư tưởng thiền phái Trúc Lâm đã đưa vị thế của Phật giáo Việt Nam ngày càng lên cao trên trường quốc tế./.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được gắn với ngôi chùa Vĩnh Nghiêm – được mệnh danh là “Đại danh lam cổ tự” nổi tiếng khắp cả nước. Chùa còn được gọi theo tên thôn là chùa Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đây là một trung tâm Phật giáo lớn thời Trần, nơi ba vị Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) từng trụ trì và mở trường thuyết pháp. Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với số lượng 3.050 mộc bản, gồm 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh, sách chính: loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các phật tổ thiền phái Trúc lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các tổ sư thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại.

Theo VEN

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.475.513
Tổng truy cập: