Riêng nói về đá, xã Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) chưa phải
là nhất nhưng xét về nhà đá thì phải là số 1. Cả xã chỉ có vài căn nhưng quý
hơn vàng hơn bạc, ấy thế mà có tin đồn "dân bán nhà đá". Hỏi ra, ai
cũng bảo: Không bán, chẳng ai dại đi bán "báu vật" cha ông để lại.

|
Nhà đá của cụ Lương Văn
Tiệp làm từ năm 1934, được coi là đẹp nhất Ninh Vân
|
Ba ngôi nhà đá
Đầu xã Ninh Vân bụi mù mịt, bụi đá theo gió quẩn tung khắp làng trên xóm dưới.
Tiếng máy đục, máy xẻ, máy bào, máy cắt rèn rẹt khét lẹt như cao su bị cháy.
Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng ban Quản lý làng nghề đá Ninh Vân đội mũ bảo hiểm
kín hàm, kéo kính kín cằm với tay ra hiệu cho chúng tôi "thoát tâm bão
bụi".
Ngồi dưới gốc thị có tuổi thọ 5 thế kỷ, bốn xung quanh tường bao bằng đá xám
ngoét đang ố màu rêu, ông Diệu bảo: "Người lạ vào làng, không mang
"rọ mõm", không quen hít bụi đá khéo mà mù mắt hỏng phổi". Rồi
ông dẫn chúng tôi vòng qua mấy con đường làng bé tẻo teo, hoang sơ ít bước chân
người, nói là dành cho sự bất ngờ.
Sự bất ngờ ấy chính là ngôi nhà đá trứ danh cuối con ngõ nhỏ ở thôn Thượng.
Ngôi nhà đá nhỏ bé, xinh xinh làm từ năm 1930 lọt thỏm giữa những hàng cây cổ
thụ hàng trăm năm tuổi càng tôn thêm vẻ cổ kính nhưng không kém phần kiêu kỳ
giữa thời đại nhà cao tầng đủ loại "bụng chửa, bụng phình", nặng
trình trịch với những khối bê tông vô hồn.
Ngôi nhà cổ bằng đá mà lạ một điều từ cột kèo, xà, vách, sân, bậc đều bằng đá
khối tảng cắt mỏng đục đẽo hoa văn, chữ Nho ẩn hiện chỗ nổi chỗ chìm. Hiềm nỗi,
cánh cửa đỏ au và ngói mũi trên mái đã biến đó thành một ngôi... nhà.
"Không có cửa gỗ, ngói mũi nung thì là cái hang, cái hang hình chữ nhật
đàng hoàng", ông Diệu giới thiệu vậy.
Hỏi ra mới biết, ngôi nhà này là của cụ Dương Văn Lợi, một nghệ nhân đá nức
tiếng thời xưa. Chính tay cụ Lợi đã kỳ công kiến tạo ngôi nhà để khi mất đi thì
truyền lại "báu vật" cho con trai là Dương Văn Tắc. Ông Tắc ở ngôi nhà
ấy rồi cũng theo tổ tiên. Bây giờ, "báu vật" đá đang là quyền sở hữu của
người con dâu, vợ anh Dương Văn Thu.
Nhưng ngôi nhà cứ im ỉm đóng suốt năm, suốt tháng không ai ở chỉ vì độc lý do:
Sợ hỏng. Ngôi nhà thứ hai cũng độc đáo chẳng kém là của cụ Đỗ Khắc Đức ở thôn
Xuân Thành. Nghe chủ nhân nói ngôi nhà này đã được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp,
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đến thăm.
Ngôi nhà của cụ Đức vỏn vẹn 40m2 tuy không độc đáo cổ kính như nhà cụ Lợi nhưng
có phần tự nhiên bởi cách bài trí ngẫu hứng. Nghe ông Hoàng - con trai cả cụ
Đức "trình bày" thì ngôi nhà này làm trong vòng 4 năm mới hoàn thành.
Mà làm hoàn toàn bằng thủ công mới kinh. Từ xẻ đá, đục đẽo, bào chế... đều do
một tay cụ Đức thực hiện.
Kiến trúc ngôi nhà cũng không theo bất kỳ một mẫu mã nào, tùy hứng, tùy ý và
tùy quan niệm làm nghề của chủ nhân. Ông Đức bảo: "Cha tôi chịu đói chịu
khát 4 năm ròng mới làm xong, chứ bây giờ có máy móc tôi chỉ thực hiện trong 4
tháng". Ở 4 cột lớn giăng phía trong nhà là 4 hàng chữ Nho do tay cụ Đức
đục đẽo: Cảnh vật vui chung với nước non/Đến vạn ngàn năm cứ vẫn còn/Làm cho
rạng vẻ nhà tế thế/Đem về truyền tử đến lưu tôn.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân, ông Lê Quốc Hội thì: "Các nghệ nhân làng
đá này không chỉ giỏi đục đẽo mà còn giỏi thơ, yêu thơ, biết từ đá mà ra thơ và
cũng biết gắn thơ vào đá, chứ không phải thường".
Ngôi nhà đá thứ ba cũng là ngôi nhà trứ danh nhất, giống với một biệt thự thời
xưa. Ngôi nhà ấy của cụ Lương Văn Tiệp, bây giờ truyền lại cho cháu Lương Văn
Thiện. Ngôi nhà được xây vào năm 1934 với lối kiến trúc "trưởng giả",
có phần cổng uy nghi, có sân vườn núi đá, nhà một gian 2 tầng, tất cả cột kèo,
đồ đạc đều bằng đá.
Theo bà Thiện, trước đây cụ Tiệp là một người giàu có nhất vùng. Chính vì giàu
có nên mới có điều kiện xây dựng được ngôi nhà như vậy. Nhiều nhà kiến trúc đã
về đây tham quan và đánh giá vẻ đẹp số một của ngôi "biệt thự đá" độc
đáo này.

|
Nhà đá Ninh Vân được
chạm trổ rất tinh xảo và tỉ mỉ đến từng chi tiết
|
Một ngôi đình đá
Ngoài ba ngôi nhà đá cổ kính kia, Ninh Vân còn nổi tiếng với ngôi đình có một
không hai ở Việt Nam.
Cả ông Phó Chủ tịch xã và ông Trưởng ban Quản lý làng nghề đá Ninh Vân đều lấy
đó là tự hào. "Sau ba ngôi nhà đá, thì đình làng bằng đá cũng là một
"báu vật" quý nhất mà Ninh Vân có được", ông Diệu cho hay.
Ngôi đình được làm 100% bằng đá khối nguyên chất của núi Hoa Lư. Ngôi đình quy
tụ những tay thợ đá tinh xảo nhất, hì hục, kỳ công làm trong mấy năm ròng.
Chẳng thế mà những cột đá cao sừng sững chạm hình rồng phượng quấn quanh lồi
lõm đến lạ. Không một vết xước, chẳng một điểm khuyết trên hệ thống kiến trúc
đã đem lại cho đình làng một vẻ đẹp hoàn mĩ mà ấm cúng, uy nghi.

|
Đình làng Ninh Vân với
những cột đá cao 10m
|
Chỉ là tin đồn
Cũng bởi sự quý giá mà Ninh Vân có được từ những "báu vật" đá kia mà gần
đây ở Ninh Bình lại rộ tin đồn sẽ bán các nhà đá cổ cho đại gia.
Lại nghĩ, nhà có chủ, họ muốn bán thì bán, không muốn bán thì đại gia có trả
giá trên trời cũng chẳng có được "báu vật", cớ gì mà tin đồn lan xa
khiến nhiều người tiếc ngẩn ngơ. Nào là mỗi căn nhà đá được trả giá hàng tỷ
đồng không kể phần đất. Đại gia chỉ mua phần khung để chuyển lên thành phố.
Khi nghe được câu chuyện "bán nhà đá", ông Lê Quốc Hội, Phó Chủ tịch
UBND xã Ninh Vân giật mình bảo: "Không có đâu, chỉ là tin đồn vậy thôi,
chẳng ai dại gì mà bán nhà đá, bán "báu vật" mà cha ông để lại".
Lại nghĩ, thời nào cũng vậy, chẳng thiếu gì kẻ khôn cũng không thiếu vắng người
dại. Không phải chỉ bán đi mới dại, mà ngộ nhỡ, nhà cũ, không hợp, phá đi làm
cái khác, thì sao?

|
Nét chạm trổ rất tinh
xảo và tỉ mỉ đến từng chi tiết.
|
"Nhà đá ở Ninh Vân mang phong cách kiến trúc của vùng
Ninh Bình nói riêng, thể hiện được bản sắc làng nghề từ xa xưa. Nhà đá Ninh
Vân chưa được công nhận là di tích cần bảo tồn. Việc bảo tồn là do người dân
tự làm, chúng tôi cũng chỉ biết động viên chủ nhân giữ lại ngôi nhà...".
Ông Nguyễn Cao Tấn (Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch
Ninh Bình)
|
Theo báo mới