VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Sân khấu đề tài lịch sử: đang thiếu sức sống
(Ngày đăng: 15/08/2012   Lượt xem: 759)

(Toquoc)- Sân khấu đang thiếu sức sống và sân khấu khai thác đề tài lịch sử càng yếu thế, khó có tín hiệu lạc quan hơn nếu không có sự thay đổi.

Một cuộc hội thảo quốc gia sẽ được tổ chức vào cuối năm nay để ‘xới’ lên vấn đề “Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử”. Theo đó, sẽ chú trọng sáng tạo đề tài lịch sử trong hai lĩnh vực văn học và sân khấu. Tuy nhiên, các liên hoan sân khấu hiện nay lại đang chú trọng đề tài hiện đại, không khuyến khích lịch sử. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NSND Lê Tiến Thọ- Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam về vấn đề này.

+ Thưa NSND Lê Tiến Thọ, trong khi chủ trương của Hội là đẩy mạnh sáng tác về đề tài lịch sử thì thực tế hiện nay, các liên hoan sân khấu đang không khuyến khích đề tài lịch sử. Điển hình là hai liên hoan sân khấu lớn gần đây?

- Đúng là hai liên hoan gần đây của ngành sân khấu là Liên hoan chèo 2011 cũng chỉ là đề tài hiện đại, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp vừa rồi 26 vở diễn cũng là đề tài hiện đại. Chúng ta đang hướng tới đề tài đời sống xã hội hiện đại. Nhưng đối với nghệ thuật sân khấu, có nhiều loại hình, mặt mạnh của sân khấu kịch là đề tài hiện đại, nhưng với loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương thì đề tài lịch sử lại là những cái làm nên hiệu quả. Vì vậy với mỗi loại hình, sẽ phải chú trọng các đề tài khác nhau để khai thác mặt mạnh của nó.



NSND Lê Tiến Thọ: “Đề tài lịch sử hết sức quan trọng, giá trị trường tồn vĩnh viễn, nếu chúng ta không biết đầu tư thì không nhân nó lên thành nền tảng tinh thần”

+ Nhưng có ý kiến cho rằng, sân khấu dùng để tài lịch sử là cũ và không hấp dẫn khán giả?

- Quan trọng là qua vấn đề lịch sử ấy mà ngày hôm nay người ta quan tâm là cái gì. Quay lại đề tài lịch sử cách đây rất lâu là “Bài ca giữ nước” của NSND Tào Mạt, cho đến giờ vẫn là bộ ba chèo về đề tài lịch sử bậc nhất của sân khấu chèo Việt Nam nhưng cũng là đề tài hiện đại. Nhờ vở chèo này mà Nhà hát chèo Quân đội ngày nay vẫn tồn tại và phát triển. Đề tài lịch sử được khai thác như thế nào, gắn gì với những bài học lịch sử hôm nay chứ không phải khai thác đề tài lịch sử là cũ. Có những cái mới về đề tài hiện đại ngày hôm nay nhưng chúng ta sáng tác và thể hiện nó một cách thô thiển thì vẫn không hấp dẫn được khán giả.

Bài học lịch sử bao giờ cũng có điểm tựa, khi chúng ta nói đến bài học lịch sử ấy thì người nghe, người xem, người đọc đã  có một cái khung. Cái điều mà người nghệ sỹ muốn trả lời ngày hôm nay là chúng ta mắc cái gì vào cái đinh lịch sử ấy (lịch sử chỉ là cái đinh để treo bức tranh-pv) cái người xem, người đọc cảm thấy cái gì trong ấy. Điều khó hơn nữa là làm sao để lịch sử sống động lên, mà nó có tính hiện đại ấy. Người nghệ sỹ sáng tạo phải hết sức nhạy cảm trong vấn đề cần đưa ra. Không phải cứ đề tài lịch sử là dễ đâu.

Anh muốn đưa đề tài lịch sử, câu chuyện người ta đã biết, cái khung, cái hình ấy đã có rồi, giờ mình đưa ra thì nói gì? Lấy xưa nói nay. Các cụ có câu rằng, tích tuồng là ngọn đèn soi rạng, soi ngày xưa sáng đến đời nay. Tưởng là soi người xưa nhưng thực ra là soi đến đời nay, những bài học lịch sử là quý giá, truyền thống giữ nước, tại sao ông cha ta làm được mà ta không làm được, hay là những bài học không cẩn thận mà quên mất lòng dân. Đấy là những bài học muôn thủa, nếu không chúng ta quên. Lấy những chuyện xưa nói chuyện nay, ngay việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng là đề tài lịch sử đấy chứ, ngày hôm qua đã là lịch sử của ngày hôm nay rồi. Đề tài lịch sử rộng lắm, kéo dài, những lát cắt lịch sử ấy cần được đưa lên sân khấu và chúng tôi đang trăn trở, gìn giữ để làm sao vừa có những tác phẩm hay mà vẫn giữ được bản sắc của loại hình nghệ thuật.

+ Đưa lịch sử vào các loại hình nghệ thuật không phải là việc chúng ta mới làm nhưng dường như hiệu quả chưa được nhiều, theo ông là vì sao?

- Khi còn ở Bộ VHTTDL, tôi đã đề nghị Cục Điện ảnh, Hãng phim tài liệu khoa học cùng Hãng phim hoạt hình xây dựng đề án những bộ phim lịch sử truyền thống về những câu chuyện cách mạng của Việt Nam cho thiếu nhi mà cho đến nay vẫn chưa làm được. Tại sao không làm được? Nếu hoàn thành thì sẽ có tập đại thành về lịch sử để cho thế hệ trẻ. Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Lý Công Uẩn…Bao nhiêu câu chuyện, chúng ta phải luôn luôn chiếu, phải có kênh kể những câu chuyện lịch sử cho thiếu nhi Việt Nam. Rồi sân khấu trong lịch sử hiện đại, chúng tôi có liên hoan sân khấu đề tài lịch sử hướng tới 1000 năm Thăng Long, chúng tôi có 60 vở, toàn đề tài lịch sử, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn, có bao nhiêu những tấm gương, những đề tài lịch sử. Ngay từ thời cụ Phan Sào Nam đã viết Trưng Nữ Vương, lấy tấm gương phụ nữ trung liệt giữ nước làm đề tài rồi. Tôi còn nhớ cụ Lê Duẩn mỗi lần chiêu đãi khách đều lấy vở này ra để biểu diễn cho mọi người.

Đó là những tấm gương không thể không nhắc lại, chỉ có làm thế nào để hấp dẫn, thì phải đầu tư cho lớp trẻ hiện nay dựng lên. Như hiện nay, chúng tôi làm sân khấu học đường, dựng Trần Quốc Toản ra quân, Thạch Sanh, dựng lại chuyện những anh hùng liệt sỹ… thì phải đẩy lên, để từ đấy thế hệ trẻ biết lịch sử. Đáng tiếc là chúng ta đang chạy theo kinh tế, theo thị trường bên ngoài. Trong khi nước ngoài đầu tư thế nào, họ bán phim giá rẻ cho chúng ta, tràn ngập thị trường của ta là phim Hàn, học sinh hôn ghế của thần tượng… Đó là gì, là nỗi đau mất bản sắc, mất nền tảng văn hóa và văn hóa đang không phải là nền tảng tinh thần. Lớp trẻ ngày hôm nay đang chạy theo cái gì? Đó là điều báo động, nếu chúng ta không có những bài học lịch sử, những hình tượng lịch sử thì chúng ta lấy cái gì để làm tấm gương cho ngày hôm nay.

Đề tài lịch sử hết sức quan trọng, giá trị trường tồn vĩnh viễn, nếu chúng ta không biết đầu tư thì không nhân nó lên thành nền tảng tinh thần đậm đà, thì nó không lắng sâu vào lớp trẻ ngày hôm nay.

+ Ngoài việc chưa có sự đầu tư dài hơi của Nhà nước, cái yếu của các chương trình sân khấu lịch sử chắc chắn phải còn nhiều?

- Tính hấp dẫn của tác phẩm tính hiện đại của tác phẩm, thông qua đó người ta thấy gì, người sáng tạo chưa rút được điểm nhấn, làm sao để hấp dẫn. Có nhiều thứ phải đầu tư, trước tiên là sân khấu đẹp, đề tài lịch sử nó phải hoành tráng, âm thanh ánh sáng phải được đầu tư từng chi tiết một để người ta cảm thấy nhân vật lịch sử đó là những thần tượng của lớp trẻ ngày hôm nay. Thứ nữa là chúng ta không có quảng bá cho lớp trẻ đến xem. Một cơ quan có tiếp cận trực diện với khán giả hàng đêm, hàng ngày là đài truyền hình và báo chí thì không quảng bá lịch sử, chúng ta lại chạy theo các chương trình trò chơi, hoa hậu, người đẹp… thì nó “chết” là đương nhiên thôi.

+ Nhưng sân khấu miền Nam vẫn có những vở diễn lịch sử sống được?

- TP HCM đã xã hội hóa. Vở về Lý Thường Kiệt của Idecaf  diễn rất nhiều đêm, vở ca ngợi Lê Thánh Tông cũng diễn rất nhiều buổi. Đấy là những thành công của xã hội hóa. Vở “Nỏ thần” của sân khấu kịch Hồng Vân cũng đã biểu diễn nhiều ở cả Nam và Bắc. Đó là nhờ sự năng động của các ông bầu.

Ngoài đầu tư cho tiết mục thì họ tìm những ngôi sao sân khấu và điện ảnh xuất hiện trên sân khấu kịch. Ngoài Bắc chỉ có câu chuyện chứ không có nghệ sỹ ngôi sao. Lớp trẻ ngày hôm nay ngoài câu chuyện hấp dẫn thì họ còn muốn xem nhân vật “hot” của họ nữa. Ví dụ ngoài Bắc có Hoàng Dũng thì có thêm một nhân vật nổi tiếng nào đó của giới trẻ nữa thì sân khấu mới hấp dẫn được. Sân khấu công lập “yếu” nữa là không có PR. Nhà nước cho 300 triệu để đựng một vở thì cứ làm một vở, không có quảng cáo. Đó cũng là hàng hóa, phải bán cơ mà, không quảng cáo thì ai đến, không hút được người xem, không có cách gì!

+ Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hồng Hà (thực hiện) 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.518.390
Tổng truy cập: