VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Trần Lâm Biền:Tiền công đức đâu chỉ phá một chùa Trăm gian?
(Ngày đăng: 10/09/2012   Lượt xem: 651)

Theo ông Trần Lâm Biền, tình trạng các di sản bị xâm phạm hàng loạt hiện nay là do sự thắng thế của những đồng tiền công đức. Người ta đang dùng tiền công đức để hối lộ thần linh mà quên rằng, phải có trí đức, tâm đức, nhân đức rồi cuối cùng mới là công đức.

Tưởng là thành tích hóa ra tội lỗi

GS Trần Lâm Biền
            GS Trần Lâm Biền

PV: Thưa ông, không thể phủ nhận một thực tế là trong những năm gần đây, chùa chiền đang bị phá hoại, xâm hại hàng loạt, tưởng như trong thời kỳ mà người ta đổ xô đi “bài trừ mê tín dị đoan” ở thập kỷ 50, 60 ở thế kỷ XX, chùa chiền cũng không đến nỗi phải hứng chịu những cảnh tang thương như hiện nay, khi mà “văn hóa tâm linh” đang được tự do đua nở?

Ông Trần Lâm Biền: -Trước đây, hồi đầu khi chúng ta mới có ngành di sản văn hóa những năm 1950, 1960, thời kỳ vừa chống Pháp và đang gối vào thời kỳ chống Mỹ, trong không khí bài trừ mê tín dị đoan, nhiều người làm công tác di sản văn hóa đã đến và giữ gìn các di sản, điển hình nhất là giữ được đình An Cố ở Thái Bình.

Ngôi đình này suýt bị xóa sổ, ngành văn hóa kịp thời can thiệp và giữ lại được để đến nay chúng ta có một công trình nghệ thuật điển hình của thế kỷ 17, đương nhiên anh chủ tịch xã lúc ấy đã bị kỷ luật. Cho đến nay, tinh thần ấy đáng lẽ phải tốt hơn thì cuối cùng lại sa sút đến mức thảm hại.

 Theo tôi, hiện nay chúng ta đang bị rơi vào một hiện tượng người ta hay nói là “thời buổi kinh tế thị trường”, nhiều người giàu lên, dùng tiền ấy để công đức.

Họ tưởng rằng công đức đình chùa làm cho mới là để gây công quả song nào có phải thế. Chúng ta cần phải giáo dục cho họ nhiểu là cần phải lấy Trí đức làm đầu, nhờ đó mới có Tâm đức, từ Tâm đức phải có Nhân đức và cuối cùng mới có Công đức.

Nhưng nay thì những điều trên họ không quan tâm, họ chỉ quan tâm đến công đức như một khoán ước với thần linh để được những điều lợi lộc cho chính mình, một hiện tượng như hối lộ thần linh.

Chính đồng tiền ấy làm méo mó nhận thức và đẩy đến việc tu bổ di tích như một “sự đã rồi”, hàng loạt chùa chiền bị xâm hại, bị xóa trắng, bị xây thành nhà cao tầng.

Chạm gỗ chùa Trăm gian cũ
Chạm gỗ chùa Trăm gian cũ

PV: - Hình như tình trạng đó đang rất phổ biến tại Hà Nội- mảnh đất ngàn năm văn hiến, điển hình như vụ chùa Trăm Gian hiện nay vẫn đang gây bức xúc trong dư luận?

Ông Trần Lâm Biền:- Vụ chùa Trăm Gian tôi sẽ phân tích kỹ hơn về sau. Đây chỉ là một cái được nêu lên thành một hiện tượng ầm ĩ chứ còn xưa nay rất nhiều di sản đã bị phá bỏ một cách thẳng thừng để dựng lên một cái nhà mấy tầng rồi gọi là “chùa mới”.

Một chùa mới được xếp hạng như Hội Xá (Long Biên) thì người ta xây dựng áp ngay chùa ấy một cái nhà hai tầng để chuyển lên, chùa cũ để mặc kệ cho tốc mái, mưa xuống ướt tượng. Rồi chùa Nga My (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện nay như một cái chùa Tàu, hay là chùa Võng Thị (Tây Hồ).

Sự can thiệp của ngành văn hóa không đủ sức chặn bàn tay để chùa Tảo Sách (Tây Hồ) tự do xây tam quan ba tầng mái. Tam quan chùa không bao giờ được phép làm ba tầng mái vì ba tầng mái chỉ gắn với vua, với quyền lực thế tục.

Ngành văn hóa đã can thiệp vào chùa Võng Thị nhưng mà Ban quản lý di tích họ cứ làm, hỏi đến quận thì họ bảo: “Chúng tôi lấy đâu ra lực mà cấm, đằng sau họ có một thế lực mạnh lắm”.

PV:-  Hiện nay có một thực tế trớ trêu, những người có chuyên môn thì hầu như không bao giờ được tiếp cận với ngân sách rót về tu bổ các di tích trong khi những người có sẵn tiền trong tay thì lại không có chuyên môn, và thế là chùa chiền phải “giơ đầu chịu báng”?

Ông Trần Lâm Biền: -  Những người quản lý di tích họ có rất nhiều tiền công đức, nhưng đó không phải là tiền họ lao động làm ra mà là những đồng tiền họ kiếm được nhờ di tích.

Họ tùy tiện chi tiêu theo ý muốn cá nhân của họ, cho dù ngành văn hóa có “thổi còi” thì họ nộp phạt, mất một ít tiền họ cũng chẳng tiếc, vì đó là tiền công đức mà. Trong khi đó không phải các bộ phận quản lý lại lúng túng trong vấn đề trách nhiệm.

Anh chính quyền xã thì chỉ nghĩ đến chuyện làm sao cho di tích khang trang, họ tưởng đó là thành tích chứ không phải tội lỗi. Và một khi hiểu biết pháp luật chưa ăn sâu vào các cơ sở, các tổ chức bảo vệ di tích như vậy thì làm sao tránh khỏi cảnh tượng chùa chiền bị xâm hại.

Khung gỗ chùa Trăm gian mới
Khung gỗ chùa Trăm gian mới

Phải truy cứu trách nhiệm hình sự

PV:- Vụ việc chùa Trăm Gian vừa rồi đã cho thấy, tới khi hữu sự thì mới ớ ra, một di sản quý như thế nhưng hệ thống pháp luật bảo vệ nó quá lỏng lẻo, từ trung ương xuống tới địa phương, hầu như chẳng ai có trách nhiệm gì. Phải chăng sự phân cấp quản lý của chúng ta đang vô hiệu?

Ông Trần Lâm Biền:-  Chúng ta không phân cấp không có nghĩa là trao cho một trách nhiệm tuyệt đối từ A đến Z,  sự phân cấp có mức độ khác nhau, không có nghĩa là giũ bỏ trách nhiệm với cấp dưới.

Văn hóa cũng vậy, có cơ quan văn hóa trung ương rồi đến Sở, đến phòng văn hóa huyện và có văn hóa xã. Bao giờ cũng vậy, dù cho di tích đó có giá trị đến đâu đi nữa, quản lý trực tiếp vẫn là anh xã, nói rằng giao trách nhiệm về chuyên môn thì chủ yếu là đến cấp huyện, bảo vệ trực tiếp là xã, phường.

Làm sao Bộ VHTTDL hay Sở VHTTDL có đủ người để quan tâm đến từng di tích một, theo thống kê ở nước ta có đến 40.000 di tích, khoảng trên 3.000 di tích đã được xếp hạng, không ai có thể quản lý hết được.

Tức là mọi sự có sự phân cấp nhưng là phân công trách nhiệm, cái tổ chức này cần phải được củng cố chứ không phải thay đổi, theo tôi là không thể thay đổi mà chỉ nên củng cố để làm cho nó tốt. Có nghĩa là trước hết, anh “đứng mũi chịu sào” là anh xã cần phải quan tâm hơn nữa.

PV:- Nhưng qua vụ việc cụ thể của chùa Trăm Gian, trong cuộc họp báo bất thường để “công bố sự thật” về vụ xâm hại, các cơ quan có trách nhiệm chỉ trả lời rất chung chung là “kết luận thế nào thì phải điều tra mới biết”, vậy thì người dân có quyền đặt nghi vấn về sự phân cấp quản lý và năng lực của họ hay không?

Ông Trần Lâm Biền:-  Theo tôi sự tổ chức phân cấp như vậy thì đúng, nhưng năng lực thì chưa bởi vì khi hành xử thì còn rất lúng túng. Sở dĩ có hiện tượng lúng túng ấy là vì một lý do rất rõ ràng, họ làm việc chỉ trên một chiếc gậy thôi, là pháp luật.

Giả dụ như chùa Trăm Gian khi người ta dỡ mà không phép thì là phạm pháp, nhưng phạm pháp đến đâu thì lại không biết. Chính trên cái nền, cái cơ sở phạm pháp ấy, anh nào cũng sợ trách nhiệm vì không biết rõ nó phạm pháp đến đâu.

Khi báo chí đưa lên, dư luận làm bức xúc xã hội thì các cơ quan đều quan tâm tới, tôi cho rằng trong sự thiếu bình tĩnh và rõ ràng trong nhận thức với di sản văn hóa chưa có bệ đỡ trí tuệ nên đã có sự lúng túng trong giải quyết.

Sở VHTTDL Hà Nội, huyện Chương Mỹ và xã không có anh nào  đứng ra chịu trách nhiệm chính. Thực sự xã chỉ là người quản lý trực tiếp nhưng không phải người quản lý về chuyên môn, họ chỉ là người bảo vệ và qua việc này, chúng ta phải chấn chỉnh bằng cách muốn giữ di sản phải có trí tuệ làm đầu.

Chỉ có cái bệ đỡ trí tuệ mới bảo đảm cho cái tâm vững chắc, tuệ và tâm sẽ bảo đảm cho những người làm những công việc này. Tôi thấy chỉ riêng Hà Nội mới song song có cả Ban Quản lý di sản và Phòng Di sản, hai có đó chính ra phải nhập với nhau làm một, còn để riêng còn tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Người ta nghĩ đến bản thân nhiều hơn di sản, dùng di sản như ghế để ngồi chứ không phải để tôn vinh di sản.

PV :- Qua rất nhiều những ví dụ ông kể trên về việc xâm hại di tích có thể thấy rõ ràng đó là sự vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, thế nhưng từ trước tới nay, có lẽ vi phạm Luật này là... an toàn nhất?

Ông Trần Lâm Biền:- Chùa không chỉ là một kiến trúc tôn giáo mà còn là biểu tượng của quá trình thống nhất quốc gia trong lịch sử, đó là một vấn đề cực kỳ lớn. Tín ngưỡng chỉ là một phạm trù, còn trong một ngôi chùa, nó còn là cả một thế giới lịch sử, văn hóa, nghệ thuật mà người Việt đã để lại dấu ấn, xóa bỏ nó là xóa bỏ những dấu tích có giá trị về lịch sử, nghệ thuật của quá khứ.

Xóa bỏ một ngôi chùa là một hành động vi phạm pháp luật, có tội với quá khứ, hiện tại và tương lai, chúng ta phải nâng niu từng mảng chạm của cha ông vì những mảng chạm chính là lịch sử.

Vi phạm vào nó là vi phạm pháp luật, tôi muốn đặt câu hỏi, tại sao những người vi phạm pháp luật ở các lĩnh vực khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà vi phạm vào các di sản văn hóa lại chưa ai bị truy cứu?

Theo tôi cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự của những người quản lý di tích nếu họ vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, còn phải nâng cao vấn đề giáo dục, không chỉ giáo dục về pháp luật mà phải tuyên truyền thế nào là giá trị của di sản văn hóa và sự giáo dục ấy phải đặt trọng tâm vào chính những người trực tiếp quản lý di sản.

Bây giờ nhân đây chúng ta buộc phải giảng dạy, phải có sự phối hợp với các tổ chức tôn giáo để đặt  vấn đề giáo dục Luật Di sản như một học phần chính mặc dù theo tôi, Luật Di sản còn rất nhiều điều “ấm ớ”.

Phải có hai bộ phận, một bộ phần là cái đầu và một bộ phận là cái gậy thì mới hoàn thiện được, phải có trí tuệ, nếu chỉ luật không thì chưa đủ, nó chỉ là một quyền lực đời thường thôi.

Chùa Trăm Gian là một cú đánh chưa trúng đích

PV:- Thưa ông, được biết ông vừa có chuyến khảo sát mức độ xâm phạm tại chùa Trăm Gian vào ngày 3/9, vậy ông có thể đánh giá thế nào về tình trạng hiện nay của chùa?

Ông Trần Lâm Biền:-Phải nhìn nhận một cách công bằng đánh giá hai kiến trúc nhà Tổ và gác khánh đó có giá trị như thế nào với toàn bộ ngôi chùa. Thực tế nó chỉ là kiến trúc phụ, nếu có kiến thức về văn hóa nghệ thuật thì người ta sẽ nhận thấy rằng nó không phải là cái đại diện cho ngôi chùa, tòa thượng điện mới chính là đại diện, gác chuông phía trước mới là đại diện.

Nó là kiến trúc phụ nhưng nó làm từ thời nào không ai biết, thực sự khi anh em chúng tôi quan tâm tới, nhìn nhận kỹ về nó thì mới thấy các kiến trúc bị dỡ ấy chỉ là sản phẩm được làm ở thời gian muộn.

Nhất là nhà Tổ chỉ được dựng lên có tính chất “tùy tiện” (?!), đứng về niên đại, kiến trúc ấy với kết cấu của nó và những hình thức sử dụng hoành (đòn đỡ mái), xà... thành phần kết cấu là sản phẩm của đầu thế kỷ XX và cùng lắm là cuối thế kỷ XIX, chẳng có cái gì là nghìn năm ở đây cả.

Có một cái nghìn năm ở đây là chỉ có tòa thượng điện thôi, mà cái tòa thượng điện ấy với phần chính là đúng là sản phẩm gốc có từ thế kỷ XVI trở về trước vì nền cao hơn tiền đường, đó là từ thời Lý đến thời Mạc.

Dấu tích nền thì thời Mạc còn ở những viên gạch vỡ, nay người ta đặt ở vị trí kính cẩn sâu nhất của thượng điện là vị trí chính tâm, dấu tích thời Lý thì không còn. Đương nhiên dấu tích về gỗ đã được sửa chữa, dấu tích thế kỷ XVII nằm ở gác chuông, thượng điện thì may là chưa ai động đến.

PV:-Vậy chúng ta phải “sửa chữa” vụ “sửa chữa” trái phép tại chùa Trăm Gian như thế nào?

Ông Trần Lâm Biền:-  Theo tôi, cái mà nhà chùa dỡ là thực sự hư hỏng, tuy nhiên chúng ta có thể sửa lại, chấn chỉnh lại cái sai lầm ấy – sai lầm không phép của nhà chùa.

Ở đây, kể cả cái nhà Tổ cơ bản được làm theo lối “bào trơn đóng bén” và mọi dấu tích nghệ thuật không vượt quá cuối thế kỷ XIX. Thực ra là hướng giải quyết là nhân chuyện này, chúng ta sẽ sửa cái kiến trúc cho đồng bộ với chùa.

Hôm 3/9 tôi có lên đó kiểm tra lại, tôi thấy đưa ra giải pháp thế này thì có lẽ thuận lòng mọi người nhất:

Thứ nhất là kiến trúc cũ không phải điển hình, nó chỉ có dáng thích hợp chứ kết cấu không đẹp, không đánh dấu được giá trị lịch sử rõ ràng, nó là sản phẩm người ta làm nên để thích ứng cho những nhu cầu của thời kỳ đầu thế kỷ XX. Rõ ràng giá trị của nó không cao, bởi đã được làm theo lối “bào trơn, đóng bén”, kết cấu không điển hình.

Tôi đề xuất như sau: Theo hướng từ dưới đi lên, dưới chân tảng còn cái nào thì ta sửa cái đó nhưng phải đồng bộ và thiếu cái nào thì ta tạc theo mẫu ấy để nó tương ứng cho đồng bộ.

Hiện nay, những chân tảng ở đây nó không phải là đài sen mà nó là lá sòi, chân tảng lá sòi trong trường hợp này là không phải vì lá sòi thường nằm ở diềm mái, ở bên trên cơ, còn cái đài sen thì nó hay nằm ở bên dưới, cho nên yếu tố âm phải là đài sen chứ không phải là đường diềm lá sòi.

Thứ hai, tôi nghĩ cái nền của nó phải đạt được chuẩn thông âm dương. Thứ ba là chất liệu của nó cũng như chất liệu cột gỗ của khung hiện nay có thể sử dụng được bởi những các gỗ cũ đã hỏng, giá trị không cao, không cần sử dụng lại vì giá trị lịch sử của nó khá thấp.

Phần ở giữa, các bàn thờ, trước đây người ta đã lấy gạch men của đời thường để lát bàn thờ thì nhân đây, chúng ta không sử dụng các gạch men ấy nữa vì nó thiếu sự tôn trọng.

Đối với phần mái ngói thì chọn lọc những con giống cho đầy đủ đồng thời sử dụng lại toàn bộ ngói cũ nhưng có chọn lọc bởi những ngói cũ ấy có đầy hoa văn có giá trị biểu tượng.

Ngói cũ ấy trước hết phải lợp cho gác khánh, còn bao nhiêu lợp cho nhà tổ, thiếu mới bổ sung bằng ngói mới, đương nhiên nên để ngói mới ở khuất, đó là cách giải quyết tốt nhất chứ chúng tôi nay tháo ra để đưa các cái đã xập xệ này vào thì không hay ho gì vì chẳng mấy chốc nó lại hỏng.

PV:-Vậy theo ông có cần truy cứu trách nhiệm hình sự vụ xâm hại di tích chùa Trăm Gian không?

Ông Trần Lâm Biền:- Vụ chùa Trăm Gian không đáng truy cứu, vì có nhiều di tích khác bị xâm hại đáng truy cứu hơn, họ còn xóa trắng luôn cơ mà.

Với tôi, việc phát hiện ra gác khánh và nhà Tổ cùa chùa Trăm Gian bị tháo dỡ trái phép, các cơ quan báo chí lên tiếng để báo động là tốt, nhưng bảo từ đó phải xử lý thì theo tôi là một cú đánh chưa trúng đích, vì nó nhiều công trình đã bị xóa trắng từ lâu rồi mà có ai bị sao đâu.  

Xin cảm ơn ông!                                                                                                                            

                                                                                              Theo: ( Phunutoday)  -   Mi An (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.507.303
Tổng truy cập: