VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
“Công đức” làm hại chùa (?!)
(Ngày đăng: 10/09/2012   Lượt xem: 555)

(Petrotimes) – Từ khi Nhà nước cho phép trùng tu, tôn tạo di tích bằng tiền xã hội hóa thì phong trào trùng tu mới thực sự nở rộ. Nhà nhà, người người quyên tiền công đức để trùng tu, nhưng nhiều khi tiền không đi kèm chuyên môn nên số di sản văn hóa bị... làm hại ngày càng nhiều. Dường như, việc trùng tu các di tích cổ chỉ để thỏa mãn sự hiếu thắng, háo danh của một số người.  

Xây cho chùa to, to mãi

Không thể phủ nhận rằng nhiều di tích đã xuống cấp, cần phải tu bổ, tôn tạo để chắc chắn hơn, tuy nhiên, nhiều người lại vin vào việc sửa chữa để phá đi xây chùa mới hoàn toàn. Điển hình là di tích ngôi chùa cổ Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội) có lịch sử hàng trăm năm bỗng dưng bị phá dỡ, dựng mới...

Tương tự, ngay trên mảnh đất xứ Đoài cổ mà chùa Trăm Gian tọa lạc, cả “núi” di sản bị làm mới, tàn phá, mà chẳng thấy ai bị xử lý. Đền Và (Sơn Tây), đình Mông Phụ (Sơn Tây), Thành cổ Sơn Tây... đều trùng tu sai, bị các báo, đài tố cáo, cơ quan chức năng hứa “sửa chữa khắc phục”, quyết định “đình chỉ thi công” một thời gian rồi lại thi công.

Trong những di tích đó, có di tích đã bị hư hỏng, nhưng cũng có di tích còn đứng vững được khoảng 50 năm nữa như Đền Và cũng bị những người có trách nhiệm “đòi phá”. Liên tưởng đơn giản, các di tích này giống như một ông già, mặc dù vẫn khỏe mạnh nhưng lại bị lũ con cháu “bắt” phải ốm và “bắt” phải vào viện khám chữa. Và tất nhiên, họ chẳng mất công xem xét, khám chữa gì mà “vật” các di tích nọ ra để “phẫu thuật”, đập phá.

Mặt tiền chùa Vạn Niên (Hà Nội) với loạt tủ kính để tượng phật, thánh, pháp bảo các loại trông rất khó hiểu.

Trong việc trùng tu, tôn tạo các di tích cổ, cần nói tới vai trò của những người trực tiếp quản lý ngôi chùa. Hiện nay trong giới tu hành, mà cụ thể hơn là trong tầng lớp "trụ trì" có 1 cuộc đua ngấm ngầm: Ai cũng muốn chùa mình "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Chùa của sư huynh đệ mình to 1, thì chùa mình cũng phải to 2, 3. Kể cả chùa không hỏng, không mối mọt, họ cũng hạ giải để “trùng tu”, tiện một công làm, phá đi xây lại cho “mới”, cho “hiện đại”.

Từ xưa tới nay, những ngôi chùa ở Việt Nam thường mang vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm và có phần u tịch. Đó là nơi các bậc tu hành cầu phúc cho thế gian, dẹp bỏ tham – sân – si, đó cũng là nơi con người tìm đến với sự thanh thản, bình yên. Thế nhưng hiện nay, nhiều ngôi chùa đang bị kéo vào cuộc “chạy đua” về quy mô và sự hoành tráng.

Muốn “chạy đua” được, các nhà chùa phải có tiền để trùng tu, tôn tạo lại chùa. Tiền đó có thể là ngân sách của tỉnh, thành phố trong sự án tu bổ du tích, đó có thể là tiền công đức của khách thập phương mà nhà chùa tiết kiệm được, và cũng có thể là tiền nhà chùa kêu gọi sự đóng góp, cúng dường của con nhang đệ tử.

Phật tử hay những người mộ đạo đều rất thiện tâm và rộng lòng với những mong mỏi của nhà chùa, và tiền cứ ào ạt đổ vào để mong “trùng tu” lại di tích. Và thế là, một khi có tiền trong tay, nhiều ban quản lý di tích thoải mái xây dựng kế hoạch xây cất ngôi chùa vốn giản dị, thâm nghiêm thành ngôi nhà xi măng nhiều tầng, thô kệch và lạc lõng.

Để xứng với những thứ hiện đại của ngôi chùa mới, những cấu kiện cổ, những thanh kèo, cột, những viên đá lát cổ được bán tống bán tháo hay bị vứt đi không thương tiếc. Thay vào đó là những xi măng, gạch vữa, những bức tượng Phật xanh đỏ đủ màu. Âu cũng là sự hi sinh của lịch sử để đón chào tương lai, mặc dù tương lai này quá lai căng và lòe loẹt.

Xin đừng “thương mại hóa” việc trùng tu

Nhà nghiên cứu di sản văn hóa dân gian Trần Lâm Biền cho biết: “Rất nhiều di sản đã bị phá bỏ một cách thẳng thừng để dựng lên một cái nhà mấy tầng rồi gọi là “chùa mới”. Một chùa mới được xếp hạng như Hội Xá (Long Biên, Hà Nội) thì người ta xây dựng áp ngay chùa ấy một cái nhà 2 tầng để chuyển lên, chùa cũ để mặc cho tốc mái, mưa xuống ướt tượng. Rồi chùa Nga My (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện nay như một cái chùa Trung Quốc, hay là chùa Võng Thị (Tây Hồ) sau khi trùng tu xuất hiện hàng loạt những chiếu rồng, lư hương bằng đá trắng nhễ nhại. Sự can thiệp của ngành văn hóa không đủ sức chặn bàn tay để chùa Tảo Sách (Tây Hồ) tự do xây tam quan 3 tầng mái”.

Chắc hẳn quan niệm về việc trùng tu, tôn tạo của những nhà văn hóa và những người trực tiếp quản lý di tích có độ “vênh” nhất định. Vì thế, việc ồ ạt phá dỡ và xây mới các ngôi chùa cổ hiện đang diễn ra một cách công khai, chóng vánh mà không bị bất kỳ cơ quan có trách nhiệm nào ngăn cản.

Thiếu tiền thì đề nghị cấp từ ngân sách của tỉnh, của thành phố, “vội” quá thì lấy tạm tiền công đức, còn chưa đủ, không sao, có thể đi vay. Cứ như thế, họ dùng những đồng tiền thiện tâm của những Phật tử, những người mộ đạo vào việc phá hoại và “xóa xổ” những ngôi chùa cổ. Họ mang đến cho những di tích bộ mặt nhem nhuốc, lòe loẹt và lai căng, có lẽ chỉ phục vụ cho công cuộc “chạy đua” xây chùa không mệt mỏi.

Gác chuông chùa Trăm Gian - một thành tố có giá trị của chùa vẫn còn nguyên vẹn

Để trùng tu những di tích cổ như nguyên trạng thật khó, điều này cần kiến thức, sự kiên nhẫn cùng một cái “tâm” với Phật pháp, với truyền thống. Thế nhưng, có những người mang danh “trùng tu” chỉ biết phá cái cũ và xây cái mới, không quan tâm tới lịch sử và tổng quan của di tích cổ. Họ đã thương mại hóa chính niềm tin và đời sống tâm linh của dân tộc mình.

Sự việc ở ngôi chùa Trăm Gian cũng cho thấy sự thiếu kiến thức, cũng như thiếu cái “tâm” với di tích có lịch sử hàng trăm năm. Bởi gần 3 tháng sau khi gác Khánh và nhà Tổ đã bị hạ giải xong xuôi thì các cơ quan chức năng mới “hô nhau” vào cuộc; và có thể, mọi sự sửa chữa hiện nay chỉ là để thu vén cho “cái đã rồi” mà thôi.

Họ chỉ muốn xây chùa thật to, thật hiện đại mà quên mất rằng việc quan trọng của người tu hành là đưa Phật pháp thấm sâu vào lòng dân. Là người tu hành, đáng ra phải tu cho mình, tu cho người, thì lại ham muốn những cái hư danh, phù phiếm.

Vương Tâm

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.507.380
Tổng truy cập: