VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Về nghe thơ sử làng Đường Lâm
(Ngày đăng: 17/08/2012   Lượt xem: 681)

Trải qua bao thăng trầm, mảnh đất hai vua Đường Lâm, nơi sinh hai anh hùng dân tộc Phùng Hưng và Ngô Quyền giờ vẫn còn lưu giữ hình ảnh của một ngôi làng cổ Việt Nam với cổng làng, cây đa, giếng nước, ao sen, sân đình... Qua hai cánh cổng làng đã phai bạc cũ kỹ bởi sương gió thời gian, nằm xiêu xiêu dưới bóng một cây đa khổng lồ đã hơn 300 năm tuổi là những ngõ xóm, đường làng, nhà mái ngói, tường đá ong và các công trình kiến trúc cổ xưa.



Cụ bà Vin vẫn hằng ngày ngồi trông quán trà nhỏ giữa làng

Cũng bởi vậy mà đã có không biết bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu nghệ sỹ, nhà thơ… đã về đây để tìm lại cảm giác hoài cổ xưa cũ mà sáng tác nên những tác phẩm để đời. Người phương xa đến đây dễ nhận ra nét đặc sắc của làng cổ Đường Lâm, đó chính là những ngôi nhà gỗ với tường xây bằng đá ong, nằm trong các khuôn viên có tường bao cũng bằng đá ong và những con đường làng lát gạch nghiêng xương cá chạy giữa những bức tường lỗ chỗ...

Cũng bởi sự nổi tiếng của ngôi làng đá ong này mà giờ những chuyện về làng chả còn gì mới mẻ. Mỗi ngóc ngách của làng đều được người ta nói đến với biết bao câu chuyện, bao lời tán thưởng, khen chê. Nhất là sau khi làng nhận bằng Di tích Lịch sử Văn hóa do Nhà nước trao tặng. Người ta đổ xô về làng để tham quan, du lịch, tìm hiểu, sáng tác đủ các thể loại nghệ thuật... Sự thay đổi này giờ đã nhìn thấy rõ rệt bởi những ảnh hưởng của nó tới bộ mặt của làng: những con đường bê tông mới, những ngôi nhà mới nhiều tầng... Đời sống của người làng trở nên khấm khá hơn nhờ có những vị khách về thăm. Cũng kèm theo với sự khấm khá ấy, làng giờ có vẻ mới hơn, ít cổ hơn và cả người dân cũng ít nhiều không còn cái chân chất của một vùng đất lề quê thói.



Chỉ cần nhìn quanh cái sân phơi thóc, phơi ngô ngay trước cổng đình Mông Phụ sẽ thấy. Sân đình xưa dùng để phơi lương thực sau mùa thu hoạch, là sân chơi của lũ trẻ trong làng và cũng là nơi để mở hội hằng năm. Tôi nhớ hồi dăm năm về trước, khi tới sân đình, điều làm tôi nhớ nhất là được ghé vào quán trà nhỏ của cụ Vin ở góc sân. Ngồi nơi quán trà nhỏ ấy có thể nhìn bao quát cả khoảng sân rộng giữa làng, cả khu đình làng rộng rãi. Và cái quán trà ấy dường như quá bé nên chả mấy ai để ý đến sự hiện hữu và những giá trị của nó đang cùng tồn tại với làng cổ Đường Lâm.

Điều đặc biệt của quán cụ Vin là những câu thơ sử, thơ chuyện mà bất cứ ai khi đến quán đều có thể được nghe. Cụ Vin như thể một thư viện sống, một thi sĩ đồng quê có thể kể mọi chuyện trong làng, ngoài xã bằng những câu thơ dân dã, những điệu ngâm mộc mạc. Có thể nói cụ Vin là một "di sản sống” vẫn hằng ngày hiện hữu nơi quán nước sân đình này. Với tôi, cụ Vin chính là một phần không thể thiếu của làng cổ Đường Lâm. Cũng bởi vậy mà mỗi khi đến thăm làng, tôi luôn dành không ít thời gian ghé lại uống ly nước vối, ăn chiếc chè lam và nghe cụ ngâm thơ chuyện, thơ sử của làng: "Chè tươi tôi hái của nhà/ Nước này tôi gánh giếng xa mang về/ Bát sành thay cốc hoa lê/ Chè tươi thơm mát tôi pha ngọt lành/ Hôm nay gặp khách họa thanh/ Thì tôi rót nước trà xanh ra mời/ Các bác cạn chén cho vui/ Các bác cạn chén tôi thời lại chuyên...”.



Làng cổ Đường Lâm

Cụ Vin tâm sự: "Cả làng giờ chỉ còn mình tôi biết ngâm, biết ví. Ngày xưa, thời kỳ các cụ, cứ ra quán nước nơi sân đình này thì vui lắm, mọi người đi làm ruộng về đây uống bát nước trà nóng, nói chuyện, ngâm thơ. Giờ thì chả ai ngâm thơ cả, cũng không có nhiều người thuộc về lịch sử của làng để mà kể chứ nói gì đến ngâm. Ngay cả những cụ bà đang ngồi ở những quán nước mới mở giữa sân đình kia, cũng cùng trạc tuổi tôi nhưng chả ai biết ngâm, biết ví. Có lẽ vài năm nửa thì quán nước trà này của tôi cũng dẹp đi thôi. Con cháu giờ đều đi làm ăn cả, nếu có đứa nào muốn tiếp tục bán hàng thì cũng chả có ai ngâm cho khách nghe những câu thơ sử, thơ chuyện của làng”.

Làng Đường Lâm giờ không còn như trước nữa, nhà mới xây nhiều nên làng ít cổ kính hơn, cả cái sân làng bây giờ cũng không còn như nó vốn có. Những hàng quán mọc lên nhiều, tỷ lệ thuận cùng số lượng du khách về thăm tăng lên mỗi năm. Quán mọc lên quanh sân, quán trước cửa đình, bạt xanh, bạt đỏ lộn xộn, bàn ghế bầy biện tùy tiện ngay trước sân đình. Khoảng sân rộng giờ thu hẹp nhiều, khách đến quán không còn đủ không gian để mà nhìn ngắm nên chỉ dừng lại mua ít kẹo chè lam làm quà. Cụ Vin giờ vẫn còn bán nước nhưng không còn ngâm nhiều nữa vì cụ đã yếu rồi. Không biết rồi đây sau cụ Vin, làng Đường Lâm còn có ai kể những câu chuyện, ngâm thơ cho thế hệ con cháu và du khách đến thăm làng. Ở Việt Nam không có nhiều quán trà như quán cụ Vin. Những nét đẹp dân dã thôn quê ấy sẽ đi về đâu trong sự bon chen bộn bề của cuộc sống. Rồi những con người hiện đại sẽ tìm về đâu mỗi khi nghĩ về quá khứ. Liệu còn có ai như cụ Vin để ngâm bao chuyện quá khứ, hiện tại và cả tương lai của làng cổ đá ong.

Rồi đây sẽ không còn nơi quán nước như của cụ Vin nơi sân đình làng cổ nữa. Làng cổ rồi cũng sẽ không còn cổ nữa bởi quá trình phát triển và đô thị hóa, bởi nhu cầu sử dụng của người dân ngày một tăng lên. Ai cũng có nhu cầu được ở nhà cao, cửa rộng, được sống trong một môi trường tiện nghi. Chỉ có chăng là sự băn khoăn, day dứt của những ai yêu nét đẹp truyền thống, yêu những giá trị từ lịch sử mà lo lắng cho sự mai một đang nhìn thấy mà không thể nào níu giữ.
Vũ Thanh

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.518.403
Tổng truy cập: