VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Chuyện ở làng rèn vùng biên
(Ngày đăng: 10/09/2012   Lượt xem: 1521)

Làng rèn dao Phúc Sen của huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) - một trong những làng rèn lâu đời ở vùng núi Tây Bắc. Nhưng ngoài câu chuyện nghề, chuyện kinh tế đi lên nhờ nghề rèn, qua lời kể của các bậc cao niên và những chủ lò rèn trong xã, chúng tôi thấy lo lắng một điều: Giờ đây làng rèn không chỉ sản xuất dao, búa liềm hay nông cụ nhà nông, mà giờ đây còn sản xuất cả đao kiếm và những vũ khí sát thương. Từ những loại vũ khí này mà tình hình an ninh trật tự trong vùng cũng có phần bị ảnh hưởng.

Làng rèn đi qua 3 thế kỷ.

Theo lời ông Linh Văn Phù, Chủ tịch UBND xã thì nghề rèn đã tồn tại ở Phúc Sen khoảng 300 năm nay. Trước kia các lò rèn trong xã chủ yếu là rèn dao và các dụng cụ cơ khí cung cấp hầu hết cho các tỉnh Tây Bắc, nhưng độ chục năm trở lại đây nghề nông phát triển, các lò quay sang sản xuất nông cụ phục vụ bà con nông dân.

Ghé chân vào một xưởng rèn ngay đầu làng chúng tôi gặp cụ Mà Văn Định, 80 tuổi, dù chưa phải là người cao tuổi nhất ở Phúc Sen, nhưng cụ Định là người già nhất trong làng còn “quai búa” được.

Cụ cho biết, khi bắt đầu lên 9, 10 tuổi, cụ đã theo cha vào xưởng, ở xưởng rèn có rất nhiều việc vặt cho trẻ con. Cậu bé Định lúc đó được giao cho việc quạt lò thúc bễ, lớn chút nữa thì bắt đầu tập quai búa.

Cụ kể, thời thanh niên, cụ là thợ quai búa khoẻ nhất nhì làng, có đêm một mình cụ có thể làm hàng chục chiếc xẻng gửi ra tiền tuyến cho dân công các tỉnh đi mở đường. 80 tuổi đời với 70 tuổi nghề, cụ được mọi người trong làng gọi là “lão búa”.

Bằng kinh nghiệm của mình, có những lúc chỉ cần ngửi một thanh sắt, cụ có thể biết dùng nó vào việc gì, nên rèn dao hay rèn liềm. Thậm chí, với một khối sắt lớn, cụ còn có thể định được thời gian chính xác nung trong lò bao lâu thì chín.

images744327_Chuyen_lang_tho_ren_vung_bien_phunutoday.vn_2.jpg

Theo lời ông Linh Văn Phù, Chủ tịch UBND xã thì nghề rèn đã tồn tại ở Phúc Sen khoảng 300 năm nay

Trong nghề rèn, việc quai búa chỉ dành cho thanh niên là chính. Nhưng dù  đã bước sang tuổi 80, cụ Định vẫn còn dư sức để một mình rèn cả chục con dao đi rừng trong thời gian ngắn nhất.

Thấy chúng tôi - những vị khách lạ tròn mắt ngạc nhiên trước những lời nói của mình, cụ Định tủm tỉm cười rồi đứng lên gắp một thanh sắt nhỏ cho vào lò, độ mươi phút sau với sức nóng của lửa, thanh sắt đỏ rực như một cục than.

Nhờ đứa cháu đứng gần đó giữ thanh sắt đã được nung đỏ, cụ cầm chiếc búa tạ nhịp nhàng đập cho đến khi mồ hôi nhỏ từng giọt và bết lại nơi vầng trán đã nhăn theo thời gian thì một con dao đi rừng đã được rèn xong.

Cầm trên tay con dao vẫn còn nóng và thơm mùi sắt mới, cụ bảo: “Ngày còn trẻ chỉ độ 30 nhát búa là tôi đã có một con dao, nhưng giờ già rồi phải lâu hơn. Nghề rèn tuy vất vả nhưng nó ổn định.

Trai tráng trong làng lớn lên đều biết làm nghề và theo nghề của gia đình. Mà cũng chỉ có con trai Nùng mới làm được vì nghề này cần sức khoẻ. Ở đây thanh niên ai học giỏi thì thoát ly đi học hành, công tác ở trên tỉnh, số còn lại hầu hết là ở nhà làm nghề”.

Nhìn sang các lò bên cạnh, chúng tôi thấy rất đông thanh niên, có cả các em trạc 14, 15 tuổi. Hỏi chuyện em Nông Văn Tiến, 15 tuổi, đang quai búa, chúng tôi được biết, hiện làng nghề có rất đông những tay thợ trẻ, thậm chí có em mới 11,12 tuổi đã trở thành thợ.

images744328_Chuyen_lang_tho_ren_vung_bien_phunutoday.vn_3.jpg

Sở dĩ các sản phẩm dao, búa, liềm của Phúc Sen được mọi người biết đến đều do chủ yếu được làm bằng tay, tuy nước sắt chưa được sáng nhưng độ bền và độ sắc thì chắc chắn ít có làng rèn nào bì kịp.

Các em làm thêm trong các lò rèn sau mỗi buổi lên lớp để kiếm tiền ăn học và phụ giúp cha mẹ có thêm thu nhập. Hỏi Tiến có định theo nghề khi lớn lên không, em cười nói: “Nhà em nghèo, bố rồi anh trai đều làm trong các xưởng rèn, em học cũng bình thường, chắc sau này cũng làm nghề rồi lấy vợ thôi”.

Lang thang một lúc quanh xã chúng tôi đếm sơ sơ cũng trên 160 lò rèn “dã chiến” có mặt ở Phúc Sen. Mỗi lò rèn trung bình cần trên 10 người thì số thợ cũng ngót ngét 2000 nhân lực. Mỗi ngày, làng rèn sản xuất ra hàng nghìn sản phẩm như: dao, búa, rìu, liềm và các nông cụ phục vụ nông nghiệp.

Nghề rèn truyền thống cũng đang giải quyết cho số đông lao động tại địa phương có việc làm và tăng thêm thu nhập.

Từng dỡ máy móc ra để rèn dao búa

Nhìn những thanh niên người Nùng mồ hôi nhễ nhại, cơ bắp nổi cuồn cuộn đang nhịp từng nhát búa xuống miếng sắt vừa được rút từ trong lò ra, bên cạnh là những chiếc máy mài sắt bị tháo dang dở, phụ tùng vứt chỏng chơ dưới đất, chúng tôi không khỏi thắc mắc, những chiếc máy kia nhìn bên ngoài vẫn còn rất mới, không biết vì sao lại bị dỡ ra như vậy.

Điều băn khoăn của chúng tôi được anh Nông Văn Vi, một chủ lò giải thích: “Mấy năm trước, các lò rèn cũng thi nhau mua máy móc, thiết bị hiện đại về để phục vụ sản xuất, máy dập sắt thay cho búa đập, máy mài lưỡi dao thay cho đá mài và nhiều thiết bị hiện đại khác.

Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì máy móc đành phải xếp xó vì sản phẩm làm ra không được như ý. Dao chỉ dùng một thời gian là cùn, khách hàng chê nên mọi người đành dừng lại. Không biết làm gì với đống máy móc giờ trở thành sắt vụn, mọi người bàn nhau tháo từng bộ phận ra cho vào nung chế thành dao, búa hết”.

images744329_Chuyen_lang_tho_ren_vung_bien_phunutoday.vn_1.jpg

Ngoài việc rèn dao búa và các loại nông cụ, làng nghề Phúc Sen hiện nay còn sản xuất nhiều mặt hàng khác. Không ít lò rèn còn sản xuất kiếm, mã tấu các loại.

Giải thích cho việc dỡ máy ra làm nguyên liệu, ông Linh Văn Phù, Chủ tịch xã Phúc Sen cười bảo: “Dân chúng tôi không quen cách sử dụng máy, hơn nữa dao búa làm phải làm thủ công vì chỉ có làm bằng tay thì chất lượng mới đảm bảo được.

Sở dĩ các sản phẩm dao, búa, liềm của Phúc Sen được mọi người biết đến đều do chủ yếu được làm bằng tay, tuy nước sắt chưa được sáng nhưng độ bền và độ sắc thì chắc chắn ít có làng rèn nào bì kịp.”

Rèn cả đao kiếm

Ngoài việc rèn dao búa và các loại nông cụ, làng nghề Phúc Sen hiện nay còn sản xuất nhiều mặt hàng khác. Theo quan sát của chúng tôi, không ít lò rèn còn sản xuất kiếm, mã tấu các loại.

Rất nhiều kiếm dài, kiếm ngắn ngổn ngang trong góc xưởng. Thậm chí, họ còn làm cả bao kiếm bằng gỗ để người sử dụng dễ cầm. Khi thấy chúng tôi có ý định hỏi mua, một thợ rèn ở cuối xã cho biết:

Hầu hết số kiếm trên đều được làm theo đơn đặt hàng, mỗi tháng lò nhà anh cũng xuất được khoảng 100 sản phẩm gồm cả kiếm và mã tấu. Nếu mua nhiều sẽ được chiết khấu. Khi được hỏi làm thế nào để qua mặt được các cơ quan chức năng lúc vận chuyển, anh cười bảo:

“Từ khi chúng tôi sản xuất đến giờ, khách mua chưa bao giờ bị công an hỏi cả, hầu hết họ thường vận chuyển vào ban đêm và chủ yếu là đi đường mòn, đường tắt tránh quốc lộ”.

Anh này còn cho biết thêm, người đặt hàng mua hàng chủ yếu ở huyện biên giới như Trùng Khánh, cũng có khi có người trên thị xã xuống đặt mua với giá cao. Còn cánh lái buôn thỉnh thoảng tìm đến khi có khách dưới xuôi đặt hàng vì dao, kiếm ở đây chủ yếu làm bằng tay nên khách rất thích.

Qua một số lò rèn khác ở các bản, chúng tôi cũng thấy khá nhiều lò sản xuất “hàng nóng”, thậm chí cả giáo mác và các thanh long đao. Anh Nông Văn Vi cho biết:

“Công việc chính của các lò là sản xuất dao, búa và nông cụ, nhưng mấy năm gần đây rất nhiều khách tìm đến đặt làm đao kiếm. Làm hàng này giá cao, lại bán dễ nên ở đây lò nào cũng làm. Ai đặt gì chúng tôi làm nấy, người ít thì một, hai thanh đao, kiếm, người nhiều thì cả chục thanh, chẳng bao giờ tôi hỏi họ mua về làm gì”.

Nghe anh nói và nhìn đống đao kiếm xếp nơi góc xưởng, chúng tôi tự hỏi, một số ít trong đó được các tay chơi mua về sưu tầm, vậy số còn lại sẽ đi đâu và sử dụng vào mục đích gì?

Khi đặt vấn đề trên với ông Linh Văn Phù – Chủ tịch UBND xã Phúc Sen thì được ông giải thích rằng: “Chuyện các lò rèn trong xã ngoài sản xuất dao, búa nông cụ còn làm thêm cả đao kiếm xã có biết. Nhưng chủ yếu họ làm để treo trên ban thờ hoặc bán cho những người mua về sưu tầm. Còn chuyện thanh niên trong xã mua bán đao kiếm để gây án là không có”.

Chúng tôi tiếp tục tìm đến ông Nguyễn Như Hoan - Phó trưởng Công an huyện Quảng Uyên thì được ông cho biết:

“Tình hình an ninh trật tự trong huyện tuy có những diễn biến phức tạp nhưng chưa hề xảy ra các vụ đánh nhau hay án mạng nghiêm trọng liên quan đến đao kiếm được sản xuất ở làng rèn Phúc Sen. Nhưng tới đây chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con hiểu về vấn đề sản xuất đao, kiếm và những vũ khí sát thương” .

Rời trụ sở ủy ban xã, chúng tôi tiếp tục dạo quanh các lò rèn. Điều đáng nói là hàng ngày, hàng giờ các lò rèn ở đây vẫn cho ra lò hàng lô các sản phẩm mang tính sát thương mà không được chính quyền địa phương kiểm tra xem xét.

Thiết nghĩ Ủy ban Nhân dân xã Phúc Sen cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền để bà con nhân dân hiểu được tác hại của việc sản xuất đao kiếm, vì vô hình trung họ đã và đang tiếp tay cho tội phạm qua những thanh đao thanh kiếm đang núp dưới danh nghĩa đồ thờ, đồ sưu tầm kia.

Theo báo phụ nữ

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.507.459
Tổng truy cập: