VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Tranh Đông Hồ - thăng trầm màu thời gian
(Ngày đăng: 04/09/2012   Lượt xem: 1150)

"Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề/ Có sông tắm mát có nghề làm tranh”. Câu ca dao xưa như thôi thúc, níu kéo tôi tìm về làng Mái - tên gọi xưa của làng tranh Đông Hồ, nay là làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Mới đây, trong lần về làm việc với tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã nhất trí với tỉnh việc từng bước lập hồ sơ tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp

anh1.jpg

Độc đáo tranh Đông Hồ

Hồn văn hóa Việt

Chúng tôi đi dọc con đê sông Đuống uốn chảy êm đềm qua những ngôi làng cổ đất Kinh Bắc với các ngõ làng loanh quanh và những ngôi nhà cổ mà bức tường gạch nâu mộc cũ đã mọt lõm nhuốm màu thời gian. Tới Đông Hồ, đây đó thấp thoáng những sân phơi tranh với sắc màu xanh đỏ, với những lấp loáng sắc điệp. Tất cả khơi gợi những hình ảnh rất đặc trưng của nông thôn Bắc Bộ càng khiến ta đắm chìm, liên tưởng về một không gian xưa cũ.

Theo lời kể của các truyền nhân Làng tranh Đông Hồ, nghề làm tranh Đông Hồ ra đời từ thế kỷ 16. Điều đáng nói là dẫu cho một làng nghề tồn tại đến trên 500 năm nay nhưng vẫn chưa ai nghe nói đến ông tổ làng nghề. Tất cả tinh hoa dòng tranh dân gian này đều lưu truyền từ bàn tay nghệ nhân dân gian từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Thời kỳ cực thịnh của dòng tranh này có lẽ là trước năm 1944. Thời đó, 17 dòng họ trong làng Đông Hồ đều làm tranh. Ngày xưa, cứ đến tháng Chạp là làng lại mở đến 5 phiên chợ bán tranh Tết vào những ngày 6, 11, 16, 21, 26. Để chuẩn bị cho phiên chợ, cả làng tất bật từ tháng bảy âm lịch. Sân nhà, sân đình, triền đê sông Đuống bừng lên 5 sắc màu cơ bản: sắc đỏ của sỏi son, sắc xanh từ lá chàm hoặc gỉ đồng để có màu xanh, sắc vàng của hoa hòe, màu đen của rơm nếp và lá tre, màu trắng óng ánh từ vỏ sò, vỏ điệp. Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường tranh Đông Hồ chỉ dùng 4 màu. Bản khắc gỗ để in tranh phải làm bằng gỗ cây thị thì mới cho ra những bản tranh sắc nét và màu mực mới tươi thắm được. Năm tháng qua đi, những chợ phiên ngày ấy nay đã không còn nữa.

anh2.jpg


Thợ khắc gỗ

Nặng lòng giấy dó, màu son

Thời gian cứ mải miết trôi, để lại biết bao nuối tiếc về một làng tranh Đông Hồ ngày càng mai một. Mấy thập kỷ qua tranh Đông Hồ vẫn đang sống lắt lay với "cơn gió thị trường”. Đến nay, cũng chưa có thống kê chính xác số mẫu tranh Đông Hồ có bao nhiêu thể loại. Qua những năm tháng của 2 cuộc chiến tranh vệ quốc, những bản khắc cổ có giá trị đã bị hư hỏng, thất lạc rất nhiều. Năm 1967, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Bắc (cũ) ký hợp đồng với Nhật Bản thành lập Đội sản xuất tranh. Thời gian đầu đội chỉ in cầm chừng mỗi tháng được trên dưới 1.000 tờ.

 

Từ năm 1970 đến 1985, tranh Đông Hồ được xuất sang 12 nước. Thời kỳ này, việc xuất khẩu tranh đạt được kết quả khả quan nhất… Sau hơn nửa thiên niên kỷ tồn tại và phát triển từ thời 17 dòng họ làm tranh, đến nay hầu hết những người làm tranh đều bỏ nghề, chỉ còn vẻn vẹn vài ba gia đình duy trì nghề làm tranh Đông Hồ. Trong đó có 2 gia đình là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.

Như câu chuyện của dòng họ Nguyễn Đăng với 20 đời nối nghiệp mà người cầm trịch hiện nay là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã đầu tư hơn 2,5 tỉ đồng xây dựng Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại xã Song Hồ. Ông cũng là người lưu giữ hàng trăm bản khắc, khuôn tranh, trong đó có nhiều bản khắc gỗ hiếm quý cách đây trên 200 năm và cả những bức tranh cổ.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chia sẻ: Tranh Đông Hồ có đề tài tranh khá phong phú, gắn liền với đời sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và nhất là phản ánh chân thật đời sống của người dân Việt Nam. Đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, tranh Đông Hồ vẫn dựa trên những đường nét, chất liệu, màu sắc cũ nhưng đã phát triển thêm một bậc là miêu tả các đề tài hiện thực lúc bấy giờ. Hiện tại nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đang lưu giữ khoảng 20 mẫu tranh Đông Hồ do một người nước ngoài yêu tranh Đông Hồ gửi tặng. Theo nhận định của ông Chế đây đều là các mẫu tranh lạ mà ông chưa từng thấy. Điều này khẳng định thêm các mẫu tranh Đông Hồ qua các thời kỳ là rất đa dạng nhưng những biến cố của lịch sử đã làm mai một dần sự phong phú đó, cũng như những giá trị vốn có của dòng tranh dân gian Đông Hồ…

Theo đại đoàn kết

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.491.355
Tổng truy cập: