VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
(85)- Gốm Bàu Trúc trong mạch sống tâm linh người Chăm
(Ngày đăng: 07/09/2012   Lượt xem: 2937)

(langnghevietnam.vn)- Có một loại gốm đất nung đã trở thành một chất liệu đi vào cuộc sống dân gian và đã tạo lập một thế giới riêng, góp phần làm nên Hồn Việt, đó là gốm Bàu Trúc. Những vật dụng gốm nung rất dân dã, gần gũi tự bao giờ đã mang trong nó giá trị thiêng liêng bền vững lạ thường bởi sợi dây liên kết bền chặt với mạch sống tâm linh của người bản địa đất này.

Hồn đất, hồn gốm

Gốm Bàu Trúc là loại Gốm Chăm truyền thống được sản xuất ở làng nghề Bàu Trúc, làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á. Làng gốm cổ truyền Bàu Trúc có lịch sử hình thành từ đời vua Minh Mạng năm 1832, nằm ven quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Phước Dân (Ninh Phước - Ninh Thuận), cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km về hướng Nam. Nghề làm gốm nơi đây, do ông Pôklông Chanh khởi tạo từ ngàn xưa, ông là một trong những vị tổ sư của nghề gốm từ thời xa xưa và được dân làng giữ đến ngày nay. 

Người Chăm ở làng Bầu Trúc có cách làm gốm rất đặc biệt. Từ lúc còn là thớ đất cho đến khi tạo nên sản phẩm là cả một quá trình rất kỳ công, vất vả. Nguyên liệu làm gốm phải được tạo nên từ các hạt cát nhỏ, mịn, màu vàng nhạt trộn với đất sét có độ kết dính cao, phải được lấy từ loại đất ruộng ở đồng làng Bàu Trúc pha trộn với cát vàng lấy từ sông Quao (là con sông bồi đắp phù sa cho cánh đồng) để tạo ra xương gốm. Nguyên liệu làm gốm là đất sét mịn, có độ dẻo cao được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, sau đó nhồi với cát trắng hạt nhỏ theo tỷ lệ nhất định. Ngoài ra, các nghệ nhân không dùng bàn xoay như các nơi khác mà dùng đôi bàn tay để nặn ra những sản phẩm độc đáo.

anh 1.jpg

Ngắm nhìn nghệ nhân tỉ mỉ, uyển chuyển tạo hình từng sản phẩm gốm, cảm tưởng như ở ngôi làng nhỏ này, nghệ thuật và cuộc đời hòa quyện thành một.

Để tạo một dáng Gốm hoàn chỉnh phải trải qua 6 công đoạn: Làm đất - Nặn hình - Chà láng gốm - Trang trí hoa văn - Chỉnh sửa gốm - Nung gốm. Gốm Bàu Trúc là làng nghề duy nhất được chế tác theo phương thức thủ công truyền thống, người làm gốm xoay xung quanh hòn kê, không dùng bàn xoay, dân gian ví von rằng “nặn bằng tay, xoay bằng đít”. Không dùng bàn xoay như một công cụ thiết yếu để nặn gốm, các nghệ nhân Chăm vẫn dựa vào đôi bàn tay khéo léo của mình và những công cụ thô sơ mà tạo nên sản phẩm. Dường như những người phụ nữ Chăm đều có năng khiếu thiên phú cảm nhận đặc biệt qua đôi bàn tay về sự đều đặn tròn trịa, để đôi tay của họ có thể thay được cả chiếc bàn xoay trên mỗi bước vừa đi quanh vừa nặn gốm. Dấu bàn tay, móng tay để lại trên mỗi sản phẩm vì thế cũng trở nên những hoa văn trang trí.

Khác những loại gốm ở nhiều làng khác, gốm của làng gốm Chăm Bàu Trúc không tráng men, không kén nguyên liệu cao lanh, cũng không có lò nung bằng than hay bằng gas. Sản phẩm gốm của Bàu Trúc được tạo nên bằng đất nguyên sơ của quê hương rồi đem đốt cũng bằng rơm bằng trấu của chính mảnh đất này. Vật liệu dùng để nung gốm là củi, phân trâu bò khô, rơm rạ, trấu. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên ở nhiệt độ lên đến 9000C trong vòng 5- 6 giờ, sau đó được lấy ra để phun màu (loại màu này được chiết xuất từ trái dông, trái thị ở trên rừng) rồi được tiếp tục nung lại trong vòng 2 giờ. Vì vậy, gốm Bàu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo "lung linh của nền văn hóa Chămpa".

Các công đoạn phơi đất, ngâm đất, trộn cát, se đất thành lọn... đến tạo dáng, trang trí sản phẩm trước khi nung ngoài trời đều được các nghệ nhân làm thủ công bằng tay hay chân. Giữa cuộc sống mới với những tiện nghi hiện đại, nhưng người thợ gốm Bàu Trúc vẫn giữ nguyên vẹn các công cụ đã từng được sử dụng để làm gốm truyền thống. Vì thế gốm Bàu Trúc luôn mang nét đẹp mộc mạc, truyền thống, không giống những sản phẩm gốm dây chuyền hiện đại. Trong mỗi sản phẩm đều thể hiện dấu ấn bàn tay người thợ nên hơi thở của gốm thật sinh động và gợi cảm hứng cho người thưởng thức.

Nghệ thuật và cuộc đời hòa quyện vào một

Gốm Bàu Trúc trung thành với các kiểu dáng quen thuộc nồi, niêu, khương, hủ, dụ, thạp… Trong điều kiện cạnh tranh của nền kinh tế hiện đại, giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế của gốm đất nung không cao, thợ làm gốm chủ yếu là phụ nữ trong những lúc nông nhàn, và các sản phẩm gốm gần như mang tính “tự cung tự cấp”. Thế nhưng, như một mạch sống bền vững, gốm đất nung Bàu Trúc đang dần hồi sinh và mặt hàng gốm mỹ nghệ đang phát triển, sánh vai với các loại gốm khác trên thị trường.

anh 3333.jpg

Người Chăm có văn hóa tín ngưỡng đa thần và nhiều lễ tục với 85 lễ tục và 115 vị thần. Suốt hành trình từ lúc sinh ra cho đến mất đi, qua những sinh hoạt cuộc sống thường ngày, gốm đất nung truyền thống Bàu Trúc luôn hiện diện như một niềm tin trong tâm thức, như là sự hiện hữu của Mẹ Xứ Sở: Gốm trong nghi thức cúng tế, kiêng kỵ, trong hôn nhân, trong mơ ước no đủ, trong tẩy uế, trong nghi thức tang ma, mồ mả, hoả thiêu… Trong các nghi thức, kể cả tắm thần Silva vào dịp lễ Katê (tết người Chăm vào tháng 10 Dương lịch hàng năm), cho dê uống nước, giết dê tế thần… và nhiều lễ tục khác… Khởi sinh từ đất, tẩy sạch nhờ đất, tiếp sức từ đất, về lại theo đất… một vòng đời khép kín, nhưng không phải là sự khép kín của chấm dứt mà là vòng tròn khép kín bất tận. Mạch sống tâm linh ấy đã mang lại cho Gốm đất nung Bàu Trúc giá trị vẻ đẹp cuộc sống vĩnh hằng…

21.jpg

22.jpg

23.jpg

Những đôi tay tài hoa của những mẹ, những chị như bén chặt vào từng dẻo đất vàng nâu, âu yếm, say mê và nâng niu đất như đứa con của mình. Cứ thế mà gắn bó với đất, với gốm, với lửa như một mối dây ràng buộc không rời. Người thợ gốm hồn nhiên sống và làm, như thể sinh ra để làm gốm, gắn bó và buồn vui với gốm. Truyền thống bao đời của tổ tiên cùng những quy luật của nghệ thuật tạo hình gốm Bàu Trúc được truyền nối như thế. Sản phẩm gốm đã không đơn thuần là những vật dụng trong đời sống hàng ngày nữa, mà chúng còn là sự hòa quyện giữa nghệ thuật và cuộc đời, mang ý nghĩa tâm linh, nét đẹp của xứ Chàm nắng gió.

ANH 444.jpg

Từ bàn tay tài hoa của người thợ gốm, tự thân mỗi sản phẩm đều mang những vẻ đẹp lạ kỳ: Ngoài thì thô ráp mà bên trong ẩn tàng tinh xảo; trong u mặc lại chất chứa cái khoáng đạt chân chất; vừa hồn nhiên tinh khôi đó mà cũng rất huyền ảo thâm trầm…

Sức sống phát triển diệu kỳ của gốm đất nung truyền thống Bàu Trúc đã khiến cho làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ của khách du lịch trong và ngoài nước, mà còn là của nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa. Tuy mộc mạc đơn điệu nhưng gốm truyền thống thủ công Bàu Trúc của người Chăm vẫn mãi tồn tại cùng với những giá trị văn hóa mà nó mang theo.

Trang Nguyên ( tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.468.708
Tổng truy cập: