VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong phát triển du lịch Sa Pa
(Ngày đăng: 08/08/2012   Lượt xem: 795)
Sa Pa là địa danh du lịch nổi tiếng Việt Nam, thu hút đông du khách nước ngoài đến từ nhiều nước trên thế giới. Ngôn ngữ tiếng Anh đã trở thành một công cụ giao tiếp quan trọng trong quá trình phát triển du lịch. Nhưng có một vấn đề được đặt ra là liệu người dân bản địa như Mông và Dao đỏ... có đang quá quan tâm đến tiếng Anh để mưu sinh mà để bản sắc văn hóa dân tộc dần mai một?

Một buổi học của lớp "Sa Pa O'Chau".

Ðỗ Huyền Trang, một cô gái trẻ người Phú Thọ vốn là một du khách quen thuộc của Sa Pa. Mỗi lần có thời gian rỗi, cô đều dành thời gian đến mảnh đất khí hậu mát mẻ quanh năm này để nghỉ ngơi, để được sống trong không khí dường như tĩnh lặng mà lại rất sôi động này. Cũng như bao du khách khác, Trang rất ấn tượng với những người dân bản địa hằng ngày vẫn mưu sinh giữa cái trung tâm thị trấn nhỏ bé và yên bình. Họ hầu hết là người Mông, người Dao đỏ và một số dân tộc khác. Và để đến được đây, mỗi ngày những người bao gồm cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em... này phải đi bộ hàng chục cây số từ tờ mờ sáng với những gánh đào, gánh mận nặng cả tạ trên vai. Còn có bà mẹ vai vẫn địu con, tay khoác theo hàng bao nhiều túi đồ thổ cẩm tự làm, vừa đi vừa hì hụi đan, chốc chốc lại quay ra hát vài lời ru con ngủ... Ðơn giản vì đó là nghề mưu sinh và cũng là niềm hy vọng để họ có thể kiếm thêm thu nhập vốn còn rất bấp bênh ở cái vùng núi non cao hiểm trở này. Nhưng ở một thị trấn du lịch với rất nhiều du khách nước ngoài thì điều đó chưa đủ. Ðiều ấn tượng nhất mà đến bây giờ Huyền Trang vẫn không khỏi khâm phục những cư dân bản địa ở Sa Pa chính là khả năng học, nói và giao tiếp bằng tiếng Anh một cách lưu loát với khách du lịch. Nếu một người khách nào đó lần đầu đến Sa Pa hẳn sẽ phải bất ngờ khi chứng kiến các cô gái Mông đi theo một nhóm khách du lịch và "thao thao bất tuyệt" bằng tiếng Anh về những món hàng đầy mầu sắc cầm trên tay. Ðiều này giúp ích rất nhiều trong công việc bán hàng và không ít lần các vị khách nước ngoài đã xiêu lòng và chấp nhận mua đồ lưu niệm từ những người chủ hàng dễ thương nói tiếng Anh trôi chảy.

Trên thực tế, phần đông người dân tộc thiểu số hiện nay ở Sa Pa sử dụng tốt tiếng Anh giao tiếp, bởi vùng đất du lịch này ngày càng thu hút đông du khách nước ngoài. Quá trình sinh sống và du lịch hình thành nên một mối quan hệ giao tiếp sử dụng Anh ngữ trực tiếp và là môi trường tốt để rèn luyện khả năng tiếng Anh của những người dân tộc thiểu số bản địa. Pi-tơ Ghin-bớt đến với Sa Pa cách đây hai năm và không lâu sau đó, anh quyết tâm ở lại mảnh đất này bởi anh quá yêu cảnh vật, con người nơi đây, nhất là những em bé người Mông, người Dao đỏ hằng ngày vẫn "lẽo đẽo" chạy theo chàng trai Anh quốc để mời mua đồ, quà lưu niệm.

Ðó cũng là động lực để Pi-tơ quyết định cùng Tẩn Thị Shu, một cô gái Mông trưởng thành từ công việc hướng dẫn viên du lịch cho người nước ngoài thành lập lớp học tiếng Anh, tiếng Việt và văn hóa người Mông ở ngay trung tâm thị trấn Sa Pa với tên gọi "Sapa O’Chau" (nghĩa là " Cảm ơn Sapa").

Tuy nhiên, cùng với việc sử dụng tốt tiếng Anh trong giao tiếp là việc giao lưu, tiếp xúc và thâm nhập của văn hóa và lối sống khác lạ so với lối sống và văn hóa bản địa truyền thống. Ðây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh mở rộng giao lưu và phát triển, nhưng lại nảy sinh vấn đề liệu điều đó có khiến văn hóa truyền thống và ngôn ngữ phổ thông bị xao nhãng và phai nhạt? Một thực tế cho thấy, nhiều người dân bản địa buôn bán ở Sa Pa đều rất tự tin khi giao tiếp tiếng Anh với khách du lịch nước ngoài. Theo Trưởng phòng văn hóa thị trấn Sa Pa Giàng Seo Gà, một người nghiên cứu lâu năm về văn hóa người Mông ở Sa Pa giải thích, nguyên nhân khiến người Mông có thể học và nói tiếng Anh tốt đến như vậy xuất phát chính từ việc mưu sinh. Chỉ có học tiếng Anh thì mới bán được hàng hóa cho du khách người nước ngoài, họ buộc lòng phải học một cách nhập tâm vì nó gắn liền với lợi ích trực tiếp.

Em Giàng A Dở, một cô bé 17 tuổi, người Mông, hằng ngày vẫn đi bộ hàng chục ki-lô-mét từ bản Tả Phìn đến thị trấn Sa Pa chỉ để tham gia lớp học tiếng Anh miễn phí "Sapa O’Chau" với mong muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch hoặc chí ít là có thể giao tiếp tiếng Anh tốt hơn để bán hàng. Trong khi đó, Ðỗ Huyền Trang lại nuôi ý định tìm đến lớp học này để tham gia làm tình nguyện viên dạy tiếng Việt. Nhưng cô không khỏi bất ngờ với việc: lớp học tiếng Anh gồm những tình nguyên viên nước ngoài lại thu hút sự tham gia sôi nổi của rất nhiều các em bé dân tộc thiểu số còn lớp học tiếng phổ thông thì lại chỉ lác đác vài em ở nội trú của lớp học tham gia. Ðến bây giờ Giàng A Dở đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh rất trôi chảy và  "chuyên nghiệp" khi giới thiệu, chỉ dẫn mua bán hàng hóa, nhưng khi hỏi về những kiến thức sơ đẳng về văn hóa dân tộc thì lại lúng túng hoặc không biết. Mặc dù lớp học "Cảm ơn Sa Pa" được mở ra miễn phí để giúp các em nhỏ ở Sa Pa vốn gia cảnh khó khăn có một lớp học văn hóa nhưng quan trọng hơn cả mà Pi-tơ Ghin-bớt hay các tình nguyện viên nơi này mong muốn chính là phải duy trì được lớp học tiếng phổ thông và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số để các em thêm hiểu về dân tộc mình, thêm hiểu và yêu Sa Pa, yêu quê hương đất nước  hơn. Song vì bản chất cuộc sống và gánh nặng "thoát nghèo" dẫn đến tâm lý của các em nhỏ hay chính những người dân bản địa nơi đây dành sự quan tâm đặc biệt cho tiếng Anh.

Trước vấn đề này, ông Giàng Seo Gà đã quyết tâm bên cạnh việc giúp đỡ "Sapa O’ Chau" mở lớp học tiếng Mông, còn tổ chức riêng một lớp dạy văn hóa truyền thống người Mông miễn phí cho bọn trẻ ngay tại trụ sở trung tâm văn hóa thị trấn. Ý định này hoàn toàn tự nguyện từ người đàn ông vốn đã dành cả đời cho Sa Pa và những người dân bản địa thân thuộc, với mong muốn mọi giá trị văn hóa truyền thống không bị mai một trước thực trạng văn hóa Anh ngữ đang có dấu hiệu lấn át. Ðỗ Huyền Trang hay Pi-tơ Ghin-bớt hay bất cứ người khách nào yêu Sa Pa đều phải trầm trồ trước những bài múa khèn, những giai điệu bài hát "Nối vòng tay lớn" bằng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Mông được các em nhỏ ngân nga. Ðó mới là cội nguồn và gốc rễ của văn hóa dân tộc không dễ gì mất đi mà tồn tại muôn đời.


Theo nhandan.com
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.496.073
Tổng truy cập: