VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Chùa cổ Bình An kêu cứu
(Ngày đăng: 02/08/2012   Lượt xem: 2105)
Chùa Bình An, hay còn gọi là chùa Bình Văn, nằm trong quần thể di tích tổ đình Phật giáo Việt Nam, thiền viện đầu tiên của Việt Nam. Hiện ngôi chùa đang bị xuống cấp nghiêm trọng và cuộc sống của các nhà sư trong chùa gặp nhiều khó khăn.

Hội tụ linh khí đế vương

Chùa Bình An nay thuộc thôn Khương Tự, Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh. Phía đông chùa Bình An là chùa Dâu, chùa Tổ, phía tây là chùa Dàn, phía bắc có chùa Tướng, phía nam có chùa Đậu. Tương truyền, 5 chùa trên nằm ở đầu 5 con rồng và các con rồng ấy đều quy tụ về chùa Bình An. Theo thần phả thì chùa Bình An “nằm trên một viên ngọc là nơi bảo tồn, hội tụ linh khí đế vương”.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thời kỳ Bắc thuộc, vua Ngô đã cử Sỹ Nhiếp (137 - 226), một quan chức người Hán làm Thứ sử Giao Châu. Sỹ Nhiếp đã cho xây dựng lại thành Luy Lâu làm trung tâm bộ máy cai trị của mình và ngay tại cấm thành Luy Lâu, Sỹ Nhiếp đã xây dựng một ngôi chùa, đó là chùa Bình An. Sỹ Nhiếp đặc biệt ưu ái ngôi chùa. Sử sách ghi lại, xưa kia, vị thứ sử này đã dùng chùa Bình An để lựa chọn nhân tài, phúc khảo quan lại, bình văn bình thơ hàng năm. Chùa Bình An cũng được coi là thiền viện đầu tiên của Việt Nam.


Tương truyền, năm 1750, một người đàn bà có tên là Đinh Thị Điểm, người thôn Đông, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành Hưng đã thấy Phật hiện lên nói rằng: chùa Bình An là nơi tích tụ long khí, dưới lòng đất nơi đó bảo tồn một viên đá rồng linh khí của trời đất, con hãy về đó tôn tạo và tu thành chính quả. Vậy là sau đó, bà Đinh Thị Điểm đã tôn tạo chùa Bình An và tu ở đây.

Ông Cao Từ Linh, nhà tư vấn phong thủy và kinh dịch, tác giả của những cuốn sách Dịch học ngũ linh, Phong thủy ứng dụng trong kiến trúc hiện đại, Việt danh học... cũng nhiều lần đến chùa Bình An. Ông không rõ khối đá rồng ấy có thật không, nhưng ông khẳng định khu vực đất chùa Bình An có một nguồn năng lượng mạnh đặc biệt, rất hữu ích cho sức khỏe của con người. Người dân quanh vùng không hiểu gì về đá tụ linh khí đế vương nhưng họ tin rằng chùa Bình An linh thiêng, đặc biệt về học hành. Vậy nên mỗi mùa thi cử, người dân khắp nơi lại tấp nập đến đây cầu xin.

Chùa cổ kêu cứu

Trước kia, chùa Bình An nằm trong cấm thành Luy Lâu, chỉ các bậc đế vương mới được vào và phía trước chùa là sông Thiên Đức tấp nập thuyền bè đi lại. Nhưng hiện nay, ngôi chùa đã rơi vào tình trạng tang thương. Dòng sông Thiên Đức xưa nay chỉ còn là một cái mương nhỏ. Chợ làng che lấp hết đường vào chùa. Muốn vào chùa, Phật tử phải len lách qua những người bán hàng, đi trên con đường gập ghềnh đầy rác thải của chợ. Tam bảo của chùa cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, mái sụp, tường nghiêng, cột nhà mục ruỗng. Bởi lần trùng tu gần nhất của chùa Bình An cũng cách đây hơn 1,5 thế kỷ, đó là năm Thiệu Trị thứ 3 (năm 1844).

Hiện vật giá trị nhất của chùa là chiếc chuông đồng làm vào năm Cảnh Thịnh thứ nhất (năm 1793) và 6 bia đá được làm vào những lần trùng tu. Nhiều tượng Phật trong chùa được làm từ thời Nguyễn. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Quốc Trung, nếu xác định đúng thì chiếc chuông đồng của chùa thuộc vào hàng quý hiếm. Bởi hiện nay, những chiếc chuông thời Tây Sơn như vậy không còn nhiều ở Việt Nam.

Vì sợ Tam bảo sẽ sụp đổ bất cứ khi nào nên nửa tháng trước, nhà chùa đã khởi công xây lại và theo tính toán của sư cô phải... ba năm sau mới xong. “Nhà chùa vừa xây vừa đi quyên góp nên mới lâu như vậy” - sư cô Thích Đàm Huệ Tỉnh giải thích. Khi được hỏi vì sao không đợi đủ tiền hãy xây, sư cô chia sẻ: “không thể đợi được nữa vì mái tam bảo bị sụp, cột nhà bị mối mọt mục ruỗng hết. Tôi sợ chùa đổ xuống tượng Phật thì chúng tôi mang tội. Nhà chùa rất mong được sự giúp đỡ của các Phật tử hảo tâm giúp xây dựng lại chùa cho khang trang hơn”.

Sư cô năm nay trên 50 tuổi, có dáng người thanh mảnh và ánh mắt sáng. Bà tin rằng mình được trụ trì ở đây là duyên nơi cửa Phật. Tu ở chùa Bình An, bên cạnh sư cô còn một sư bác. Hiện hai nhà sư ở trong một gian nhà mái ngói lụp xụp, cột nhà xiêu vẹo mà có lẽ cũng sắp đổ đến nơi.

Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.496.417
Tổng truy cập: