VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Xích lô - nét đẹp trong văn hóa du lịch Hà Nội
(Ngày đăng: 28/07/2012   Lượt xem: 870)
Đã từ lâu, trong lòng mỗi người dân Hà Nội, xích lô là một phương tiện độc đáo, làm nên nét riêng của văn hóa Hà Nội. Rất nhiều du khách nước ngoài khi đến Thủ đô cũng lựa chọn phương tiện di chuyển này để tham quan, khám phá nét đẹp cổ kính và tìm hiểu cuộc sống của người dân khu Kẻ chợ…
Giữa một Hà Nội sầm uất và náo nhiệt ngày nay, giữa những dòng người và xe hối hả chạy trong khu phố cổ, đôi khi ta bắt gặp hình ảnh những dòng xe xích lô thong dong chở khách du lịch đi tham quan, dọc theo những con phố nghề đã có từ lâu đời.
Xích lô có từ bao giờ?
Sự ra đời và nguồn gốc của xích lô cho đến giờ vẫn là một câu chuyện không rõ ràng và còn mang nhiều tranh cãi tại nhiều nước. Cho đến nay, cả người Nhật và người Mỹ đều đưa ra những bằng chứng xác thực cho rằng, người nước họ đã phát minh ra chiếc xích lô đầu tiên vào năm 1868 hoặc 1848 do những người thợ rèn đặt làm theo đơn hàng của các nhà thờ.

Xích lô Hà Nội 

Còn riêng về tên gọi xích lô, thì đây là tên phiên âm của từ gốc “cyclo” trong tiếng Pháp. Có tài liệu cho rằng, thuật ngữ “cyclo” được xuất hiện vào khoảng năm 1939 do một người dân tên là Coupeaud, thuộc miền Charente, Pháp nghĩ ra sau khi ông chế tạo ra chiếc đầu tiên và vận động Bộ Công chánh công nhận sáng chế và cấp phép lưu hành.
Tuy vậy, xích lô sau đó lại không trở thành phương tiện giao thông phổ biến ở nước Pháp hay các nước khác, mà lại được sử dụng tại các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Và kể từ đó, phương tiện giao thông này đã được Việt hóa bằng tên gọi “xích lô”, trở thành một phương tiện gắn bó với người dân Việt, đặc biệt là người dân Kẻ chợ.
Xích lô là phương tiện giao thông sử dụng sức người, có ba bánh dùng để vận chuyển khách hoặc hàng hóa, thường có một hoặc hai ghế cho khách và một chỗ cho người lái.
Thời gian đầu, xích lô được các nhân viên Pháp và quan lại của Hà Nội mua và sử dụng. Sự ra đời của nó làm thay đổi tư duy đi lại của người dân, từ di chuyển đường bộ chủ yếu bằng kiệu, võng, ngựa chuyển sang một phương tiện di chuyển khác, tiện lợi hơn. Dần dà, phương tiện này trở nên quen thuộc trên các đường phố Hà Nội, và tồn tại cho đến ngày nay.
Với ưu điểm là tiện lợi, không chiếm quá nhiều diện tích, rất phù hợp với những con phố, ngõ nhỏ, lối nhỏ của khu phố cổ, xích lô là phương tiện vận chuyển hành khách vô cùng hữu dụng, giúp mọi người có thể di chuyển dễ dàng hơn.
Thăng trầm xích lô Hà Nội
Trong hoài niệm của người Hà Nội xưa, hình ảnh chuyến tàu điện leng keng ở Bờ Hồ, tiếng rao của những gánh hàng rong và tiếng kẽo kẹt của chiếc xích lô đã trở thành những kí ức ẩn sâu khó phai mờ, làm nên một nét văn hóa rất riêng, rất đặc trưng của mảnh đất kinh kỳ.

Xích lô giờ đây là một phương tiện phục vụ du lịch 

Những năm gần đây, cùng với sự hiện đại hóa của thủ đô, xích lô giờ đây không còn được sử dụng như một phương tiện đi lại phổ biến nữa mà trở thành một sản phẩm phục vụ chủ yếu trong lĩnh vực văn hóa - du lịch.
Nhờ những yếu tố rẻ, tiện lợi, thân thiện và thoải mái mà xích lô hiện nay thường được các du khách quốc tế lựa chọn là phương tiện di chuyển khi đi tham quan Hà Nội. Ngồi trên xích lô, thong dong qua những con phố cổ, ngắm nhìn sự nhộn nhịp, tấp nập của một Hà Nội - 36 phố phường là một thú vui không nhỏ đối với khách du lịch. Sự độc đáo của chuyến tham quan bằng xích lô này luôn khiến khách du lịch thích thú đến độ reo lên mỗi khi đi qua các con phố nghề cổ. Trong sự ồn ào, tấp nập của thành phố hiện đại, những chiếc xích lô cứ thong thả, chậm rãi đi lại, như một điểm nhấn đặc biệt, giúp níu giữ nét văn hóa của Hà Nội xưa.
Anh Thành, lái xe của Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Lâm Anh chia sẻ: “Phần lớn hiện nay, các đoàn du lịch đều chọn giờ cao điểm để đi xích lô tham quan thành phố, để cảm nhận về cuộc sống của người dân Hà Nội. Ngoài ra, với một số người ưa thích sự yên tĩnh, hay muốn khám phá và hiểu đầy đủ nhất về một Hà Nội cổ kính thì sẽ chọn đi xích lô vào lúc 4g hoặc 20g. Với chuyến đi từ sáng sớm, du khách sẽ được ghé qua chợ hoa đêm Quảng Bá, qua Hồ Tây để tận hưởng không khí trong lành của buổi bình minh. Còn với một chuyến đi tối, du khách sẽ được đến Quảng Trường Ba Đình, xem và tham gia lễ hạ cờ, đi qua phố ẩm thực đêm và ngắm nhìn Hà Nội rực rỡ sắc màu về đêm”.
Để phục vụ khách du lịch, xích lô bây giờ được trang trí đẹp hơn, với lọng vàng, bọc đệm đỏ, cùng sơn một màu và một kiểu dáng, những người lái xích lô đều mặc đồng phục lịch sự. Anh Hưng - một người lái xích lô cho hãng Sans - Souci đã 3 năm cho biết: “Những người lái xích lô như chúng tôi hiện nay chủ yếu phục vụ khách du lịch. Bởi vậy, những năm gần đây, chúng tôi còn được công ty hướng dẫn nghiệp vụ, cho học thêm ngoại ngữ để có thể giao tiếp, trò chuyện với khách du lịch”.
Do vấn đề ùn tắc giao thông ở đô thị ngày càng nghiêm trọng, những năm gần đây Hà Nội đã thực hiện một số biện pháp để hạn chế dần, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn xe xích lô. Năm 2009, Hà Nội từng tổ chức hội nghị về quản lý hoạt động của xe xích lô trên địa bàn, các cơ quan chức năng đã mở nhiều đợt kiểm tra, siết chặt quản lý đối với hoạt động xích lô. Đến nay, tuy chưa xóa bỏ xích lô, nhưng Hà Nội quyết định hạn chế phương tiện này bằng việc giữ nguyên số xe đã đăng ký, đồng thời tiến hành “quét” xích lô dù núp bóng doanh nghiệp.
Về vấn đề có xóa bỏ hoàn toàn hoạt động của xích lô hay không đến giờ vẫn còn nhiều tranh luận. Các cơ quan chức năng cho rằng, cần xóa bỏ xích lô để tránh việc ùn tắc giao thông, còn đối với những nhà văn hóa và một bộ phận người dân lại không đồng tình ý kiến này vì cho rằng xích lô là một nét đẹp độc đáo trong văn hóa Hà Nội, khách du lịch đến Thủ đô mà chưa từng ngồi xích lô để tham quan phố phường là một thiệt thòi lớn.
Không thể phủ nhận, xích lô là nét văn hóa độc đáo của Hà Nội. Mặt khác, đây cũng là phương tiện mưu sinh của không ít người lao động. Bởi vậy, thiết nghĩ việc xóa bỏ hoạt động xích lô cần có lộ trình rõ ràng và nghiên cứu kỹ lưỡng nhiều mặt để tránh làm mất đi một nét đẹp văn hóa du lịch vốn có của Hà Nội.
Theo quehuong

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.493.524
Tổng truy cập: