VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
10 đóa hoa vô thường ở ngã ba Đồng Lộc
(Ngày đăng: 02/08/2012   Lượt xem: 860)

Những lời ca giản dị của nhạc phẩm 'Như 10 đóa hóa thơm' (nhạc Quỳnh Hợp - thơ Mai Hữu Phước) đưa người nghe về Ngã ba Đồng Lộc - nơi 10 cô gái kiên trung năm nào đã dâng tặng tuổi thanh xuân cho đất nước.

Ai về thăm dòng sông La
Ai qua ngã ba Đồng Lộc.
Nghe chuyện mười O con gái
Cuộc đời đã hóa bài ca…

Một chiều cách đây hơn 44 năm, chiều ngày 24/7/1968, mười trái tim ngừng đập trong một căn hầm tại Ngã ba Đồng Lộc vì một quả bom định mệnh do chiến tranh gieo rắc.

Các chị đã ra đi không một lời nhắn gửi, chưa kịp gọi tên người thân, người yêu, chưa kịp về lại bến sông quê gội tóc hương bồ kết. Các chị đã ra đi. Thời gian cứ cuồn cuộn trôi.

Mãi mãi đôi mươi, mười tám
Đẹp như 10 đóa hoa thơm
Chiến tranh nồng mùi thuốc súng
Mơ chùm bồ kết thơm hương

Phần mộ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc.

Phần mộ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc.

44 lần giỗ chung cho các chị. 44 lần thêm tuổi mà các chị chưa thêm tuổi cho mình. Cuộc đời các chị mãi mãi hóa bài ca, mãi mãi đôi mươi, mười tám theo cách suy nghĩ không riêng gì của nhà thơ Mai Hữu Phước. Anh đã nói hộ lời của chúng ta. Đó chính là tấm lòng tri ân sâu sắc với người đã khuất, với những đóa hoa thơm, đóa hoa vô thường trong thơ anh.

Một chuyến hành hương trở về bên dòng sông La, về với Ngã ba Đồng Lộc, trước anh linh của các Liệt nữ, nhà thơ Mai hữu Phước đã lặng lẽ thắp nén nhang lên 10 phần mộ mà hồi tưởng Chiến tranh nồng mùi thuốc súng đã từng đến nơi này vô cùng khốc liệt.

Trong chiến tranh chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là huyết mạch giao thông nối liền chiến trường miền Nam và hậu phương lớn miền Bắc nằm ở địa bàn xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.

Mỗi ngày đi qua, trái tim Đồng Lộc hứng chịu 1.863 lần máy bay Mỹ ném bom với 42.990 quả. Trung bình mỗi tháng bị đánh phá 25 ngày, mỗi mét vuông đất ở đây phải chịu 3 quả bom lớn. Bom Mỹ đã cày nát từng mét vuông đất ở nơi này nhằm xoá đi cả sự sống của cỏ cây chứ nói gì đến hoạt động sống của con người.

Nhà thơ Mai Hữu Phước đã có dịp viếng hương Nghĩa trang Trường Sơn. Trước hàng nghìn ngôi mộ của những con người đã làm nên dáng hính đất nước, anh đã khóc thầm.

Còn ở Nghĩa trang Đồng Lộc, trước một chứng tích tội ác của chiến tranh vẫn còn. Đó là hố bom sâu hoắm, chân anh chùng lại bên miệng hố bom. Anh như sợ dẫm phải lên từng bụi cây, cỏ dại kia. Anh nghĩ đó là một phần thân xác trinh nguyên của các chị đã tan vào đất, đã hóa thân vào cây cỏ xanh tươi.

Ở cái tuổi mười tám đôi mươi của các chị, tình yêu là một câu chuyện bình thường. Nhưng ngày ấy, tình cảm đặc biệt thiêng liêng đó mang hơi thở chung - tình cảm tập thể của tiểu đội.

Riêng tư, vui buồn các chị đều san sẻ cho nhau. Những cánh thư viết vội của những người lính đi qua Ngã ba Đồng Lộc gửi từ chiến trường miền Nam ra không còn là nỗi vấn vương, khắc khoải của riêng ai. Những cánh thư ấy là một phần tài sản tinh thần cho tiểu đội nữ thanh niên phá bom, san đường, đưa và đón những chuyến xe qua trạm an toàn.

Khách thập phương viếng nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc.

Khách thập phương viếng nghĩa trang Đồng Lộc.

Tình yêu của các chị gửi vào tình yêu đất nước bằng những công việc khẩn trương, khó nhọc và có thể hy sinh bất cứ lúc nào trên tuyến đường máu lửa đi qua Ngã ba Đồng Lộc:

Có O đêm về nhớ mẹ
Riêng tư chư hề vương vấn
Bám đường, phá bom thông tuyến
Nồi liền hậu cứ - tiền phương…

Chiến tranh đã lùi sâu dần vào quá khứ. Chính cái nơi ngày xưa kẻ thù rải bom loang lổ, tận diệt sự sống con người, cỏ cây bây gìờ đã hồi sinh. Nhưng mất mát, tang thương mãi còn đó.

Mười phần mộ. Mười cuộc đời trinh nguyên không nguyên vẹn thân xác bên hố bom kia trong nghĩa trang mang tên chung: Nghĩa trang 10 cô gái Đồng Lộc là minh chứng cho tội ác của giặc ngoại xâm.

Kẻ thù đã tìm mọi cách tước đoạt quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Những sự hy sinh thầm lặng của các chị là để giành lại những quyền cơ bản thiêng liêng ấy; trong đó quyền được tắm hương bồ kết trong những đêm trăng thanh bình.

Các chị đã dâng hiến cuộc đời cho quê hương, đất nước để thực hiện ước mơ nho nhỏ ấy thôi. Hình ảnh hai cây bồ kết xanh tươi, thủy chung với nắng mưa được đưa về trồng mấy năm gần đây là tình cảm tri ân của thế hệ hôm nay dành riêng cho các chị.

Sự hy sinh của các chị đã để lại sự bình yên. Không chỉ có thế, nơi các chị ngã xuống - Ngã ba Đồng Lộc trở thành Ngã ba huyền thoại dù Ngã ba ấy không nối với phố thị, không nối với đại dương mà nối với những Ngã ba yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Các chị mãi mãi là 10 đóa hoa thơm, bất tử với thời gian, “Tỏa hương dâng tặng cho đời’’.

Khu du tích Ngã ba Đồng Lộc ngày nay đã được tôn tạo, trở thành một không gian tưởng niệm thiêng liêng.

Những hố bom năm xưa vẫn còn đây, bất tử như chính tinh thần quả cảm và kiên cường của các chị. Trong tiếng chuông ngân vang mỗi sớm chiều linh liêng và thành kính, cứ ngỡ như tiếng hát, tiếng cười trong trẻo của các thiếu nữ ấy năm xưa… Các chị đã hòa vào lòng đất, góp phần tô đẹp bản hùng ca chiến đấu anh dũng của tuổi trẻ Việt Nam.

Mười O xung phong năm ấy
Hòa vào cây cỏ xanh tươi
Nở mười đóa hoa thơm ngát
Tỏa hương dâng tặng cho đời

Như 10 đóa hóa thơm - Một bài ca về những con người bất tử đã cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ Quốc. Đẹp đẽ và tự hào biết bao khiến người nghe rưng rưng, nghẹn ngào.

Theo vnexpress
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.495.745
Tổng truy cập: