VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Một già làng Cơ Tu mẫu mực
(Ngày đăng: 03/10/2015   Lượt xem: 385)
Từng tham gia hoạt động cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; sau ngày hòa bình lập lại, ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng Công an xã. Đến nay, dù tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn miệt mài, thầm lặng đóng góp công sức của mình vào sự yên bình của làng xóm và duy trì nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng)…

Trước mặt thôn Giàn Bí là dãy núi Giỏ Lỗ sừng sững như chạm đến trời xanh. Sau thôn là một ngã ba sông, nơi gặp nhau giữa sông Nam và sông Bắc, hợp lại thành sông Cu Đê chảy về hạ du. Người Cơ Tu gọi nơi này là ngã ba Vũng Bọt. Ngôi nhà nhỏ của ông Bùi Văn Cầm (85 tuổi) nằm giữa thôn Giàn Bí. Khi vào nhà, chúng tôi để ý, chỗ trang trọng nhất chính giữa nhà, phía trên cùng ông Cầm treo lá cờ Tổ quốc, phía dưới là hình Bác Hồ và xung quanh treo chi chít các bằng khen, giấy khen mà ông có được.

Dù đã 85 tuổi, nhưng ông Cầm còn khỏe mạnh và rất linh hoạt. Rót chén nước lá ngũ da bì và chè dây mời khách, ông Cầm cho biết: Thôn Giàn Bí hiện có 130 hộ dân, với hơn 470 nhân khẩu, là nơi sinh sống của đồng bào Cơ Tu từ bao đời nay. Sở dĩ thôn có tên Giàn Bí là do trong chiến tranh, dân làng di cư sang thôn Lồ Ô, xã 5, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Ở đó, dân làng làm rất nhiều giàn bí, giàn bầu, giàn mướp để có cái ăn. Tuy nhiên, dưới giàn là những hầm bí mật nuôi giấu bộ đội cách mạng. Những “giàn bí” trùng điệp ngày ấy che mắt quân thù. Sau ngày giải phóng đất nước, đồng bào trở về quê cũ làm ăn, và để nhớ lại một thời kháng chiến gian khổ, hào hùng nên đã đặt tên cho thôn là Giàn Bí…

Ông Cầm truyền dạy điệu hát lý cho lớp trẻ thôn Giàn Bí.

Nhâm nhi vài hớp nước lá, ông Cầm lục tìm trong ký ức của mình về quãng đời đã qua. Ông kể, năm 1947, ông tham gia Mặt trận Việt Minh, làm liên lạc tại Tiểu đoàn 18, hoạt động tại Khe Dong qua Khe Mít và vùng Trung Mang (đều là những địa danh giáp với huyện Đông Giang bây giờ), Tam Kỳ.

Năm 1954, ông nằm trong danh sách 300 người được tập kết ra Bắc, nhưng xin ở lại, tiếp tục hoạt động cách mạng bí mật... Chiến tranh rồi cũng qua đi, sau giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ông về công tác tại xã Hòa Lạc. Đến năm 1981, xã Hòa Lạc tách ra thành 2 xã Hòa Liên và Hòa Bắc và sau đó, ông được điều động làm Trưởng Công an xã Hòa Bắc. Với cương vị của mình, ông cùng người dân chống lại nhiều mưu đồ chia rẽ, kích động của các thế lực thù địch.

Hiểu được tính cách và đặc thù là vùng đồng bào Cơ Tu sinh sống nên ông luôn bám sát địa bàn, đến từng nhà dân, dùng điệu hát lý truyền thống của người Cơ Tu để thực hiện tuyên truyền các chính sách, chủ trương của Đảng, của Nhà nước. Nhờ có sự đóng góp công sức của ông mà vùng quê Hòa Bắc không những được yên bình mà còn phát huy được điệu hát lý truyền thống. “Đối với người Cơ Tu thì hát lý được dùng chính trong 3 dịp. Thứ nhất là trong các lễ hội, thứ hai là trong các buổi hòa giải và cuối cùng là trong các đám cưới, đám hỏi. Hồi mình còn làm Trưởng Công an xã từ năm 1982-1993, do trình độ dân trí trong vùng khi đó còn thấp, pháp luật chưa được người dân hiểu rộng rãi nên phải dùng hát lý để tuyên truyền, phân giải mỗi khi có xô xát hay mâu thuẫn. Mà người Cơ Tu mình rất trọng những người biết hát lý, nên sau những buổi hòa giải như vậy, họ không còn tái phạm lỗi lầm đó nữa”, ông Cầm bộc bạch.

Để điệu hát lý của người Cơ Tu không bị mai một, ông Cầm thường xuyên dạy cho lớp cháu, con trong làng biết những bài hát lý cơ bản. Vì theo ông: “Hát lý của người Cơ Tu khó lắm. Phải biết, phải hiểu kia. Còn thanh niên bây giờ cũng nhát học hát lý nữa. Nên một mặt mình dạy lớp trẻ biết hát lý những bài cơ bản, mặt khác mình còn sáng tác ra các bài lý phù hợp với thực tế hiện nay để dễ bề dạy dỗ con cháu.

Như mình sáng tác bài lý có nội dung tạm dịch là: “Cha mẹ đi trước, các con theo sau. Đừng học theo cái xấu mà dùng xì-ke, ma túy. Phải học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại...”. Nói về những đóng góp của ông Cầm với thôn Giàn Bí, ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí, cho biết trong cộng đồng người Cơ Tu thì tiếng nói của các già làng, trong đó có ông Cầm, rất có giá trị. Do đó, mỗi khi thôn có việc gì cần cũng đều gọi nhờ ông Cầm ra mặt để nói chuyện với dân làng. Ngay như vài năm trước, khi nạn khai thác vàng lậu tại mỏ vàng Khe Đương lên cơn sốt, ông Cầm là người rất nhiệt tình, đi vận động từng nhà người dân không để con cái tham gia đàn đúm, tụ tập với các nhóm người khai thác vàng, không nghe theo lời xúi giục của người xấu mà ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trong thôn…

Với những đóng góp của mình, ông Cầm đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba. Năm 2007, ông được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Năm 2013, ông Cầm có vinh dự được ra thăm Lăng Bác và được đón tiếp thân mật tại trụ sở Bộ Công an. “Ông Cầm là một già làng mẫu mực lắm nên bà con trong thôn ai cũng yêu quý ông Cầm cả. Ở xã Hòa Bắc này, ông Cầm như là một cây cổ thụ và là tấm gương sáng để các thế hệ người Cơ Tu noi theo”, ông Hồ Tăng Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc, chia sẻ.

                                                                                                                    Theo: cand.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.469.871
Tổng truy cập: