VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Chợ Bưởi - Chợ phiên độc đáo ở Hà Nội
(Ngày đăng: 27/07/2012   Lượt xem: 2038)

Chợ Bưởi - với “sản phẩm” rất đặc trưng là cây cảnh và vật nuôi - nằm ở nơi giao nhau giữa đường Hoàng Hoa Thám và đường Bưởi. Tuy đã bị mai một dần những nét bình dị, mộc mạc của phiên chợ xưa, nhưng đây là một trong những chợ phiên lâu đời hiếm hoi còn được duy trì cho đến nay giữa lòng Hà Nội.
 
Là một chợ sinh vật cảnh rất độc đáo, chợ Bưởi mang nhiều nét văn hóa truyền thống của mảnh đất Kinh kỳ xưa. Chợ được họp một tháng 6 phiên vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 Âm lịch hàng tháng.

Nét đẹp của phiên chợ xưa

Chợ Bưởi xa xưa có tên gọi là chợ Hồng Tân, vốn được định vị trên đất làng Yên Thái ở bờ Tây Nam của Hồ Tây, nằm ở nơi hợp lưu giữa hai con sông Tô Lịch và Thiên Phù. Một số tài liệu cho rằng, chợ Bưởi được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, ở trung tâm vùng kẻ Bưởi cũ, giữa một vùng của các làng nghề thủ công nổi tiếng về làm giấy, dệt lụa, nấu nha, nuôi lợn, trồng dâu... Chợ Bưởi có một vị trí địa lý rất tốt, thuận lợi cho việc giao thương. Theo người xưa kể lại, trước đây, bưởi ở vùng mạn ngược theo dòng chảy trôi về đây nhiều, người dân thấy vậy liền vớt lên bán. Dần dần, theo thói quen, vùng này gọi là kẻ Bưởi và chợ nằm ở khu vực này gọi là chợ Bưởi.

Ban đầu, chợ Bưởi bán nhiều loại mặt hàng khác nhau, chủ yếu là những sản phẩm nổi tiếng như: dưa La, húng Láng, tương Bần..., một số loài thiên cầm như le, két, vịt trời... Ngoài ra, người dân ở những làng nghề thủ công lân cận như Nghĩa Đô, Yên Thái, Võng Thị, Đông Xã cũng mang hàng ra chợ bán. Tuy nhiên, chợ Bưởi vẫn nổi tiếng hơn cả với mặt hàng cây cảnh và con giống.


Vào ngày phiên, cây cảnh thường được mang đến từ các làng trồng hoa và cây cảnh như Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, Tây Tựu, Phú Thượng... và những con giống như chó, mèo, thỏ, chim được bày bán la liệt, cả khu chợ tấp nập, rộn ràng kẻ mua người bán.

Đối với người dân Hà Nội, chợ Bưởi là nơi quen thuộc mỗi khi có nhu cầu mua cây cảnh hay con giống, vật nuôi. Hình ảnh phiên chợ Bưởi trở nên thân thuộc, gắn bó với người dân Thăng Long xưa, như trong câu ca dao:

Chợ Bưởi một tháng sáu phiên

Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng.

Có thể nói, chợ Bưởi là một trong những phiên chợ cổ, mang nhiều nét văn hóa, gắn liền với mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nhất, trở thành một phiên chợ độc đáo, là nơi thăm thú của những người rảnh rỗi, nơi giao lưu, gặp gỡ giữa những người làm vườn, người có thú chơi cây cảnh và vật nuôi.


Cụ Phúc, một người sống gần khu vực chợ Bưởi lâu năm, cho biết: Trước kia, vào ngày phiên, chợ Bưởi giống như một ngày hội mua bán vậy, cứ tấp nập người ra người vào. Điểm đặc biệt thu hút khách đến với chợ là các sản phẩm được đem đến đây bán đều do chính người bán trực tiếp làm ra. Cũng bởi do người bán trực tiếp bỏ công chăm sóc nên hàng mua được thường rất “thật”. Ví như những cây cảnh mang đến chợ thường là những loại cây dễ trồng và dễ nở hoa. Cây của họ mộc mạc chứ không cấy ghép hay nối cành. Còn đối với những giống nuôi, người bán cũng tư vấn hết sức tỉ mỉ cho khách. Tại chợ Bưởi xưa, hầu như không có chuyện nói thách hay bắt chẹt khách, mà thuận mua vừa bán. Chợ vừa mang cái thanh lịch của vùng đất kinh đô cổ, vừa mang cái bình dị, mộc mạc, dân dã của phiên chợ quê. Đó chính là nét độc đáo hiếm thấy của chợ phiên này.

Chợ Bưởi ngày nay

Chợ Bưởi nay đã được xây dựng lại khang trang và hiện đại hơn rất nhiều, trở thành một trung tâm thương mại với các mặt hàng rất đa dạng, phong phú. Ngoài ra, như để duy trì và níu giữ nét đẹp của chợ Bưởi xưa, phía sau khu chợ vẫn để lại một mảnh đất nhỏ, làm nơi để buôn bán con giống, cây cảnh.


Anh Thành, một người buôn cây cảnh ở chợ, cho biết: “Do địa điểm trong chợ bé nhỏ, số người đến họp vào ngày phiên lại đông, nên nếu không đến sớm lấy chỗ, thì sẽ có người khác chen vào. Có người đến muộn, không có đất để ngồi bán, đành phải ra rìa chợ, bày bán tại vỉa hè ngã ba đường Bưởi và đường Hoàng Hoa Thám. Bởi vậy, giờ đoạn đường từ ngã ba Văn Cao đến hết đường Hoàng Hoa Thám hầu hết đều bày bán cây cảnh và vật nuôi”.

Hiện nay, hàng ngày các cửa hàng trên dọc đường Hoàng Hoa Thám vẫn bày bán sinh vật cảnh, nhưng nếu vào đúng ngày phiên thì chợ vẫn nhộn nhịp hơn hẳn, người dân từ nhiều nơi mang cây cảnh và vật nuôi đến chợ phiên bán, cả trong khu chợ cũng như dọc đoạn đường đều tấp nập người. Chợ thường họp từ rất sớm, khi trời tờ mờ sáng cho đến đầu giờ chiều mới kết thúc.

Những người đã gắn bó lâu năm với chợ Bưởi đều cho rằng chợ Bưởi ngày nay đã không còn giữ được nhiều nét đẹp của phiên chợ quê xưa. Dẫu vậy, như một thói quen, họ vẫn đến chợ vào những ngày phiên, nhiều khi không chỉ là để mua cây, mua giống mà để ngắm, để thưởng thức và nhớ lại không khí của phiên chợ xưa.

Bác Hùng, một cán bộ đã về hưu, tâm sự: “Tôi có thói quen đi chợ Bưởi đã vài chục năm nay rồi. Và lần nào có dịp đi, tôi cũng có “thành quả” mang về. Lần thì chậu hoa sứ, khi thì chậu đỗ quyên, có khi tôi cũng mua hạt giống một số loại rau như cải cúc, mùng tơi hay cải ngọt về trồng ở khoảng sân trước nhà; rồi bạn bè, hàng xóm thấy cây cảnh tôi mua đẹp cũng hay nhờ mua. Giờ đây, mỗi lần đi chợ Bưởi, được ngắm, thưởng thức và mua được những cây cảnh đẹp là niềm vui của tôi lúc tuổi già. Chỉ có điều, chợ bây giờ đã mất đi nhiều nét đẹp của chợ phiên xưa, cây cảnh nếu không cẩn thận, sẽ mua phải cây ghép, gắn..., người bán lại nói thách quá nhiều, chứ không như xưa”.

Khác với bác Hùng, chú Thanh, ở gần Cầu Diễn, cũng thường xuyên đi chợ Bưởi, nhưng thú vui của chú không phải cây cảnh mà là những vật nuôi, đặc biệt là những chú chim cảnh. Chú chia sẻ: “Thường thì cứ vào phiên 14 và 29 của chợ Bưởi là tôi lại đến đây để tìm mua thêm những giống chim đẹp, lạ mắt và hót hay. Đi chợ nhiều, tôi cũng quen biết được những người bán chim cảnh ở đây và những người khách có cùng sở thích với mình, thường cùng họ trò chuyện và được hướng dẫn về cách chọn xem con chim nào hót hay và cách nuôi chúng như thế nào cho tốt nhất. Có thể nói, với tôi, đi chợ Bưởi không chỉ để mua hàng mà đây còn là nơi tôi được gặp gỡ, tìm hiểu và giao lưu với những người có cùng sở thích”.

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của xã hội, nét đẹp của phiên chợ Bưởi đã ít nhiều  bị mai một. Nhưng chừng nào còn có những người biết thưởng thức và có thú chơi sinh vật cảnh, chợ Bưởi có lẽ vẫn còn tồn tại như một nét văn hóa chợ nói riêng và văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội nói chung.

Theo quehuong

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.492.277
Tổng truy cập: