VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Gọi gió về thung
(Ngày đăng: 15/08/2012   Lượt xem: 597)

Gọi gió về thung

Vất vả suốt một chiều biên tái, lần mò đi trong thung lũng mây mù, tôi mới tìm được đến nhà ông. Căn nhà gianh tre nằm đầu bản Làng Mo (Văn Lợi, Quỳ Hợp, Nghệ An), đất đỏ lầy thụt lối vào. Ở đó, "thần" kèn Trương Văn Lợi (SN 1939, người dân tộc Thổ) đương vận quần đùi, áo cộc đánh đu trên mái nhà cài lại mấy viên ngói vỡ. Không khách khí hay tỏ ý thăm dò khách lạ, người đàn ông mà tiếng kèn đã làm say lòng biết bao sơn nữ nói thủng thẳng: "Tuổi à, 74 rồi, thọ thứ nhì Làng Mo này đấy! Còn kèn á, vẫn thổi đấy, thổi cho đỡ nhớ, thổi cho lớp trẻ khỏi quên tiếng kèn của người Thổ thôi mà!", cứ thế, câu chuyện giữa chủ và khách lúc ề à như tiếng gió thở dài, lúc rỉ rả như mưa rừng mùa hạ...

"Thần" kèn nơi thung vắng

Ông Trương Văn Lợi trước ngôi nhà của mình trong xóm núi.
Sống giữa cái nôi văn hóa của người dân tộc Thổ miền Tây xứ Nghệ, từ lúc là đứa trẻ chăn trâu, đầu còn để chỏm, ông Lợi đã ham kèn. Bố, ông nội, cụ nội đều là những "tay" kèn nổi tiếng. Mỗi lần bản làng mở hội, ông lại bám áo ông, áo bố, "xem" kèn. Mới 12 tuổi, ông đã thuộc làu làu từng giai điệu, từ kèn sải du dương, trầm bổng đến lồng ba reo vui như nước suối nguồn...

Có đận mải vui, ông Lợi để trâu ăn hết sạch mấy nương ngô, còn mình vắt vẻo bên ghềnh đá thổi kèn réo rắt. Bị người làng bắt vạ, mẹ ông, người đàn bà cả đời không bước ra khỏi nách núi ấy, đã phải lẳng lặng giấu chồng đem hai bao tải cả khoai lẫn sắn đi đền. Cũng không hẳn là bà bao che, bởi bà đã nhìn thấy ngọn lửa đam mê âm nhạc cháy trong mắt con trai.

17 tuổi, ông cũng như bao chàng trai dân tộc Thổ khác, cứ mỗi phiên chợ lại vác kèn đi để thổi mời gọi "bạn tình". Bao giờ cũng vậy, khi tiếng kèn của ông cất lên, người ta nghe trong đó vừa như có tiếng nước róc rách từ trên nóc núi chảy xuống thung lũng Chín Ngăn, vừa như có tiếng gió dào dạt chơi cút bắt trên cánh rừng đại ngàn... Chẳng thế, biết bao sơn nữ mơ màng, đắm say khi nghe tiếng kèn như "thôi miên" của chàng trai vạm vỡ tựa con báo gấm hoang vu. Nhưng, ông Lợi chỉ chú ý đến một người. Đó là Trương Thị Phượng (SN 1940), người con gái đẹp nhất nhì thung lũng Làng Mo, đẹp như bông hoa sim, hoa mua đầu bản.

Mất hai đêm dầm sương đứng đầu hồi thổi kèn gọi bạn, đến đêm thứ ba, khi tiếng kèn của ông vừa mới cất lên, cô Phượng khẽ mở rào dúi vào tay ông chiếc khăn có thêu hình đôi chim đang bay lượn. Ông có người yêu từ đó.

Ai cũng ngỡ rằng, đôi trai tài gái sắc ấy sẽ nên duyên vợ chồng một sớm một chiều, thế nhưng mãi 5 năm sau, đám cưới mới được tổ chức. Bởi cũng trong năm đó, ông Lợi đi thoát li. Sau hai năm làm công nhân cho xí nghiệp khai thác gỗ ở Con Cuông (Nghệ An), đến năm 1958, ông chuyển ra Hà Nội, công tác tại bộ phận khảo sát địa chất, đo đạc đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải. Mãi đến năm 1960, tranh thủ được 15 ngày phép, ông về quê lấy vợ. Cưới nhau mới được vài hôm, vợ chồng còn đương lửa mặn hương nồng, ông lại phải lên đường đi công tác.

Suốt hơn 10 năm rong ruổi khắp nẻo rừng Tây Bắc để khảo sát đo đạc địa chất, không khi nào ông Lợi quên mang theo chiếc kèn của dân tộc mình. Ông bảo, khi đó rừng núi hoang vu, đêm lán trại buồn hiu hắt, tiếng kèn vừa là bầu bạn, vừa giúp ông vơi đi nỗi nhớ vợ, nhớ quê. Đến năm 1969, ông Lợi được xung vào đơn vị vận tải số 8, chuyên chở vũ khí, đạn dược phục vụ cho chiến trường Quảng Trị. Suốt những năm tháng "tay vần vô lăng, mắt nhìn pháo sáng" dọc con đường Trường Sơn lịch sử, bom đạn bời bời, ông vẫn không thôi nhớ về tiếng kèn, tiếng chiêng, tiếng trống của người Thổ trong những đêm lễ hội. Bởi, do nhiệm vụ phải đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn, nên chiếc kèn ông mang theo chẳng mấy khi dùng đến. Lắm lúc nhớ quá, ông chỉ dám mang kèn ra lau chùi, không dám thổi.

"Bao giờ cho đến ngày xưa…"

"Thần" kèn Trương Văn Lợi bên chiếc kèn của dân tộc Thổ.Ảnh: N.G
Sau khi hòa bình lập lại, năm 1977, ông Lợi về công tác tại Xí nghiệp Vận tải số 16 đóng ở Vinh cho đến tận khi về hưu. Về lại mái nhà nơi vùng đất Phủ Quỳ, ông cùng một số bậc cao niên trong bản đứng ra thành lập đội nhạc chuyên phục vụ cho đồng bào nhân các ngày lễ hội. Trong các nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Thổ, kèn đứng hàng thứ 4 sau trống, cồng, chiêng. Kèn có 7 lỗ, tương ứng với 7 nốt âm: ò, ni, né, nê, nề..., khi biểu diễn cùng dàn nhạc, người thổi phải biết điều khiển sao cho quấn quện với tiếng chiêng, tiếng trống.

Ngoài khả năng chơi kèn đã "vang danh một cõi", ông Lợi còn có thể sử dụng thành thục tất cả các loại nhạc cụ còn lại. Hầu như ở bất cứ đâu, từ liên hoan, giao lưu văn nghệ các dân tộc của tỉnh, của huyện đến các lễ hội của người Thổ trong vùng ông đều góp mặt. Không chỉ là người trực tiếp chơi nhạc, ông còn cố gắng truyền thụ cho lớp con cháu nhằm duy trì, bảo tồn một nét văn hóa lâu đời.

Cả đời đắm đuối với tiếng kèn như thế, nhưng có điều lạ là ông Lợi chưa từng được bất cứ bằng khen, giấy khen nào của các ban, ngành văn hóa. Trong bốn bức tường gỗ rêu cũ ở nhà ông, chỉ thấy treo đầy những huân, huy chương từ thời kháng chiến. Ông bảo, chả lẽ mình gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cha ông từ nghìn xưa để lại mà cũng cần người ta phải khen ư? Chẳng hóa ra mình làm vì thành tích à? Ông bảo, mình chơi kèn, múa kèn, thổi kèn không phải để thành một người hành nghề biểu diễn kiếm cơm, càng không phải để tìm chút hư danh. Mà đơn giản, ông chỉ là người mê kèn, muốn phục dựng những giá trị văn hóa tổ tiên mình từng sở hữu, giờ đang bị mai một đến xót xa.

Nhưng điều ông Lợi trăn trở hơn cả không chỉ là bốn người con của ông không ai nối được "nghiệp" cha, mà còn bởi những nhạc cụ của dân tộc Thổ ngày càng thưa vắng. Cả Làng Mo giờ chỉ còn duy nhất một bộ nhạc cụ treo ở ngoài nhà văn hóa. Mỗi khi bản có việc, các cụ mới cử một đám thanh niên ra mở cửa rồi "hộ tống" mang về. Người chơi nhạc thì còn có thể đào tạo, chứ thiếu nhạc cụ biết lấy gì để dạy?

Để "biểu diễn cho khách xem", suốt buổi chiều nơi xóm núi, ông Lợi đã phải nhờ Trưởng bản Trương Văn Hồng chạy đôn, chạy đáo mà vẫn không mượn được cái "lưỡi" nhựa. Bí quá, ông đành hái lá cây sa nhân làm lưỡi. Cứ kết thúc mỗi làn điệu, ông lại lọ mọ nhúng thêm một chiếc lá vào nước ấm để quấn cái khác, mắt ông buồn xa vắng. Ông bảo, mấy năm trước, cả bản có đến hơn chục chiếc kèn, nhưng người ta bán để mua ti vi, mua điện thoại hết rồi. Ông ngăn không được.

Ông sợ, một ngày nào đó, khi thế hệ những người già Làng Mo nằm xuống, thì tiếng kèn, tiếng chiêng, tiếng trống của người Thổ, một nét văn hóa riêng biệt của vùng đất hoang rậm này cũng bị "chôn" theo. Mà tuổi ông cũng đã nhất, nhì của bản, chỉ thoáng chốc nữa thôi cũng sẽ hóa cỏ xanh. Ấy vậy mà suốt mấy năm nay, ông vẫn kỳ cụi khắp miền Tây xứ Nghệ, để những mong gom về các "báu vật văn hóa" bị "đánh rơi". Mỗi khi đường xa gối mỏi, ông lại ước, bao giờ cho đến ngày xưa...

                                                                                                         Ngân Giang - Báo Biên phòng

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.518.490
Tổng truy cập: