VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Sử làng
(Ngày đăng: 23/07/2012   Lượt xem: 675)
Hầu hết làng quê Việt Nam ở Bắc bộ đều có hương ước, nhưng một số làng còn có cuốn sách viết về quá trình hình thành và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của làng. Trường hợp này rất hiếm, chỉ những làng giàu truyền thống Nho học và khoa bảng, có nhiều thế hệ nho sỹ tâm huyết với truyền thống làng mình mới có thể biên soạn được.

Hương ước là văn bản hoặc viết bằng chữ Hán - Nôm hoặc bằng Quốc ngữ, vào những năm đầu thế kỷ XX. Trong hương ước thường ghi tóm lược truyền thống tốt đẹp của làng, những tập tục, định lệ trong cuộc sống cộng đồng mà nhất nhất mọi người mọi nhà trong làng phải tuân theo. Hương ước không phải là luật, cũng không phải sử của làng. Hương ước cũng không do một tác giả viết nên, mà do cả cộng đồng góp ý kiến, tất nhiên là thông qua các vị chức sắc trong làng, rồi giao cho người có chữ ghi lại.

Đặc biệt, một số làng không chỉ có hương ước, mà còn có một cuốn sách, có thể gọi là tác phẩm Hán - Nôm, viết về quá trình hình thành và phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của làng. Tác phẩm do một (hoặc hai, ba) người viết nên, và có thể đời sau bổ sung những sự kiện mới. Trường hợp này rất hiếm, chỉ những làng giàu truyền thống Nho học và khoa bảng, có nhiều thế hệ nho sỹ trọng đạo Nho và tâm huyết với truyền thống làng mình mới có thể biên soạn nên những tác phẩm Hán - Nôm như vậy. Chẳng hạn, làng Quỳnh Đôi (Nghệ An) có cuốn Quỳnh Đôi hương biên; làng Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) có Lư sử điển yếu điều lệ; làng Tam Sơn (Bắc Ninh) có Thượng cổ xã Tam Sơn đồng dân công ước chí; làng Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) có Đông Ngạc xã chí; làng Hạ Yên Quyết (Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có Bạch Liên khảo ký... Những tác phẩm trên, dẫu được ghi rõ là ký, chí, biên hay Lư sử (ngoài Tả Thanh Oai, chưa từng thấy tác phẩm Hán - Nôm nào được gọi là thể loại Lư sử), nhưng tất cả đều chứa đựng nhiều giá trị sử học, giúp cho hậu thế hiểu về quá trình hình thành và phát triển, về đời sống văn hóa, xã hội của một làng quê. Nói một cách khác, các tác phẩm Hán - Nôm đó như là những cuốn sử làng. Ở đây, chúng tôi đơn cử giới thiệu tác phẩm Bạch Liên khảo ký - cuốn sử của làng Hạ Yên Quyết.



Chùa Hạ Yên Quyết                                 

Hạ Yên Quyết, tên Nôm là làng Cót, một làng rất cổ ven Thăng Long xưa. Trong phần mở đầu sách Bạch Liên khảo ký (BLKK), tác giả cho ta biết, thuở xưa xa vùng quê này có tên là Bạch Liên hoa xã. Làng đã hình thành từ rất sớm, nhưng mãi đến thế kỷ thứ IX, khi xây dựng thành Đại La, thì cơ cấu làng mới ổn định. Như vậy, tên sách Bạch Liên khảo ký cho ta hiểu, đây là cuốn sử về làng bắt đầu từ thuở mang tên là xã Bạch Liên. Những người cư ngụ đầu tiên lập nên làng là người các dòng họ Hoàng, Nguyễn, Quản, Doãn, sau đó mới đến các dòng họ Phạm, Trần, Lê, Ngô... Cho đến đời Minh Mạng, nhà Nguyễn, làng đã có 470 mẫu ruộng, trong đó có 50 mẫu ruộng công. Tác giả BLKK viết tóm tắt về sự hình thành và phát triển làng qua các thời kỳ lịch sử, nhưng khá mạch lạc, với những cứ liệu xác đáng...

Hơn nửa thế kỷ trước, một người làng Cót, là cụ Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (1902 - 1977), đã dịch BLKK ra Quốc ngữ. Cuối thế kỷ XX, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Hán - Nôm mới có được bản Hán văn tác phẩm BLKK (từ cụ Quản Đình Tĩnh, người xóm Đình, làng Cót). Bản BLKK là sách chép tay, gồm 26 tờ, không ghi năm tháng biên soạn, không ghi tên tác giả. Viện Hán - Nôm có được văn bản chữ Hán bổ sung vào kho tàng Hán - Nôm Việt Nam. Tuy nhiên, một việc cần thiết là phải tìm xem ai là tác giả BLKK? Và, cũng chính học giả Hoa Bằng đã xác định “tác giả BLKK là Huệ Phủ Nguyễn Quang Địch, nguyên Tri phủ phủ Kiến An và phủ Hà Trung dưới triều vua Minh Mạng (1820 - 1840). Cuốn sách có thể xuất hiện vào năm 1833...”. Chiếu của Vua khen Nguyễn Quang Địch “có tài nho phong quán thế, có đức tinh anh nhã khiết…”. Có thể nói, tác giả BLKK là nhà nho lớn, nhưng có cách nhìn văn minh. Đơn cử việc ông nhận định việc người làng Cót thờ đến 5 vị thần, trong đó, một số vị công tích không rõ ràng, không “hiển hách”: “Kể ra theo lễ trong việc thờ cúng chỉ thờ những người có công với nước, có ân đức với dân, trừ được tai vạ lớn, chống được hoạn nạn to hay là những thần núi cao sông lớn và thần đất (Hậu thổ) cùng với những người trung, hiếu, tiết, nghĩa, trinh liệt... Còn những loài yêu tinh, qủy quái dâm tà, có hại cho nhân sinh sao ta lại mê hoặc theo cái tục cổ sung thượng quỷ thần ma đổ lộn thờ nhầm?”

Bạch Liên khảo ký, ngoài phần mở đầu chúng tôi giới thiệu qua ở trên, còn 7 phần nữa, trong đó phần 8 dài nhất. Có thể gọi đây là phần nhân vật chí làng Hạ Yên Quyết, Nguyễn Quang Địch tóm tắt hành trạng cuộc đời của 10 người đỗ đại khoa, từ Hoàng Quán Chi đỗ đệ nhất giáp cập đệ khoa Quý Dậu - 1393, đời Trần Thuận Tông cho đến Nguyễn Vĩnh Trịnh đỗ Tiến sỹ khoa Kỷ Hợi - 1659 đời Lê Thần Tông. BLKK nêu cao chí lớn cùng ân đức của họ, như những tấm gương cho đời sau noi theo. Tác giả còn nêu lên danh sách những người đỗ trung khoa (Cử nhân) và tiểu khoa (Tú tài), gồm 32 người thời Lê và hơn 100 người thời Nguyễn. Còn có 11 người ra làm quan mà không qua thi cử, họ đều có đóng góp vào truyền thống anh kiệt của làng Cót. Trong BLKK, tác giả kể về khá nhiều người chăm dạy con, cháu trưởng thành, đỗ đạt, như các ông Nguyễn Quốc Lương, Nguyễn Nhật Lương, Hoàng Đăng Bảng... “cần cù dạy con học hành”. Có thể nói, qua các hành trạng và sự nghiệp của những nhân vật làng Cót, tác giả đã mô tả một truyền thống sâu dày của làng quê này là gắng công học tập để thành đạt trong cuộc sống. Tác giả BLKK cũng vậy, ông viết: “Mạch đất làng ta là một nhánh gốc trong mạch núi Tản Viên... Những cái tốt, cái hay chỗ đất ở của làng ta đều tự đấy. Do đó, làng ta tụ cư, sinh sôi nảy nở ngày dần đông đúc. Người cày ruộng, kẻ học trò, ai nấy nối noi, không bỏ nghề nghiệp của tứ dân”.

Cũng như một số cuốn sử làng khác mà chúng tôi điểm qua ở trên, Bạch Liên khảo ký là một tác phẩm Hán - Nôm có giá trị, giúp người đời sau nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội của làng Hạ Yên Quyết từ thế kỷ thứ IX đến nửa đầu thế kỷ XIX. Và từ đó, có thể hiểu thêm về truyền thống của những làng ven Thăng Long ngàn năm qua.

Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.518.457
Tổng truy cập: