VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Tan hoang di tích quốc gia Ngu Nhuế
(Ngày đăng: 10/09/2012   Lượt xem: 561)

Câu chuyện về Chùa Trăm Gian còn chưa ‘nguội’ thì mới đây người ta lại phát hiện thêm một di tích quốc gia bị xâm hại. Di tích quốc gia Đình Ngu Nhuế đã bị hạ giải toàn bộ, thậm chí, đơn vị thi công còn dựng đình mới ở cách vị trí đình cũ gần 20m. Xem ra, câu chuyện coi thường Luật Di sản còn diễn ra quá nhiều ở các địa phương.

Không còn dấu tích cũ

Đình Ngu Nhuế (thôn Vĩnh An, xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) được khởi dựng từ thế kỷ XI, thờ đô đốc tướng quân Lê Bá Đại. Tương truyền, đây là vị tướng quân theo Thái úy Lý Thường Kiệt đánh trận trên sông Như Nguyệt. Năm 1989, Đình Ngu Nhuế được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, dấu tích của một công trình kiến trúc nghệ thuật quốc gia đã không còn. Nhân danh trùng tu di tích, đình cũ đã hoàn toàn bị “xóa sổ”. Lãnh đạo xã Vĩnh Khúc còn chuyển đình mới vào vị trí sâu hơn, cách nền đình cũ gần 20m.

rez_702_anh 1.jpg

Di tích Ngu Nhuế trước khi “bị” trùng tu…

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện đình cũ chỉ còn lại chút dấu tích là tòa Hậu cung đã xập xệ, được phủ bạt tạm bợ. Trên nền đình cũ còn sót lại duy nhất một bệ cột bằng đá. Những cột gỗ có chạm khắc chữ Hán được người dân cho biết là công ty thực hiện hạ giải đã bỏ đi nên người dân xếp lại và yêu cầu xã phủ bạt che nắng mưa.

Anh Nguyễn Quốc Phòng -  một người dân ở địa phương đưa chúng tôi vào tận Hậu cung-nơi mà phải kiên quyết lắm người dân nơi đây mới giữ được, vừa chỉ cho chúng tôi xem từng hoa văn rồng phượng, từng nét trạm trổ tinh vi còn sót lại giữa một đống đổ nát, anh vừa lắc đầu tiếc nuối: “Ngói cổ chỉ còn một số thôi, còn nát hết rồi. Khấu kiện cắt bỏ, đầu rồng cũng bị cắt. Chúng tôi ra Bộ VHTTDL kiện thì Bộ cũng bảo là ai cho các ông tháo dỡ ra? Vì vậy, dân mới cho Ban kiến thiết này nghỉ vì có dấu hiệu tham nhũng. Sau khi Bộ có quyết định dừng nhưng họ vẫn cố thi công. Đến khi làm mạnh thì Cục Di sản về, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải về thì họ mới thôi. Những khấu kiện như thế này chúng tôi thấy xót xa quá nên bê vào rửa và che đậy lại thì họ lại chửi chúng tôi. Trong khi những mắt rồng đã bị lấy mất”.

Theo nhiều người dân ở đây cho biết, nhiều hiện vật quý đã bị mất trong quá trình hạ giải ngôi đình như: 8 mắt rồng bằng đá quý, các đạo sắc phong…. Trong quá trình thi công, các râu rồng ở các vỉ kèo, cột đều bị cưa cụt đi để vừa với cột đình mới. Đình mới gần như không còn dấu tích của kiến trúc cũ.

Điều đáng nói là, một bộ phận lớn người dân không đồng tình với việc chuyển vị trí đình, dựng đình mới nên đã dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Đình cũ đã tan hoang, việc dựng đình mới cũng dở dang khiến người dân Vĩnh Khúc không có đình để thực hiện tín ngưỡng suốt hai năm qua. Bức xúc trước sự xâm hại di tích nghiêm trọng này, ngày 21/8/2012, 137 hộ dân ở Vĩnh An đã làm đơn kiến nghị chuyển di tích về vị trí cũ lên Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên.

Vì đâu nên nỗi?

Theo phản ánh của người dân địa phương, chúng tôi được biết, năm 2011, nhận thấy di tích quốc gia đình Ngu Nhuế bị xuống cấp, UBND huyện Văn Giang đã cấp 20 triệu đồng để chống xuống cấp cho đình Ngu Nhuế. Sau đó, Sở VHTTDL Hưng Yên cấp kinh phí trùng tu cho đình Ngu Nhuế là 100 triệu đồng, cùng với nguồn công đức từ nhân dân được gần 500 triệu đồng, đình Ngu Nhuế được trùng tu từ tháng 7/2011 do UBND xã Vĩnh Khúc làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là công ty Thành Đông (TP Hải Dương).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không hiểu vì lý do gì, lãnh đạo xã Vĩnh Khúc và đơn vị thi công đã hạ giải toàn bộ ngôi đình làm sai lệch kiến trúc cũ, thậm chí chuyển vị trí đình mà chưa có sự đồng ý của cơ quan có trách nhiệm.

Sự việc chuyển đình Ngu Nhuế khiến mâu thuẫn trong người dân Vĩnh An nảy sinh. Một bộ phận đồng ý, một bộ phận không đồng tình khiếu kiện kéo dài vì cho rằng có dấu hiệu tham nhũng của lãnh đạo xã Vĩnh Khúc.

Anh Nguyễn Văn Thuận- Thanh tra cơ sở của xã cho biết: “Không những sai luật Di sản, việc làm ngôi đình mới còn có dấu hiệu của tham nhũng. Sau khi người dân kiểm tra thì mới thấy thất thoát: báo mua 22 khối gỗ thì thiếu mất 3 khối gỗ. Gỗ ở đây chợ Đường Cái bán giá có 12,5 triệu nhưng họ mua ở đâu, báo là 16,8 triệu. Khi  điều tra thì gỗ mua về không khác gì gỗ ở đây. Chưa kể, trong 19 khối gỗ mới kia còn có 2 cây gỗ mục không dùng được”.

rez_215_anh 2.jpg

 …giờ tan hoang

Tháng 5/2012, Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục Di sản Văn hóa đã gửi công văn yêu cầu Sở VHTTDL Hưng Yên báo cáo UBND tỉnh Hưng Yên về sự việc này. Ngày 25/7/2012 Bộ VHTTDL đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên về việc chỉ đạo, xử lý làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở địa phương về việc tự ý hạ giải, dịch chuyển di tích đình Ngu Nhuế. Sau đó, UBND tỉnh thừa nhận: “Theo báo cáo của Sở VHTTDL, việc tự ý hạ giải, di chuyển vị trí ngôi đình đã thực hiện từ trước khi Sở VHTTDL trình đề nghị UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến Bộ VHTTDL. Việc làm này đã vi phạm pháp luật về di sản văn hoá, vi phạm nguyên tắc bảo tồn di tích, có tác hại lớn đến giá trị nghệ thuật, kết cấu, kiến trúc nghệ thuật của di tích; mặt khác còn ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương”.

rez_457_anh 3.jpg

Và đình mới ở vị trí mới

Để hiểu rõ hơn về sự việc di tích cấp quốc gia gần nghìn năm tuổi bị khai tử một cách trắng trợn, chúng tôi tìm đến UBND xã Vĩnh Khúc cách đó không xa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Năng- Chủ tịch UBND xã đã tìm mọi cách để từ chối nói chuyện cũng như cung cấp thông tin. Đến tận nhà riêng của ông, thì ông cho rằng: “Xã đang làm kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm theo chỉ đạo của trên với phương châm tạo sự đồng thuận cao và ổn định tình hình chính trị địa phương”.

Câu chuyện Chùa Trăm Gian- một di tích quốc gia bị “làm mới” còn chưa dứt thì đình Ngu Nhuế- di tích quốc gia khác bị hạ giải toàn bộ, dựng mới hoàn toàn ở địa điểm khác khiến chúng tôi kinh ngạc. Kinh ngạc bởi trình độ quản lý của những cấp lãnh đạo xã, huyện, kinh ngạc bởi di sản cứ bị đối xử thô bạo liên tiếp như thế mà chưa có một hình thức khả dĩ nào để hạn chế. Phải chăng, Luật Di sản đang bị xem nhẹ hay thậm chí chưa được đưa vào thực tiễn!./.

Theo báo tổ quốc

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.506.800
Tổng truy cập: