VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Nơi... giấu quê vào trong phố
(Ngày đăng: 19/05/2017   Lượt xem: 772)
Làng trong phố, phố bên trong cổng làng... đặc trưng ấy là nét riêng Hà Nội, là dấu yêu của Thủ đô mà có lẽ không một Thủ đô nào trên thế giới có được. Và phải chăng Hà Nội quyến rũ khách phương xa, du khách nước ngoài, vì Hà Nội có hương vị riêng phảng phất từ những ngôi làng xa xưa, một đặc điểm rất Việt Nam và cũng rất thấm đẫm tình người...

Ảnh minh hoạ

Hà Nội không chỉ có văn hóa “phố”, mà còn cả văn hóa “làng” từ bao đời nay hội tụ thành những nét văn hóa thấm nhuần con người Hà Nội. Là nơi bốn phương tụ hội mang theo những nền văn hóa khác nhau, khiến cho văn hóa Thủ đô trở nên đa dạng phong phú. Không đâu trên đất Việt Nam có nhiều làng văn hiến như Hà Nội.

Những ngôi làng cùng với các kiến trúc Phật giáo, dân gian, kiến trúc Pháp nằm rải rác khắp thành phố, khiến du khách thập phương vô cùng thích thú trước những giá trị văn hóa còn hiện hữu trong một Thành phố sầm uất như Hà Nội.

Từng ngày một, Thủ đô giang rộng vòng tay và ôm trọn những ngôi làng ven đô. Những cái tên quen thuộc như làng Vòng, làng Mọc, làng Lủ hay Xuân Đỉnh, Xuân La, Tứ Liên, Triều Khúc... dẫu như một tất yếu của sự phát triển đô thị  “làng” nay đã thành quận huyện thì mỗi tên làng vẫn hiện hữu trong cách gọi, trong đời sống hàng ngày của người Hà Nội, song song tồn tại sự giao hòa hai văn hóa quá khứ - hiện tại.

Ảnh minh hoạ

Không dễ để tìm ra trong lòng Hà Nội vẫn thấp thoáng ẩn hiện những chiếc cổng làng, như một chiếc bản lề đóng mở, giao thoa, kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Như bất chấp thời gian, bất chấp sự đổi thay, Hà Nội vẫn còn nhiều nơi giữ lại được những chiếc cổng làng hàng trăm tuổi được xây dựng cách hàng 400 – 500 năm như:

Cổng làng Mông Phụ ở Đường Lâm - Sơn Tây, cổng làng Chi Quan ở Thạch Thất, cổng làng Ước Lễ ở Thanh Oai, Ô Quan Chưởng (Đồng Xuân, Hoàn Kiếm)… Từ những chiếc cổng làng còn giữ lại được, minh chứng rõ nhất về sự đan xen giữa làng và phố, giữa quê kiểng và phồn hoa đã làm nên một nét văn hóa đặc trưng riêng có của Hà thành.

Đằng sau mỗi cổng làng là cuộc sống bình dị của người dân, là những làng nghề có tuổi đời hàng thế kỷ, ở đó lặng thầm chứng kiến những người dân bình thường ngày ngày cùng nhau gìn giữ những nét đẹp văn hóa từ rất xưa. Cổng làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) qua nhiều vần vũ của thời gian vẫn ở đó, nhắc người ta nhớ về nghề nuôi tằm dệt lụa nổi tiếng của người Hà Đông một thời; Hay trên một đoạn phố Thụy Khuê dài chưa đầy một kilomet tính từ chợ Bưởi đến dốc Tam Đa cũng có tới 5 cổng làng uy nghiêm, bề thế; Hay cổng làng Đại Yên có nghề thuốc nam giờ nằm sâu hun hút trong con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo phải tìm rất lâu mới thấy; Rồi cổng làng Vĩ Hậu trên đường Cầu Giấy, cổng làng Đông Các trên phố Nguyễn Lương Bằng, cổng làng Mọc phía Thanh Xuân...

Trải qua biết bao vật đổi sao dời, nhưng Thành phố ấy chưa một ngày mai một dấu “Làng”. Có số liệu ước tính rằng, Thành phố Hà Nội (khi chưa sáp nhập với Hà Tây) có chừng 109 cổng làng. Và đến nay khi Hà Tây - một địa phương mang đậm bản sắc văn hóa đồng bằng Bắc Bộ - về với Hà Nội, thì thành phố sẽ có thêm chừng 100 cổng nữa.

Bước qua cổng làng con người ta dường như được bỏ bớt lại đằng sau sự nhộn nhịp của phố phường, tìm về với sự yên bình, thư thái. Chiếc cổng làng như sự cân bằng giữa làng và phố. Điều đó mang đến một sự thật hiển nhiên, những cổng làng xưa còn giữ lại đến bây giờ, không chỉ là một hàng rào bảo vệ, càng không phải đơn thuần là ranh giới phân cách làng trong làng ngoài, mà nó là diện mạo, là nhịp đập văn hóa và là nhân chứng lịch sử của từng làng. Hơn thế nó còn là niềm tự hào từ trong tâm khảm của người dân nơi đó, để dù có đi bất cứ đâu họ cũng muốn quay về, tìm nơi che chở tựa nương.

Phải chăng những nét đáng yêu của Hà Nội là có bởi từ những “làng trong phố", từ những chiếc cổng làng rêu phong cổ kính. Con người Thủ đô đang từng ngày từng giờ bắt nhịp với nhịp sống hiện đại, năng động nhưng cũng thư thái giữ cho mình những nét đẹp nhuốm màu thời gian, đậm đà bản sắc văn hóa  của chốn Kinh kỳ.

                                                                                           Theo: tbdn.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

29
Đang xem:
72.473.885
Tổng truy cập: