VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Văn Chung - Nhạc sĩ của nông thôn
(Ngày đăng: 27/08/2012   Lượt xem: 550)


Nhạc sĩ Văn Chung (ảnh) là một trong hai nhạc sĩ vừa được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật. Ông thuộc lớp nhạc sĩ đặt những viên gạch đầu tiên tạo dựng nên diện mạo và thành tựu của nền âm nhạc mới Việt Nam. Lớp nhạc sĩ này không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay, trong đó nhạc sĩ Văn Chung là một nhân vật nổi bật. Ông tên thật là Mai Văn Chung, sinh ngày 20-6-1914, quê ở Phù Tiên, Hưng Yên. Ông mất năm 1984 tại Hà Nội, thọ 71 tuổi.

Năm 1935, khi 21 tuổi, Văn Chung bắt đầu sáng tác. Đó là bài Tiếng sáo mục đồng, dựa trên âm hưởng và cách tiến hành giai điệu của bài Xe chỉ luồn kim, dân ca quan họ Bắc Ninh. Sau này ông viết lại ca từ thành bài Tiếng oanh vàng. Trong thời gian kế tiếp sau đó, năm nào ông cũng sáng tác một vài bài. Có thể kể đến các bài Cười trong nắng xuân (1936), Khúc ca ban chiều, Bên hồ liễu (1937), Tiếng thông reo, Thiếu phụ hoài xuân (1938), Hồ xuân và thiếu nữ, Tiếng trúc tuyệt vời và đáng chú ý là bài Bóng ai qua thềm (1939) khá phổ biến. Hồi đó tân nhạc còn chịu ảnh hưởng nhạc Tây phương, nên bài Bóng ai qua thềm được Văn Chung viết theo điệu Tango Habanera - một loại vũ điệu của Cuba.


Khoảng 1939-1940, để có điều kiện phổ biến sáng tác của nhạc sĩ trong nước, ông cùng nhạc sĩ Lê Yên (tác giả Ngựa phi đường xa, Bộ đội về làng) và nhạc sĩ Doãn Mẫn (tác giả Biệt ly) lập ra nhà xuất bản âm nhạc đầu tiên của Việt Nam lấy tên là TRICÉA (tức là 3 chữ C và 3 chữ A) là những nguyên âm đầu của câu tiếng Pháp “Collection des Chants Composés par des Artistes Annamites Associés” có nghĩa là “Nơi tập hợp ca khúc của nhạc sĩ Việt Nam”.

Sau Cách Mạng tháng Tám, ông phục vụ ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác rời Hà Nội, lên chiến khu Việt Bắc, tham gia văn nghệ quân đội. Trong năm 1947 (năm đầu tiên ông tham gia kháng chiến), gặp gỡ những người nông dân tay cày tay súng đánh giặc, ông viết bài Hò dân cày được nông dân rất yêu thích.
 
Năm 1948, ông viết Lập chiến công. Năm 1949, ông viết Đợi anh về, (phổ thơ Simônôp, Tố Hữu dịch). Năm 1950, viết Pỉ noọng ơi! (tức Anh em ơi!). Đáng chú ý, năm 1954 (năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp) ông viết bài Quê tôi giải phóng tặng chiến sĩ Đại đoàn 308 trong những ngày về tiếp quản Hà Nội. Một bài hát rộn ràng không khí hòa bình và đậm đà âm hưởng dân tộc.

Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, Văn Chung sáng tác khá nhiều, đáng chú ý có các bài như sau: Bài ca trên đường thống nhất (1955), Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng (1957), Tính hẹn cùng tình (1958), Từng bước đi vững chắc (1964), Ba cô gái đảm (1966)… Trong đó, Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng là bài hát được nam nữ thanh niên rất yêu thích. Bài hát nói về tinh thần lao động của giới trẻ nông thôn ra sức thi đua đẩy mạnh sản xuất, vỡ đất hoang, làm thủy lợi. Về cấu trúc âm nhạc, Văn Chung đã khéo léo vận dụng kiểu đối đáp trong lối hát dân gian Việt Nam và dùng điệu thức ngũ cung để đưa vào bài hát tạo nên giai điệu rất gắn bó với âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ.
 
Các em nhỏ rất yêu thích các bài Lỳ và Sáo (1947), Lượn tròn lượn khéo (1959)… do Văn Chung sáng tác. Năm 1947 nghe tin con gái nhỏ bị chết trong một trận ném bom của địch, ông rất đau xót, nhớ lại lúc dạy con tập đếm “một ông sao sáng, hai ông sáng sao…”. Và hôm đó ông viết bài Đếm sao, trở thành bài hát nổi tiếng.

Trong sự nghiệp văn nghệ của mình, Văn Chung có khá nhiều sáng tác thành công về nông dân từ trẻ em đến người lớn, nên thường được gọi là “nhạc sĩ của nông thôn”.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.518.391
Tổng truy cập: