VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Rô băm – Loại hình nghệ thuật độc đáo của người Khme
(Ngày đăng: 06/08/2012   Lượt xem: 647)
Rô băm là loại hình nghệ thuật kịch múa cung đình khá độc đáo của người Khmer Nam bộ. Nó được ví như thể loại hát tuồng của người Kinh. Tinh túy và độc đáo như thế, nhưng số lượng công chúng có trình độ thưởng thức không nhiều và loại hình nghệ thuật này đang có nguy cơ bị mai một dần…
 



   Biểu diễn nghệ thuật Rô băm trên sân khấu


Đôi nét về Rô băm

Theo ông Đào Chuông, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang, thì: “Rô băm còn gọi “Rom Rô băm” là loại kịch múa cổ điển sân khấu cung đình của người Khmer xưa đã đạt đến một trình độ nghệ thuật rực rỡ. Có thể liên tưởng Rô băm của người Khmer với nghệ thuật hát Tuồng của người Kinh. Rô băm chuyên về diễn tả những “chuyện xưa tích cũ”.

Người nghệ sĩ biểu diễn Rô băm với những động tác của đôi bàn tay trong tư thế phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển, uốn cong toàn thân. Để đạt được trình độ như thế, người nghệ sĩ phải trải qua nhiều năm khổ luyện, phải chịu khó luyện tập từ nhỏ và phải hết sức kiên nhẫn. Trong các vở diễn có hàng trăm động tác múa cổ điển đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của cổ, vai, tay, chân... của người nghệ sĩ.

Sau khi đã thành thục các điệu múa, diễn viên mới học thuộc lời thoại và lời hát. Một diễn viên muốn diễn tốt một vai phải mất cả năm trời luyện tập. Rô băm ngoài múa còn dùng lời nói, lời hát để giải thích tình tiết, sự kiện, hành động của vai diễn. Nội dung thường là tích cổ như vở “Riêm kê” trích từ anh hùng ca Ấn Độ Ramayana. Nhân vật trở thành mẫu người lý tưởng của người Khmer như: nàng Sêđa xinh đẹp thủy chung, hoàng tử Rama tài giỏi nhưng gặp nhiều gian truân, khỉ thần Hanuman có pháp thuật cao cường…

Anh Lâm Vinh, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, cho biết thêm: Trong một vở diễn Rô băm thường có 2 tuyến nhân vật. Vua, hoàng tử, công chúa không mang mặt nạ. Những nhân vật mang mặt nạ gồm nhiều loại, nhưng nổi bật nhất là vai chằn - đại diện cho phái ác. Ngoài ra, trong vở diễn Rô băm cũng xuất hiện vai hề để gây cười, làm vui nhộn sân khấu. Nhạc cụ của Rô băm chủ yếu là trống vỗ, trống dùi, chiêng và kèn Slayrom khi cất lên làm say đắm lòng người. Trống có tác dụng thúc giục mạnh mẽ những màn chiến đấu. Kèn thì được cất lên khi khóc than thật ai oán...



Những mặt nạ và mũ được sử dụng trong nghệ thuật Rô băm


Theo lời các nghệ nhân, Rô băm xưa kia biểu diễn ngay trên nền đất được trải rơm. Ánh sáng được đốt bằng dầu mù u. Ngày nay, sân khấu được dàn dựng công phu với đạo cụ khá hiện đại. Màn chỉ được kéo lên một lần trong suốt vở diễn. Khi chuyển cảnh, ông bầu giới thiệu qua cảnh tiếp cho mọi người dễ dàng theo dõi.

Rô băm phát triển rực rỡ nhất vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Hàng năm, các đoàn nghệ thuật Rô băm thường đi lưu diễn ở các chùa. Đoàn đi đến đâu cũng được đồng bào Khmer tiếp đón nồng hậu. Các diễn viên hết lòng đem tài năng nghệ thuật ra phục vụ công chúng. Nhiều đêm diễn trăng sáng, mưa trái mùa lâm râm nhưng bà con vẫn nhiệt tình, chăm chú, say mê xem đoàn diễn hết đêm này đến đêm khác.

 

Nguy cơ mai một

Mặc dù rất tâm huyết với nghề, nhưng ông Đào Chuông thừa nhận: Đã nhiều năm nay, Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang không còn dàn dựng những vở diễn hoặc trích đoạn Rô băm nào. Lý do là kinh phí khó khăn và dàn dựng đòi hỏi rất công phu. Hiện đoàn chỉ tập trung cho ca-múa-nhạc. Lớp nghệ nhân điêu luyện, am hiểu Rô băm ngày càng hiếm vắng. Lớp trẻ ngày nay lại ít mặn mà với Rô băm bởi việc truyền dạy và ý thức kế thừa chưa được quan tâm đúng mức.

Đem nỗi trăn trở này đến các chùa của người Khmer, một vị đại đức trụ trì chùa Rạch Rìa, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, cho biết: Từ lâu, chùa đã không còn tổ chức Rô băm trong các dịp lễ, bởi nghệ nhân già thì thưa thớt dần, còn lớp trẻ biết Rô băm thì hầu như không có.



 Chị Lâm Thị Hương hướng dẫn thế hệ trẻ đến với Rô băm


Chị Lâm Thị Hương, Đoàn nghệ thuật Rô băm Bưng Chông tại Sóc Trăng, chia sẻ: Đoàn có 20-25 diễn viên, trong đó dòng họ của gia đình tôi đã 15 người, còn 5 người nữa là người của các địa phương khác. Chúng tôi mang tiếng là một đoàn nghệ thuật nhưng thực ra chỉ là của một dòng họ, tập hợp anh em yêu thích nghệ thuật để cùng nhau luyện tập, biểu diễn phục vụ bà con. Tất cả mọi chi phí cho luyện tập, biểu diễn đều do gia đình tự lo. Hiện nay, hoạt động của Đoàn rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ vì không được đầu tư.

Đến nay, múa Rô băm vẫn chưa có trường đào tạo nên phần lớn là tự đào tạo tại lò nhà. Vì thế, chỉ có ai thực sự yêu nghề, dám hy sinh cho nghề mới theo nổi. Những năm gần đây, hoạt động của đoàn nghệ thuật chỉ ở mức rất cầm chừng. Tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, chỉ còn vài đoàn nghệ thuật của Trà Vinh, Sóc Trăng và Kiên Giang là còn có khả năng dàn dựng loại hình kịch múa này.

Xã hội hiện đại kéo theo các loại hình nghệ thuật phát triển rầm rộ. Những đêm diễn Rô băm trong sân chùa, trên những cánh đồng sau thu hoạch hay trong các lễ hội truyền thống của người Khmer Nam bộ, đã dần thưa khán giả và đi vào quên lãng. Nghệ thuật sân khấu Rô băm đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một.


Rô băm là bộ môn nghệ thuật thuộc di sản văn hóa của đồng bào Khmer. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ trình độ để thưởng thức, do tính sử thi ẩn chứa trong loại hình nghệ thuật này. Tính triết lý khắt khe, nhân văn cổ điển trong từng vở diễn Rô băm luôn được đề cao. Do đó, nó đòi hỏi người xem phải có kiến thức và am tường bộ môn nghệ thuật này. Muốn Rô băm không bị thất truyền, thì cần có sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía. Ngành chủ quản phải trực tiếp chỉ đạo và thực hiện việc sưu tầm, đào tạo lớp diễn viên trẻ hát hay, múa dẻo, làm sao bảo tồn và phổ biến cho bằng được môn nghệ thuật quí giá này. Đặc biệt, ở các phum sóc nếu có điều kiện nên khuyến khích thành lập các đội Rô băm quần chúng để giao lưu rộng rãi.

Qua 200 năm hình thành và phát triển, “giờ đây” Rô băm rất cần được bảo tồn và phổ biến, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Khmer Nam Bộ.

Theo quehuongonline
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.495.942
Tổng truy cập: