VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Một cách quảng bá di sản phi vật thể tới đông đảo công chúng
(Ngày đăng: 24/11/2015   Lượt xem: 494)
Lần đầu tiên những người dân tộc Dao ở thôn Yên Sơn và Hợp Sơn, xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) về trung tâm thủ đô Hà Nội. Dường như họ còn quá xa lạ với danh xưng nghệ nhân-mà lãnh đạo Hà Nội gọi, cũng như giới thiệu tới du khách khi đứng trước khu trưng bày “Tri thức dân gian làm thuốc Nam của người Dao, Ba Vì”. Nhưng khi được hỏi về các bài thuốc thì chẳng còn khoảng cách nữa, họ thực sự làm chủ trong những câu chuyện về thuốc truyền lại từ đời này sang đời khác của quê hương mình.

"Tri thức dân gian" của người Dao

Từ bao đời nay, người Dao ở Ba Vì luôn dùng cây cỏ để chữa bệnh. Họ có nhiều loại thuốc chữa bệnh về xương khớp, dạ dày, bệnh ngoài da, dùng cho phụ nữ sau sinh… Có loại được tổ hợp từ các loại cây còn tươi, loại được phơi khô, loại nấu nước tắm, loại dùng để uống… Khi xuống núi, bà con không những giữ được kinh nghiệm tìm kiếm và sử dụng cây thuốc, mà còn biết phát hiện thêm bài thuốc mới để phát triển nghề thuốc như một nguồn sống.

Đứng xem những thành quả của cộng đồng làm thuốc quê hương mình trước sảnh Bảo tàng Hà Nội rộng lớn, ông Lý Sinh Vượng, Phó chủ tịch UBND xã Ba Vì không hết vui mừng, bởi đây là lần đầu tiên "tri thức dân gian" làm thuốc Nam của bà con dân tộc Dao, Ba Vì được hiện diện ở Thủ đô, thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Đứng bên cạnh, PGS, TS Nguyễn Văn Huy, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa ân cần hỏi: “Bà con có ưng cái bụng về cách chúng tôi trưng bày nghề thuốc ở đây không?”. Ông Lý Sinh Vượng bảo rằng, chẳng còn niềm vui sướng nào hơn thế. Cách trình bày hình ảnh cây thuốc, lý giải bệnh phải dùng loại thuốc này, cùng tâm tư nguyện vọng của đồng bào Dao được trung tâm giới thiệu trên khung ảnh nhỏ, nhưng rất dễ hiểu.

Bà con đồng bào Dao, xã Ba Vì chiêm ngưỡng thành quả nghề truyền thống của mình tại đợt trưng bày ở Bảo tàng Hà Nội.

Hiện nay, tại xã Ba Vì, đồng bào Dao chiếm 98%, phần nhiều trong số họ sống dựa vào nghề tìm thuốc và chế biến thuốc Nam. Bà Triệu Thị Lan cho biết: “Năm 12 tuổi, lên rẫy cùng mẹ, tôi được bà chỉ cho các cây thuốc. Khi chỉ cây, mẹ nói luôn công dụng của cây thuốc đó. Lấy thuốc về, mẹ chia thuốc thành từng đống nhỏ cho tôi làm. Dần dần, tôi nhớ các cây thuốc và công dụng của từng loại. Giờ tôi truyền dạy lại cho con dâu”. Ngay cả khi sinh sống ở vùng đất mới, người Dao cũng biết tìm cây thuốc giống với cây ở vùng đất trước đây mình ở để chữa bệnh cho gia đình, người thân và xóm giềng. “Đi lấy thuốc phải biết tìm chỗ có cây thuốc cần lấy. Muốn tìm lấy cây rầm rì, thạch xương bồ (chữa bệnh xương khớp) thì tìm đến khu vực có suối nước; lấy cây hà pẹ (chữa ho), cây tắc kè đá (chữa bệnh thận), cây thài lài tía (chữa bệnh trĩ) phải tìm đến nơi có các tảng đá; cây chân chim (bổ gan, bổ thận) tìm trên những cây thân cao…”-bà Triệu Thị Bình ở thôn Yên Sơn, chia sẻ kinh nghiệm.

Tuy nhiên, tìm cây thuốc hiện nay đã không còn dễ dàng đối với đồng bào Dao nữa, đó là tất yếu khi có nhiều người phát huy nghề truyền thống của gia đình thì chẳng cây cỏ nào có thể mọc lên kịp, cây thuốc trong tự nhiên ngày càng khan hiếm. Do đó, ngoài “kỹ năng” biết cách tìm cây thuốc cho phù hợp với việc chữa bệnh, đồng bào Dao còn truyền nhau kinh nghiệm ươm trồng cây thuốc trong vườn nhà: “Trước khi trồng cây thuốc ở vườn phải trồng các cây có tán lá rộng, cao để che nắng và làm chỗ bám trước”-bà Triệu Thị Bình vừa nói vừa lôi từ túi thuốc của mình đeo trên người và khoe gốc cây củ béo, loại cây chữa bệnh dạ dày mà bà trồng trong vườn nhà.

Một cách quảng bá di sản phi vật thể

“Từ khi bốc thuốc và bán thuốc, cuộc sống gia đình tôi có nhiều thay đổi, từ chỗ không đủ ăn đến đủ ăn, có của để dành. Năm 1984, có ngày tôi đi bán thuốc về mua được một con bò, sau đó mua sắm nhiều đồ đạc. Năm 1989, tôi là người thứ hai trong làng mua xe máy, rồi thì xây nhà mái bằng và giờ mua được cả ô tô. Tất cả đều nhờ vào nghề thuốc, nếu không có thuốc thì không có gì cả”-bà Triệu Thị Lan kể.

Tìm thuốc, chế biến thuốc, bán thuốc lâu nay đã tạo nên “thương hiệu” cho đồng bào Dao, đưa bài thuốc của bà con vươn rộng ra khắp các tỉnh, thành phố khác. Điều đặc biệt, qua việc đi tìm thuốc của bà con tới các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắc Lắc… thì việc truyền lại kinh nghiệm dùng thuốc, sử dụng thuốc Nam hiệu quả cũng được đồng bào Dao truyền đạt cho bà con sở tại. Nên, như lời của PGS, TS Nguyễn Văn Huy, đi nhiều nơi, nếu có đồng bào Dao hay đồng bào dân tộc khác nữa, hỏi thuốc này lấy đâu ra, ai bày cách dùng, thì chẳng ngần ngại, người dân “mách” thuốc người Dao.

Trước việc tìm kiếm, thực hành và truyền dạy tri thức truyền thống độc đáo này của đồng bào Dao đang ngày một phát triển, trong Đề án "Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội", Trung tâm nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa đã đặc biệt quan tâm, khuyến khích bà con mở lòng… Và thành tựu đến đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11-2015, các nghệ nhân làm thuốc của xã Ba Vì đã trình diễn "tri thức dân gian" trước đông đảo công chúng cùng du khách.

Tin vui đến với bà con dân tộc Dao khi ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội quyết định dành không gian trong khu vực đình Mông Phụ (phục dựng) tại bảo tàng để bà con có thể trình diễn nghề thuốc Nam. Ông Lý Sinh Vượng cho biết, bà con rất vui khi biết tin này. Lâu nay thuốc Nam người Dao đã vươn xa ra nhiều nước trên thế giới, trên các chuyến bay quốc tế có thuốc của người Dao. “Thuốc thì 1 đồng nhưng công, cước thì đến 10, 20 đồng. Người mua đã rất tin tưởng vào thuốc của chúng tôi. Nay được bảo tàng tạo điều kiện cho bà con trình diễn, cũng có nghĩa tri thức truyền thống của đồng bào Dao sẽ được quảng bá rộng hơn tới đông đảo người dân và du khách”-Phó chủ tịch UBND xã Ba Vì cho hay.

                                                                                                                            Theo: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.470.635
Tổng truy cập: