VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Mẹ Nhứt, lòng vị tha thấm vào đất!
(Ngày đăng: 06/05/2016   Lượt xem: 610)
Có lần, tôi và đạo diễn Lê Hoàng Nam bàn tính chuyện làm một bộ phim tài liệu về Mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhứt, quê ở thôn La Thọ, xã Điện Hòa, H. Điện Bàn, Quảng Nam. Thực ra chúng tôi không xa lạ với Mẹ, còn đạo diễn Lê Hoàng Nam là cháu nội của Mẹ Nhứt. Nam kể rằng, đã quay rất nhiều thước phim về bà nội, từ khi bà còn đi lại được, đến khi nằm yên một chỗ trong căn nhà cũ ở quê. Ấy thế, đã dăm ba lần tôi đặt bút viết, kịch bản phim vẫn chưa xong. Có lẽ tôi bất tài, nên cứ lần khân, và giờ khi Mẹ về nơi thiên cổ, chúng tôi như nợ một lời hứa. Nhưng có một lý do khác nữa, ấy là mỗi lần đặt bút, mường tượng những điều Mẹ đã trải qua, tôi biết rằng, ngay cả một bộ phim công phu nhất cũng không thể nào diễn đạt được nỗi đau thương, mất mát, sự hy sinh, và nhất là tấm lòng vị tha của Mẹ.

 

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Nhứt (1918 - 2016) có chồng và 4 con trai là liệt sỹ, người con trai út (Lê Nguyên Hồng) từng bị địch bắt, giam tại Côn Đảo. Năm 1963, bản thân bà bị địch tra tấn dã man, bị mù hai mắt. Bà được Đảng, Nhà nước trao nhiều danh hiệu cao quý: Danh hiệu Mẹ VNAH đợt đầu tiên (tháng 12-1994); Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huân chương Giải phóng hạng Nhất; Bảng vàng gia đình có công với cách mạng và nhiều bằng khen, giấy khen, phần thưởng cao quý khác.

Cả cuộc đời (1918 - 2016) hầu như Mẹ Nhứt chưa đi đâu khỏi thôn La Thọ, khỏi căn nhà nhỏ nơi có bàn thờ 5 liệt sỹ, gồm chồng và bốn đứa con. Căn nhà này, cũng như Mẹ Nhứt, tồn tại như một phần không thể thiếu của La Thọ suốt mấy chục năm qua. Thời chiến, ngay sát phía trước là hàng rào ấp chiến lược, các loại giặc dã thường xuyên giày xéo, đến từng ngọn rau, cọng cỏ trong vườn cũng in vết giày đinh, dính mùi thuốc súng. Ấy thế, trong căn nhà ấy, Mẹ Nhứt và những người trong gia đình đã nuôi giấu rất nhiều cán bộ nằm vùng, chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong một lần địch càn, chúng bắt và tra tấn Mẹ, dùng giày đinh đạp thẳng vào mặt, đánh đấm, rồi bắt giam. Lần ấy, đôi mắt mẹ cứ mờ dần, cho đến khi thế giới biến mất hẳn trong tầm mắt. Nỗi đau thể xác ấy, chưa một lần thấy Mẹ kêu than. Nỗi đau thể xác ấy nào có thấm gì với nỗi đau tinh thần cào xé tâm can mẹ?

Trong những năm tháng ấy, ngoài nỗi đau mất nước như bao người Việt Nam khác, nỗi đau khác của mẹ là năm 1960, người con thứ hai của mẹ gia nhập đội vũ trang huyện Điện Bàn bị địch phục kích, sát hại, rồi phơi thi thể anh ở thị trấn Vĩnh Điện nhằm trấn áp tinh thần đảng viên, nhân dân. Đến năm 1966, đến lượt chồng và đứa con nữa hy sinh. Và năm 1971, người con trai cả của mẹ là Bí thư Đảng ủy xã Điện Hòa lại bị địch bắn chết, kéo lê thi thể anh trên đường. Tai họa chiến tranh chưa kịp lắng xuống, thì người con duy nhất của mẹ còn ở trên đời, người con trai út, lúc đó mới 15 tuổi bị địch bắt và đày ra Côn Đảo...

Ai đó nói rằng, mỗi hạt cát quê hương đều thấm máu và nước mắt. Với Mẹ Nhứt, và các bà mẹ ở xứ Quảng này, điều ấy, có lẽ rõ ràng lắm. Trong một bài viết liên quan đến tượng đài Mẹ VNAH ở Quảng Nam, tôi có viết rằng: "Có những bà mẹ VNAH, những người không chỉ mất đi những đứa con mang nặng đẻ đau trong lửa khói chiến tranh, mà còn là những "hạt gạo trên sàng", kiên trung, bất khuất hứng chịu muôn vàn bom đạn, đòn roi, âm mưu quỷ quyệt của kẻ thù ngay tại căn nhà, mảnh đất của mình; tôi đã gặp những bà mẹ VNAH như thế, những chứng nhân lịch sử như thế ở Quảng Nam...". Kỳ thực, khi viết những dòng này, tôi đang nghĩ đến Mẹ Nhứt.

 Nhà điêu khắc Jim Gion tạc tượng Mẹ Nhứt.

Cách đây vài năm, một trong những lần thăm Mẹ, chúng tôi đi cùng nhà điêu khắc Jim Gion, người Mỹ, một cựu viên chức làm việc ở cảng Đà Nẵng trước năm 1975, đã vượt nửa vòng trái đất để tạc tượng Mẹ. Lúc ấy, Mẹ đã mệt, vết thương cũ ở chân tái phát, nên hầu như chỉ nằm trên chiếc giường kê bên cửa sổ. Mọi sinh hoạt đều do chị Bảy, con dâu Mẹ lo toan. Jim Gion không mất nhiều thời gian để sáng tác. Hình ảnh bà mẹ mù và cô con dâu trong ngôi nhà nhỏ dường như đã gợi nên cho anh những ý niệm nhân sinh tìm kiếm từ lâu, về sức sống mãnh liệt của những con người ngỡ như quá đỗi bình thường ở đất này. Sau này, khi bức tượng đồng bán thân nguyên mẫu Mẹ Nhứt hoàn thành, Jim Gion gửi về cho gia đình. Tôi đã chiêm ngưỡng không biết bao nhiêu lần bức tượng này. Ban đầu tôi ngỡ bức tượng là hiện thân của sức sống, nhưng dần dần, khi đã nhìn quen, tôi chợt nhận ra, thông điệp của Jim Gion, qua bức tượng Mẹ Nhứt, dường như đúng hơn cả chính là: Lòng vị tha.

Giờ đây, khi Mẹ Nhứt đã về với các con, khép lại một cuộc đời thầm lặng mà cao cả, một cuộc đời kiên trinh và dâng hiến cho lý tưởng cách mạng, tôi chợt nhận ra một điều khác nữa. Ấy là, mỗi hạt cát trên mảnh đất Quảng Nam này không chỉ thấm đẫm máu và nước mắt, mà nó còn thấm đẫm trong ấy tất thảy những giá trị tinh thần thiêng liêng nhất của con người, trong ấy, hơn tất thảy, chính là lòng vị tha. Và, phải chăng, chính điều ấy, một cách âm thầm mà mãnh liệt, nuôi dưỡng tình yêu quê hương trong tâm khảm mỗi con người trên mảnh đất này?

                                                                                   Theo cadn.com.vn



Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.471.864
Tổng truy cập: