VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Đặc sắc cổ vật văn hóa Óc Eo
(Ngày đăng: 30/07/2012   Lượt xem: 930)
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vừa khánh thành phòng trưng bày Óc Eo - Phù Nam, gồm hơn 100 cổ vật quý của nền văn hóa Óc Eo - một nền văn hóa cổ được hình thành và phát triển trên cơ tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu công nguyên, ở khu vực đồng bằng Nam bộ.

Các hiện vật bằng vàng

Phòng trưng bày được thực hiện trên cơ sở dự án cải tạo, nâng cấp phòng trưng bày văn hóa Óc Eo - Phù Nam, đã được Bộ VH, TT và DL phê duyệt và được triển khai từ năm 2010, nhằm giúp khách thăm quan hình dung được những đặc trưng cơ bản về nền một nền văn hóa cách ngày nay gần 2000 năm khá rực rỡ và đặc sắc, chứng tỏ rằng vùng châu thổ sông Cửu Long từng có một thời kỳ phát triển huy hoàng bên cạnh văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc và Sa Huỳnh ở Nam Trung Bộ...

Óc Eo là một trong những nền văn hóa cổ, hình thành và phát triển trên cơ tầng bản địa trong khoảng 10 thế kỷ đầu công nguyên ở khu vực đồng bằng Nam bộ. Được phát hiện lần đầu tiên ở Óc Eo, thuộc xã Vọng Thê, Thoại Sơn, An Giang, sau đó mở rộng ra phạm vi các tỉnh miền nam như: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ..., qua những cuộc khai quật, hàng vạn hiện vật phong phú, đa dạng vừa mang tính bản địa, vừa hàm chứa những thành tố của các nền văn minh Ấn Độ, Trung Hoa... đã được tìm thấy và đưa về bảo quản tại các bảo tàng khu vực phía Nam. Sau gần 70 năm phát hiện và nghiên cứu, tính từ cuộc khai quật lần đầu tiên năm 1944 do học giả người Pháp Louis Malleret thực hiện tại Óc Eo, tới nay diện mạo của nền văn hóa đặc sắc, nổi tiếng này ngày càng trở nên rõ nét. Những vấn đề khoa học về cội nguồn hình thành, phạm vi phân bố, loại hình di tích, di vật, đặc trưng, niên đại, quá trình phát triển... liên tục được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tìm tòi, lý giải, minh định.



Tượng thần Brahma bằng đá, thế kỷ XII - XIII

Theo Ts Vũ Quốc Hiền, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trước đây, Bảo tàng chỉ có một tủ trưng bày về văn hóa Óc Eo. Trong khi đó, với tầm quan trọng về lịch sử, văn hóa, Óc Eo cần được nâng cấp để giới thiệu có hệ thống. Do vậy, trong khoảng 10 năm qua, Bảo tàng đã sưu tầm các cổ vật thuộc nền văn hóa này. Tuy nhiên, số hiện vật sưu tầm được không nhiều. Để tạo dựng phòng trưng bày Óc Eo - Phù Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh để mượn thêm hiện vật.

Phòng trưng bày rộng hơn 200m2, đặt trên tầng 2 tòa nhà trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội, đã được cải tạo sửa chữa, nâng cấp nội thất, kiến trúc: tường, trần, sàn, các khu phụ trợ liên hoàn với các phần trưng bày khác trong bảo tàng, hệ thống điện, chiếu sáng được trang bị mới, hệ thống tủ bục trưng bày đạt tiêu chuẩn quốc tế... Công chúng có cơ hội thưởng lãm hơn 100 cổ vật đặc sắc của nền văn hóa Óc Eo, gồm các chất liệu gốm, kim loại quý, đá, gỗ, và một số ít bằng đồng. Đồ gốm hiện diện trong hầu hết di tích và là loại hình hiện vật thể hiện truyền thống bản địa rõ ràng nhất, gồm ba loại hình chính là đồ gia dụng, công cụ lao động và trang trí kiến trúc. Sản phẩm phổ biến là đồ gốm gia dụng như bình, hũ, nồi, nắp, bát, cốc, chai... trong đó loại hình đặc trưng nhất là bếp lò, vật dụng quen thuộc và thiết yếu của cư dân vùng sông nước. Vật liệu xây dựng và phù điêu trang trí kiến trúc bằng đất nung cũng là những di vật chủ yếu trong các di tích kiến trúc đền tháp của văn hóa Óc Eo.

Hiện vật kim loại quý bằng vàng, đá, mã não, thạch anh, thủy tinh... được chế tác thành vòng, nhẫn, bông tai, dây chuyền, hạt chuỗi, dùng làm đồ trang sức với nhiều màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng khác nhau, cũng được giới thiệu. Đáng chú ý là các lá vàng dập nổi hình mặt người, chạm khắc tạo hình hoa văn trang trí và chữ Phạn cổ. Ngoài ra còn có các hiện vật bằng đá, gỗ và một số ít tượng thờ Phật giáo và Hindu giáo bằng đồng. Những hiện vật này được tìm thấy trong nhiều di tích và rải rác trên khắp vùng Nam bộ. Giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật điêu khắc Hindu giáo và Phật giáo là từ thế kỷ V - VII. Phong cách điêu khắc vừa phản ánh rõ nguồn gốc ảnh hưởng từ nghệ thuật Ấn Độ, vừa thể hiện xu hướng bản địa hóa. Truyền thống nghệ thuật này còn được duy trì và phát triển trong giai đoạn sau, từ thế kỷ VIII trở đi, mà nhiều nhà nghiên cứu tạm gọi là giai đoạn hậu Óc Eo...

Ts Vũ Quốc Hiền chia sẻ: “Hiện phòng trưng bày vẫn chưa tương xứng với giai đoạn mà chúng tôi muốn thể hiện. Thời gian tới, Bảo tàng sẽ sưu tầm thêm hiện vật để thay thế các hiện vật mượn và nâng cấp phòng trưng bày cho xứng với tầm vóc của văn hóa Óc Eo”.

Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

13
Đang xem:
72.492.576
Tổng truy cập: