VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Để nét thanh lịch Tràng An không phôi phai
(Ngày đăng: 14/05/2016   Lượt xem: 592)
Thêm một lần những câu chuyện xung quanh việc để người Hà Nội ngày càng thanh lịch, văn minh lại được coi trọng hơn trong giai đoạn mới.



Nội dung Chương trình 04-Ctr/TU: “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” không chỉ còn là mối quan tâm của các cấp quản lý, mà của toàn người dân Thủ đô.
Làm sao để trở nên tiêu biểu?
Tỷ lệ 85% gia đình văn hóa, 55% làng văn hóa, 70% tổ dân phố văn hóa tính đến năm 2015 dường như không phải là con số “biết nói”. Ông Nguyễn Khắc Lợi – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo thừa nhận: “Là quá cao, không phản ánh đúng thực chất”. Bởi ở đâu đó trong một số góc nhà, một số thôn xóm vẫn còn hiện tượng cờ bạc, nghiện hút, bạo hành gia đình. Những câu nói thiếu văn hóa được nhiều người thốt ra khiến một giai đoạn lãnh đạo TP Hà Nội phải ra văn bản cảnh báo và chấn chỉnh… Cho dù, những thành quả của Chương trình 04 đạt được trong giai đoạn 2011 - 2015 là không nhỏ, nhưng để những nét đẹp trong cách ứng xử xưa không phôi pha, vấn đề xây dựng người Hà Nội thật sự văn minh lại trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình 04 giai đoạn 2016 - 2020.
Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, mục tiêu của chương trình lần này vẫn bám sát vào việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể… Song đúng như Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chia sẻ: Chương trình 04 là chương trình khó thực hiện nhất trong 8 chương trình của Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhất là việc xây dựng nếp sống văn hóa. Chính vì vậy, để vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh không trở nên mông lung với những con số mang tính thành tích cộng dồn, tại giai đoạn này mục tiêu của chương trình đặt những đầu bài rất cụ thể: 100% thôn, làng có nhà văn hóa và điểm sinh hoạt cộng đồng, hàng năm dành từ 8 - 10% ngân sách đầu tư cho phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, di sản quốc gia đặc biệt; xây dựng phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch tại Bát Tràng (Gia Lâm), Vạn Phúc (Hà Đông), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây)…
Đứng trước những tiêu chí không dễ đạt được, đặc biệt là hình thức công nhận kết quả của tiêu chí có phần khắt khe hơn, nhiều lãnh đạo quận, huyện băn khoăn. Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Lê Văn Luân chia sẻ: “Nếu 100% các làng, thôn có nhà văn hóa thì khả thi, nhưng tại các tổ dân phố của các quận sẽ rất khó bởi thiếu quỹ đất”. Tuy nhiên, điểm sinh hoạt công cộng là nhu cầu bức thiết, khi đặt ra mục tiêu, các địa phương sẽ phải đề xuất những phương án “mềm” để có thể đạt được.
Chờ đợi bộ quy tắc ứng xử
Mong muốn tạo đột phát trong nếp sống, nếp nghĩ của người Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Nguyễn Thị Tuyến mong muốn UBND TP sớm ban hành bộ quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng. Rút kinh nghiệm từ hệ thống QTƯX lần đầu, trong dự thảo bộ QTƯX đang trình UBND TP Hà Nội đưa ra 3 cấp độ, gồm những điều nên làm, không nên làm và không làm.
Cụ thể như: Người dân có mặt tại địa điểm công cộng không gây tiếng ồn, không sử dụng, kích động, đe dọa bạo lực, không phóng uế bừa bãi, không hút thuốc; Không nên chen lấn, xô đẩy, không nên quát mắng, nói cười quá to, cởi trần, mặc đồ ngủ; Nên giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em, nên nói lời cảm ơn, xin lỗi, nên bảo vệ cảnh quan môi trường… Tại khu vực tín ngưỡng, tôn giáo, người dân không thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan, không xâm phạm cảnh quan; Không nên đốt nhiều vàng mã, ăn nói thô tục, mặc đồ quá ngắn; Nên đặt tiền lễ đúng nơi quy định, giữ gìn, phát huy nghi thức, giá trị truyền thống… Khách đến bến tàu xe không chen lấn, xô đẩy; Không nên ăn uống làm mất vệ sinh, mang vật dụng, hàng hóa độc hại, dễ cháy nổ; Nên giữ gìn an ninh, trật tự…
“Khi chúng tôi đưa ra lấy ý kiến phản biện, nhiều người cho rằng về mặt khoa học, nội dung dự thảo bộ QTƯX tại địa điểm công cộng là hợp lý, nhưng để triển khai thì các tiêu chí nên rút gọn hơn nữa, chỉ cần những điều nên làm và không làm. Đây là vấn đề chúng tôi rất băn khoăn. Nếu quy định những điều không được làm thì phải có chế tài xử phạt đi kèm, trong khi bộ QTƯX nhằm mục đích định hướng, điều chỉnh và quy chuẩn lời nói, thái độ, hành vi của người dân cho phù hợp với chuẩn mực và giá trị chung, không phải là văn bản quy phạm pháp luật” - TS Mai Anh – giảng viên khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, thành viên Tổ xây dựng bộ QTƯX cho biết. Dự kiến, dự thảo Bộ quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng trên địa bàn TP Hà Nội sẽ hoàn thành trong quý II/2016, sau đó sẽ triển khai trong thực tiễn, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện.
Quá trình tạo dựng những giá trị văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai, đòi hỏi những nỗ lực bền lâu, liên tục, nhất là phải bắt đầu từ lớp trẻ. Một tín hiệu vui với xây dựng văn hóa, con người Hà Nội là từ năm 2011, ngành giáo dục TP đã triển khai dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội” ở tất cả các cấp học. Trong giai đoạn 2016 - 2020, bộ tài liệu này sẽ được chú trọng triển khai ở cấp mầm non và tiểu học. Khi những chủ nhân tương lai của Thủ đô được quan tâm rèn giũa việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa Hà Nội, ta càng củng cố niềm tin vào việc hình thành nếp sống văn minh, thanh lịch của Thủ đô, hướng đến mục tiêu xây dựng văn hóa Hà Nội tiêu biểu cho văn hóa cả nước.
                                                                              Theo kinhtedothi.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.469.537
Tổng truy cập: