VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Làng làm nỏ gỗ và huyền thoại đệ nhất xạ thủ ở Mường Bi
(Ngày đăng: 11/09/2012   Lượt xem: 675)

Có một điểm rất đặc biệt đối với những người thợ săn ở xóm Lũy là mỗi lần bắt được một con thú bất kể nhỏ hay lớn, họ đều dùng máu và ít lông của con thú đó bôi lên cánh nỏ.

Làng làm nỏ giữa đại ngàn

Nằm ẩn sâu trong thung lũng Mường Bi, chìm khuất dưới những tán rừng rậm rạp, ít ai biết rằng vẫn còn tồn tại một bản làng với truyền thống làm nỏ gỗ và những huyền thoại về xạ thủ chốn sơn cước hoang vu.

Đường vào bản Lũy, xã Phong Phú, Tân Lạc, Hòa Bình, chỉ cách đường quốc lộ chưa đầy 10km nhưng đã khiến người ta như lạc vào một thế giới nguyên sơ với những nếp nhà sàn thấp thoáng ẩn hiện. Khung cảnh thanh bình đến mức tịnh không một tiếng động.

Qua sự giới thiệu của người dân, tôi tìm gặp được ông Bùi Văn Mậu (SN 1940) người có “thâm niên” làm nỏ gỗ, ông cũng là một trong những xạ thủ hiếm hoi còn sót lại của xứ Mường Bi nổi tiếng của Hòa Bình.

Nói về ngôi làng với truyền thống làm nỏ gỗ của mình, ông Mậu kể rằng, người dân ở bản Lũy đã nổi tiếng làm nỏ từ vài trăm năm trước đây, bất cứ đứa trẻ nào lớn lên trong bản cũng biết tới chiếc nỏ gỗ vừa là vũ khí để tự vệ khi đi rừng vừa là công cụ để tiến hành săn bắt, tìm kiếm thực phẩm.

anh1.jpg

Ông Mậu kể về truyền thống làm nỏ của bản Lũy

Có thời kỳ, dân bản Lũy gặp phải năm hạn hán mất mùa, đời sống người dân hết sức khổ cực, nhiều người phải bỏ mạng vì không có gì ăn. Khi ấy, già làng đã tụ họp nhóm thanh niên trai tráng lại để cùng nhau làm nỏ gỗ sau đó đi lên những dãy núi rậm rạp để săn thú đem về chia cho người dân trong bản. Nhờ đó dân bản Lũy mới vượt qua được những tháng ngày khó khăn. Bởi vậy, với người dân nơi đây, nỏ gỗ không đơn giản chỉ là một dụng cụ mà nó còn mang một ý nghĩa thiêng liêng như một vật dụng tín ngưỡng.

Trong mỗi ngôi nhà ở bản Lũy  đều treo đầy những nỏ gỗ. Nhà ít thì vài cái, nhiều lên tới hàng chục, hàng trăm chiếc đủ các loại từ cỡ bé đến cỡ cực đại. Mặc dù nỏ gỗ không phải là hiếm ở bất cứ bản làng nào ở xứ Mường nhưng nói đến nỏ của bản Lũy bao giờ người ta cũng phải “kiêng nể” về sức mạnh và độ chuẩn xác.

anh2.jpg

anh3.jpg

Mỗi gia đình bản Lũy đều treo rất nhiều nỏ trong nhà vì họ coi nỏ như một vật dụng tín ngưỡng

 Theo ông Mậu, để làm được một chiếc nỏ hoàn thiện phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ việc chuẩn bị vật liệu tới khi tiến hành gia công đều cần sự khéo léo và tỉ mỉ cao. Phần quan trọng nhất của nỏ là cánh nỏ. Cánh của nỏ chính là nơi hội tụ sức mạnh của nó để khi kéo dây tạo ra lực bắn mũi tên vào mục tiêu. Muốn nỏ có tầm bắn xa, lực bắn mạnh thì việc chọn tre làm cánh nỏ là cực kỳ quan trọng. Loại tre tốt nhất là luồng pạ ná trồng lâu năm, ít nhất cũng phải 10 năm.

“Để tìm được những cây luồng pạ ná tốt là một điều rất khó, thường phải leo lên những quả đồi cao tìm bụi luồng mọc ở đỉnh. Chỉ có luồng mọc trên đỉnh đồi mới đủ độ săn và sức bật để làm cánh nỏ, còn luồng trồng những nơi đất thấp thì chỉ dùng làm nỏ lưu niệm mà thôi. Cánh nỏ thông thường có sải khoảng 1,2m tương ứng với đoạn tre dài khoảng 5 đến 6 đốt. Còn nếu kiếm được đoạn tre già lâu năm có thể làm được những cánh nỏ có sải lên đến 1,4m hoặc hơn”, ông Mậu cho biết

Thân nỏ được làm bằng đủ các loại gỗ, nhưng dùng gỗ cây hồng bì hoặc cây làm đam là tốt nhất. Gỗ hai loại cây này rắn chắc, ít cong vênh, dai và không giòn rất thích hợp làm thân nỏ. Cưa lấy đoạn gỗ không có mắt, thẳng thớ không sâu mọt để vài tháng cho gỗ khô kiệt tự nhiên là có thể xẻ ra làm thân nỏ được.

Sau khi đã chuẩn bị cánh và thân nỏ xong ta tiến hành khoét lỗ tra cánh nỏ vào thân. Người làm sẽ phải ngắm chỉnh nỏ cho cân, điều chỉnh độ nghiêng giữa cánh và thân nỏ sao cho hợp lý rồi tạo chỗ vào dây ở hai đầu cánh nỏ.

Một điều quan trọng khác đó chính là làm dây nỏ, ở bản Lũy dây nỏ được làm từ cây gai, sợi gai được nối với nhau cho đủ độ dài rồi đem se làm dây nỏ. Nhưng nếu chỉ như vậy thì chưa tạo cho dây đủ độ săn cần thiết. Để dây nỏ săn và bền hơn người ta đem căng dây nỏ lên rồi dùng lá thé tuốt dây (thé là một loại cây dại mọc rất nhiều ở miền núi). Tuốt đi tuốt lại nhiều lần nhựa lá thé ngấm vào làm dây nỏ săn lại ngả màu đen sẫm.

Để làm nên sự chính xác của nỏ gỗ, cần phải có những mũi tên đạt “chuẩn”. Muốn tên bay xa và chính xác ta phải làm cánh cho tên. Ra rừng cắt lá rứa dại về phơi khô, khi dùng đem ép phẳng, cắt vát hình thoi rồi lấy mũi dao tách nhẹ một khe gần cuối thân mũi tên, lựa đưa mảnh lá vào cho cân đối là xong. Các mũi tên vót xong phải thẳng nhẵn, cân đối và đồng đều về kích thước cùng trọng lượng của tên.  

Vũ khí chống ngoại xâm và diệt thú dữ

Theo ông Mậu, vào những năm đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, những vũ khí hiện đại như súng, đạn vẫn còn khan hiếm. Đặc biệt với những đồng bào dân tộc ở xứ Mường Bi lại càng xa lạ.

Bởi vậy, khi nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, những người dân bản Lũy đã đứng lên đánh giặc giữ đất, giữ bản bằng những chiếc nỏ gỗ tự làm. Tuy nhiên, để có thể hạ gục được những tên lính to lớn, người dân đã lấy thứ chất độc từ lá cây trên rừng tẩm vào đầu mũi tên rồi ngắm bắn.

Không chỉ đánh giặc giữ làng, những người con của xóm Lũy còn là những chiến binh dũng mãnh trong việc đối phó với muôn thú dữ về quấy phá dân bản. Ông Mậu đã kể cho tôi nghe câu chuyện về người thanh niên A Lý, đã bắn hạ một con hổ dữ chuyên vào quấy phá người dân trong bản.

anh4.jpg

Ông Lũy đang kéo một cây nỏ gỗ cỡ lớn

“Hay tin con hổ lại trở về làng quấy phá, một mình A Lý mang theo chiếc nỏ gỗ cỡ lớn cùng tên tẩm thuốc độc rồi nấp sau một tảng đá to trước cổng làng để mai phục. Khi con hổ đang mải rình để vồ một con bò của người dân bản, A Lý đã tiến tới dùng tên tẩm thuốc độc bắn thẳng vào huyệt tử khiến con hổ đau đớn giãy giụa điên cuồng. Không chần chừ, A Lý rút tên bắn liên tiếp khiến con hổ phải bỏ mạng”, ông Mậu kể.

Có một điểm rất đặc biệt đối với những người thợ săn ở xóm Lũy, đó là mỗi lần bắt được một con thú bất kể nhỏ hay lớn, họ đều dùng máu và ít lông của con thú đó bôi lên cánh nỏ. Vì thế, những cây nỏ cổ hiện nay vẫn còn một lớp trông như lớp nhựa trộn với lông thú bám chặt vào nỏ. Họ xem cây nỏ như một vị thần linh đi theo để bảo vệ và nuôi sống cả gia đình mình nên họ thể hiện sự tôn kính đối với bề trên bằng cách mời cây nỏ thưởng thức đầu tiên.

Chính hoàn cảnh sống khó khăn ấy đã rèn luyện những người con ở xóm Lũy trở thành những tay xạ thủ cự phách với lòng dũng cảm kiên cường. Bản thân ông Mậu trước đây cũng là một xạ thủ với tài bách phát bách trúng. Ông từng tham gia và giành giải ở hầu hết các cuộc thi bắn nỏ tổ chức trong bản và giữa các bản với nhau: “Có thời, không một thanh niên nào ở xứ Mường Bi này bắn nỏ gỗ vượt được qua mình đâu", ông Mậu tự hào kể lại.

Kinh Vân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.495.293
Tổng truy cập: