VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Trên "những đỉnh núi du ca"
(Ngày đăng: 05/12/2016   Lượt xem: 476)

Múa Sênh Tiền trong Ngày hội văn hóa Mông toàn quốc năm 2016.

Đó là tên một tựa sách nghiên cứu về tập quán văn hóa, đời sống của đồng bào dân tộc Mông. Cao nguyên Đồng Văn (Hà Giang) là quê hương nguồn cội của người Mông ở nước ta, một dân tộc có bản sắc và cá tính độc đáo, có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng và bảo vệ vùng đất phên dậu cực bắc của Tổ quốc. Lịch sử, văn hóa của người Mông lâu đời, vững chãi và huyền ảo như những dãy núi cao bất tận, quanh năm mây phủ nơi đây.

Trên cung đường Hạnh Phúc

Đường lên cao nguyên đá lắm quanh co, nhọc nhằn, mà anh bạn người Hà Giang cùng đi với chúng tôi vẫn nói vui “vừa là ước ao, vừa là ác mộng” đối với dân du lịch. Mặc dù rất khó khăn, hiểm trở, nhưng không mơ ước sao được, khi đây là một trong những cung đường có cảnh quan hùng vĩ bậc nhất vùng núi phía bắc, đưa ta qua những địa danh đầy hấp dẫn, như Cổng trời Quản Bạ, núi đôi Tam Sơn, dốc Bắc Sum, cột cờ Lũng Cú, dinh thự họ Vương (vua Mèo), phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, chợ phiên Mèo Vạc…; rồi những bản làng Mông, Tày, Dao, Lô Lô… lẩn khuất trong sương núi, bên những thửa ruộng bậc thang uốn lượn đẹp như tranh. Cái tên Hạnh Phúc được Bác Hồ đặt từ hơn nửa thế kỷ trước cho tuyến đường này, đúng theo mọi nghĩa, đã mang lại cuộc sống ấm no, văn minh cho bà con của một vùng núi đá rộng lớn xưa kia bị chia cắt, biệt lập, chìm trong đói nghèo, lạc hậu.

Chỉ kịp ghé thăm Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Lùng Tám (xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ) và Khu di tích dinh thự nhà Vương (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn), nhưng chúng tôi vẫn tha hồ trầm trồ, ngạc nhiên trước sự tiến bộ, nhanh nhạy của người Mông ở đây. Nghề truyền thống dệt lanh, nhuộm vải, thêu thùa hoa văn thổ cẩm của người Mông thì vùng nào cũng có, nhưng đồng bào sống được với nghề và có những cải tiến phù hợp với thị hiếu thị trường, cũng như tìm đường xuất khẩu tới hơn 20 nước trên thế giới, thì mô hình ở Lùng Tám đáng được học hỏi, nhân rộng. Từ chỗ chỉ có 10 xã viên duy trì vài khung dệt vào năm 2000, tới nay HTX đã có hơn 130 khung dệt liên tục hoạt động, mang lại thu nhập ổn định, thậm chí còn có cả tài khoản trên mạng xã hội Facebook để giới thiệu nghề truyền thống kết hợp với quảng bá du lịch. Để có được điều đó, nghệ nhân người Mông Vàng Thị Mai cùng chồng là Sùng Mí Quả từng đi khắp vùng vận động bà con tham gia trồng lanh, dệt vải; mang sản phẩm về các triển lãm, hội chợ dưới miền xuôi… Bà Mai bảo, người Mông xưa có câu hát: “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Gái xinh chưa biết cầm kim là hư”. Đến nay, dù tính ứng dụng của vải thổ cẩm có ít nhiều thay đổi, nhưng thấy được giá trị của nghề dệt, nghề thêu đối với đời sống người Mông, nên bà vẫn tâm niệm phải gìn giữ và phát huy.

Tại Khu di tích nhà Vương, trong bộ trang phục truyền thống, duyên dáng, nhiều mầu sắc, nữ hướng dẫn viên du lịch người Mông Vương Thị Chở cuốn hút nhiều du khách bởi tài ăn nói, kiến thức lịch sử, văn hóa có chiều sâu. Chị Chở là một trong số nhiều hướng dẫn viên được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho đi tập huấn về làm du lịch.

Ở Mậu Duệ, Yên Minh, Đồng Văn, nhiều gia đình còn biết cách làm kinh tế từ chính nét đặc sắc của văn hóa dân tộc mình, như trồng tam giác mạch làm điểm chụp ảnh, làm bánh, cho thuê trang phục… Anh Sùng Văn Lùng ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn chia sẻ: “Tam giác mạch trước kia chỉ để chăn nuôi và cứu đói, giờ khách thích, nên người Mông mình trồng thêm thật nhiều cho đẹp. Sau lễ hội tam giác mạch vừa qua, lượng khách đến đông hơn, nhất là vào cuối tuần”. Nay, cũng như nhiều hộ khác ở Sủng Là, gia đình anh Lùng thu 5-10 nghìn đồng mỗi lượt khách vào ruộng tam giác mạch để chụp ảnh.

Dẫu cuộc sống của người dân nơi địa đầu phía bắc còn nghèo khó, gian nan, nhưng mầm “Hạnh phúc” đang sinh sôi, nảy nở trên miền đá sỏi, chúng tôi cảm nhận rõ rệt điều ấy qua những ruộng bậc thang lúa mới, nương ngô xanh tươi, đàn em nhỏ mắt xoe tròn thân thiện vẫy chào khách. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Thu Thủy (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), người Mông di cư về Việt Nam cách đây khoảng 300 đến 500 năm, quen sinh sống trên những triền núi cao, canh tác nương rẫy, sau này họ biến sườn đồi, sườn núi thành ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Người Mông là một dân tộc rất đặc biệt, họ thích nghi với mọi điều kiện, hoàn cảnh sống. Hiện nay, dân tộc Mông phân bố ở các tỉnh miền núi phía bắc như: Hà Giang (nơi người Mông định cư đông nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số), Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… và một bộ phận đã di cư vào lập nghiệp, sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên, như Đác Lắc, Lâm Đồng. Tuy có nhiều nhóm người Mông khác nhau, nhưng về ngôn ngữ và văn hóa cơ bản là một, sự phân biệt giữa các nhóm này chủ yếu dựa trên trang phục truyền thống của người phụ nữ. Mặc dù chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, đầy đủ và chính thống về tộc người này, song có thể khẳng định, người Mông có đời sống tinh thần rất phong phú, với nền văn hóa nghệ thuật dân gian, phong tục tập quán… đồ sộ, độc đáo. Trong lịch sử, bao thế hệ người Mông đã một lòng theo Đảng, góp công, góp của xây dựng và bảo vệ các vùng đất phên dậu biên giới của Tổ quốc.

Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa

Cũng như nhiều dân tộc thiểu số, đời sống văn hóa của người Mông có nhiều thay đổi theo thời gian, và đến nay cũng đối diện nguy cơ bị pha tạp, mai một. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, một số nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hằng ngày đã không còn phổ biến. Trước thực trạng đó, tỉnh Hà Giang xác định công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có dân tộc Mông, là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”. Bên cạnh công tác trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình, kiến trúc nghệ thuật mang đậm nét văn hóa của người Mông trên địa bàn, như: Dinh thự họ Vương, Phố cổ Đồng Văn; ngành văn hóa và chính quyền địa phương còn có chính sách hỗ trợ, phát triển các làng nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, chế tác khèn Mông, nghề rèn, đúc lưỡi cày, nghề đan quẩy tấu (gùi)… Bên cạnh đó là nâng cao vai trò của Hội Nghệ nhân dân gian, mở các lớp truyền dạy khèn Mông cho thế hệ trẻ.

Do đồng bào Mông ở Hà Giang sinh sống nhiều tại khu vực giáp biên nên tỉnh đã xây dựng Đề án về phát triển kinh tế biên mậu, vừa thúc đẩy thương mại, vừa tạo sản phẩm du lịch. Hà Giang cũng là tỉnh làm tốt việc khôi phục, phát triển, nâng tầm các lễ hội truyền thống của người Mông, như “Vỗ mông” ở Mèo Vạc, Gầu Tào, Chợ tình Khâu Vai, lễ hội khèn Mông, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, lễ hội hoa Tam giác mạch... gắn với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, như: thi dệt vải lanh, múa khèn, các trò chơi dân gian, hát dân ca, dân vũ; giới thiệu về lễ nghi ăn hỏi, ma chay, kỹ thuật “cày trên nương đá”, thổ canh hốc đá, xếp tường rào đá; ý nghĩa về cây lanh, cây khèn Mông trong đời sống sinh hoạt, tâm linh; giao lưu ẩm thực của người Mông… Hòa với dòng chảy của cuộc sống hiện đại, nhiều vùng, người Mông giờ không chỉ sống phụ thuộc vào nông nghiệp thô sơ, họ đã biết mang nét đẹp của dân tộc mình để làm du lịch, quảng bá với du khách trong và ngoài nước.

Tại Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II năm 2016 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tỉnh Hà Giang tổ chức vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn, nhằm quảng bá hình ảnh con người và cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông; giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống ở địa phương có người Mông sinh sống tới cộng đồng dân tộc anh em và khách du lịch quốc tế. Ngày hội còn tô điểm cho vùng đất Hà Giang, nơi có cộng đồng người Mông tập trung sinh sống nhiều nhất.

Gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên người Mông từ 13 tỉnh trong toàn quốc, mang đến ngày hội những tinh hoa của văn hóa, phong tục vùng miền. Nghệ nhân khèn Mông Giàng Chúng Sính ở Mộc Châu, Sơn La về vui hội, bảo rằng: “Người Mông có cái lý là phải giữ được văn hóa cha ông để lại. Dù đi núi này hay rừng khác nhưng cứ nghe tiếng khèn, cứ nhìn thấy sắc mầu thổ cẩm là phải bắt chuyện, là phải hỏi han, để xem đồng bào còn khó khăn gì thì mình giúp đỡ”. Ngày hội được tổ chức chu đáo, hấp dẫn với đội ngũ tình nguyện viên, cán bộ văn hóa, đông đảo nghệ sĩ, diễn viên, nhưng đồng bào Mông vẫn là nhân vật chính, với những hoạt động văn hóa diễn ra tự nhiên, sinh động, là dịp để du khách chiêm ngưỡng, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của tộc người chỉ sinh sống trên “những đỉnh núi du ca”.

Hà Giang có 12 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; trong đó, văn hóa người Mông góp mặt các di sản: Lễ hội Gầu Tào, nghệ thuật khèn Mông, kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh, tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Giang và ngành chức năng đang phối hợp các cơ quan lập hồ sơ trình UNESCO công nhận “Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao nguyên đá Hà Giang” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chỉ vài ngày ở Hà Giang là chưa đủ để đi và hiểu, nhưng cũng khiến chúng tôi kịp cảm nhận và yêu mến nét đẹp văn hóa, tình người nơi đây. Cao nguyên đá xa xôi nhưng cũng thật gần gũi, ở đó, dòng văn hóa dân tộc Mông tiếp tục chảy, góp phần vào dòng chảy chung của văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

                                                                                           Theo: nhandan.com.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.468.362
Tổng truy cập: