VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Con trai danh họa Nguyễn Phan Chánh: Cha tôi nói, nghệ thuật đích thực luôn còn mãi
(Ngày đăng: 17/08/2012   Lượt xem: 928)

Ba bức tranh lụa "Hun Thuyền”, "Đón củi” năm 1938 và "Cô gái cưỡi bò qua sông” năm 1967 của danh họa Nguyễn Phan Chánh - bậc thầy tranh lụa Việt Nam vừa được các chuyên gia Nhật Bản phục chế thành công.

Khi trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Tokyo, đã có tới 40.000 lượt người đến xem, cho thấy sức sống của dòng tranh này, đồng thời khẳng định tên tuổi của danh họa Nguyễn Phan Chánh trong làng mỹ thuật châu Á. Nhân dịp này, Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Phan Quang - con trai danh họa Nguyễn Phan Chánh về những điều hậu thế ít biết đến xung quanh một tài hoa ẩn sau những bức họa nổi tiếng.



Tranh lụa Rửa rau cầu ao (Nguyễn Phan Chánh)

Cho đến ngày hôm nay, dòng tranh lụa của danh họa Nguyễn Phan Chánh vẫn thu hút được sự quan tâm rất lớn của người yêu tranh? Ông có thể lý giải về điều này?

- Tôi là một người nghiên cứu về lịch sử. Khi đi làm việc ở nước ngoài được tiếp xúc với Việt kiều, trí thức nước ngoài khi biết tôi là con trai của danh họa Nguyễn Phan Chánh, họ rất thích thú. Thật không ngờ họ lại quan tâm đến bố tôi nhiều thế. Tôi nghĩ, những tác phẩm của bố tôi tồn tại lâu dài vì đó là sản phẩm của cả một cộng đồng, một dân tộc tạo ra. Đó là sản phẩm của cả giới mỹ thuật, nền mỹ thuật.

Những họa sĩ chân chính không cầu sự nổi tiếng. Đó chỉ là sự ghi nhận của hậu thế, của đương thời. Người họa sĩ chỉ muốn làm thế nào để giải phóng cảm xúc của họ thông qua tác phẩm. Họ giải phóng được là họ giải thoát, chứ họ không nghĩ làm như vậy là được người ta khen. Bố tôi không phải là người muốn nổi tiếng, ông không bao giờ nghĩ tới điều này. Có lẽ những nghệ sĩ chân chính, đích thực thời nào cũng có đức khiêm tốn. Tôi hiểu, khi đặt bút vẽ tranh, bố tôi không bao giờ nghĩ rằng những bức họa của mình lại trở nên nổi tiếng đến thế. Ông chỉ dốc hết xúc cảm đích thực của mình cho những bức họa. Và có lẽ, sự đam mê đã quyết định thành công của ông.

Vừa rồi, 3 bức tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh đã được một dự án Nhật Bản phục chế thành công. Theo ông, điều gì ở tranh lụa Nguyễn Phan Chánh gây được sự chú ý đặc biệt của người Nhật?

- Người Nhật có cảm tình khá đặc biệt với tranh của bố tôi, nhất là ông Tsutomu Nakamura - Chủ nhiệm dự án phục chế tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Có lần tình cờ ông ấy đã nhìn thấy tranh của bố tôi in trên một cuốn lịch và ông ấy đã bị mê hoặc và tìm đến nhà tôi để xem tranh. Khi nhìn thấy những bức tranh đã bị hỏng rất nặng, ông ấy đã có ý định mang về Nhật Bản để phục chế.

Tôi nghĩ, họ có tình cảm đặc biệt với di sản của danh họa Nguyễn Phan Chánh chắc là trong tranh có nét gì đó gần gũi với phương Đông, nhưng không Tàu, không Nhật… Các tác phẩm của bố tôi là một thể nghiệm hoàn toàn khác, mặc dù học kỹ thuật phương Tây.

Những năm sống với cha mình, ông học hỏi được điều gì từ danh họa nổi tiếng này?

- Tôi có chút năng khiếu hội họa nhưng không theo được. Ngày nhỏ, có lần tôi nói chuyện với ông: Khi nào con lớn lên con sẽ là họa sỹ như bố. Bố tôi cười bảo rằng: Trước tiên phải thử hỏi mình xem liệu có khiếu vẽ hay không? Khi có khiếu rồi phải hỏi mình có mê nó không? Không mê thì đi làm nghề khác. Không mê vẽ mà động vào nghề vẽ thì phí cả cuộc đời.

Cha tôi là con người nhân hậu, nhân hậu kiểu Việt Nam. Ông lạc quan để sáng tạo, lạc quan trong các mối quan hệ. Bố tôi dạy rằng: Cái tình con người là quý nhất con ạ. Mọi vật luôn đổi thay, nhưng có 2 điều không thay đổi: Một là, những giá trị đích thực thì còn mãi. Thứ hai, con người nhân hậu không lo mất bạn. Cho tới giờ tôi vẫn chưa hiểu hết ý tứ sâu xa của câu nói thứ hai.

Xin trân trọng cảm ơn ông!


Ông Nguyễn Phan Quang
Ngày 16 -8, tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL đã chủ trì cuộc gặp gỡ Đoàn chuyên gia dự án phục chế tranh lụa Nguyễn Phan Chánh của Nhật Bản. Tại đây hai bên đã kí kết biên bản ghi nhớ với 3 nội dung chính: Phục hồi tranh lụa đang trong tình trạng khẩn cấp ; Dùng 3 bức tranh đó để triển lãm ở Nhật Bản; Phía Nhật muốn đầu tư cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cụ thể là lắp đặt thiết bị chế độ bảo quản cho phòng tranh lụa của bảo tàng. Vậy là, sau thành công phục chế 3 bức tranh lụa của hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh, Đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ tiếp tục triển khai phục chế thêm nhiều bức tranh khác, nhằm giới thiệu tới đông đảo người xem nghệ thuật tranh lụa Việt Nam.

Minh Hải (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.518.457
Tổng truy cập: