VĂN HÓA XÃ HỘI - PHONG TỤC TẬP QUÁN
Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc
(Ngày đăng: 23/07/2012   Lượt xem: 641)

Sự phát triển cả về quy mô, số lượng của các lễ hội trong cả nước, đặc biệt là lễ hội dân gian, đã làm nảy sinh nhiều bất cập trong công tác tổ chức, quản lý. Việc xây dựng, ban hành quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc được coi là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm gỡ rối cho tình trạng này.

Sẽ quy hoạch trên 7.000 lễ hội dân gian

Những năm gần đây, rất nhiều lễ hội dân gian đã được khôi phục, tổ chức ở các địa phương. Hiện cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó có trên 7.000 lễ hội dân gian, chiếm khoảng 88%. Thông qua lễ hội làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo động lực góp phần phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội; bảo tồn và làm sống lại bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý lễ hội cũng đang tồn tại nhiều bất cập cần sớm khắc phục. Theo Trưởng phòng Nếp sống văn hóa cơ sở, Cục Văn hóa cơ sở Trần Thị Tuyết Mai, tác động của mặt trái kinh tế thị trường dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương, tổ chức lễ hội vì lợi ích kinh tế, ít chú trọng giá trị văn hóa, làm phai nhạt bản sắc của lễ hội. Công tác quản lý tài chính, nguồn thu từ lễ hội và hoạt động tại di tích của một số địa phương còn buông lỏng, chưa khai thác hiệu quả và đầu tư trở lại cho di tích. Việc sử dụng các nguồn thu từ công đức và dịch vụ chưa đúng mục đích, minh bạch, chưa tương xứng với nguồn kinh phí cung tiến, công đức của nhân dân. Không gian hội đang bị thu hẹp dần do tốc độ đô thị hóa và không gian dịch vụ thương mại lấn át không gian thiêng của lễ hội...


Nghi lễ rước thủy trong hội truyền thống đền Kiếp Bạc, Hải Dương

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại trên được nhận định là thiếu quy hoạch tổng thể làm cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện tổ chức và quản lý lễ hội. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH, TT và DL đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc như một giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quản lý lễ hội hiện nay. Đối tượng của quy hoạch là các lễ hội dân gian, đây là loại hình lễ hội tồn tại lâu đời, hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và cũng là loại hình sinh hoạt văn hóa có sức hấp dẫn, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia.

Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020, sẽ có 100% lễ hội được quy hoạch chi tiết dựa trên các nguyên tắc: phục dựng nghi lễ, các trò chơi, trò diễn đầy đủ và sinh động, hấp dẫn hơn; sáng tạo làm phong phú thêm phần lễ, phần hội đã có, đảm bảo tính phù hợp, thể hiện sinh động các yếu tố di sản cần bảo tồn và phát triển; loại bỏ những yếu tố không phù hợp với đời sống và sinh hoạt văn hóa hiện tại. Phân cấp quy mô tổ chức lễ hội gồm 4 cấp quản lý: lễ hội quy mô cấp quốc gia, lễ hội quy mô tổ chức cấp tỉnh, lễ hội quy mô tổ chức cấp quận, huyện và lễ hội quy mô tổ chức cấp xã, phường, thị trấn. Nội dung quy hoạch cũng nhấn mạnh việc bố trí nhu cầu sử dụng đất cho lễ hội phải bảo đảm diện tích đủ để tổ chức các hoạt động như đất dành cho khu vực nội tự, đất dành cho các hoạt động văn hóa (hội) và đất dành cho các hoạt động dịch vụ...

Quy hoạch giúp quản lý lễ hội hiệu quả

Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020, khu vực phía Bắc, tổ chức cuối tuần qua tại TP Hải Dương, đa số nhà quản lý văn hóa đều thống nhất cần sớm có quy hoạch để quản lý tốt hơn các lễ hội. Là đơn vị thực hiện quy hoạch điểm của tỉnh Hải Dương, Trưởng ban quản lý Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc Nguyễn Khắc Minh cho rằng, vấn đề quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc lẽ ra phải làm sớm hơn. Quy hoạch sẽ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý. Muốn quy hoạch tổng thể lễ hội, đầu tiên chúng ta phải có một cuộc điều tra tổng thể để thấy thực trạng của các lễ hội, di tích, sau đó nghiên cứu, phục dựng các lễ hội.

Là địa phương đầu tiên trong cả nước có quy hoạch và tổ chức, quản lý khá hiệu quả các lễ hội, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Đặng Thị Bích Liên cho biết, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở này, các cơ quan, ban ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai hiệu quả công tác quy hoạch lễ hội với những nội dung cụ thể như: quy hoạch lễ hội điểm, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đối với các lễ hội tiêu biểu, thực hiện phân cấp quản lý lễ hội và đẩy mạnh xã hội hóa tổ chức lễ hội... “Dẫu còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh nhưng rõ ràng qua công tác quy hoạch, nhiều hình thức văn hóa truyền thống, nhiều nghi lễ, trò chơi, trò diễn xướng dân gian đã được phục dựng, công tác tổ chức và quản lý lễ hội được nâng cao về chất lượng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và sáng tạo văn hóa của nhân dân”.

Thống nhất với việc cần sớm có quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Thanh Hóa Mai Tư bày tỏ quan điểm: ởã đây chúng ta bàn đến vấn đề quản lý lễ hội nhưng nếu chỉ đặt vấn đề quản lý chặt, chắc mà không nghĩ đến sự phát triển thì sẽ bóp chết lễ hội. Vậy nên, cần phải có quy hoạch, có sự đầu tư, phân kỳ, phân cấp quản lý... thì mới đảm bảo tính hai mặt của công tác quản lý và quy luật phát triển. Tuy nhiên, việc phân cấp quy mô tổ chức lễ hội có nên đặt khái niệm “lễ hội quy mô cấp quốc gia” hay lễ hội quốc gia không? Tôi nghĩ rằng nếu làm điều này sẽ làm mất đi sự linh thiêng của dân tộc Việt Nam, bởi chúng ta chỉ có duy nhất Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là lễ hội cấp quốc gia. Do đó, chỉ nên phân cấp lễ hội tỉnh, thành phố, quận, huyện... Về vấn đề phục dựng lễ hội, các trình thức, nghi thức..., cần tổ chức các hội thảo chuyên ngành, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu mới có thể đảm bảo tính khoa học, nguyên gốc của lễ hội.

Sau hội thảo khu vực phía Bắc, hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 khu vực phía Nam sẽ được tổ chức vào ngày 1.8, tại Tiền Giang.

 Các lễ hội được phân nhóm gồm: nhóm lễ hội còn nguyên trạng, ít thay đổi; nhóm lễ hội đã được bảo tồn, phục dựng tổ chức sau nhiều năm gián đoạn; nhóm lễ hội có nguy cơ thất truyền, mai một cần phục hồi. Việc phân kỳ thực hiện: giai đoạn 2012 - 2015, 100% tỉnh, thành phố tổng hợp và phân tích được số lượng lễ hội còn nguyên trạng, ít thay đổi đang được tổ chức; số lượng lễ hội đã được bảo tồn, phục dựng tổ chức sau nhiều năm gián đoạn; số lượng lễ hội có khả năng phục dựng được; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành xây dựng quy hoạch, dành quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ đối với những lễ hội có quy mô lớn thu hút đông người; 50% lễ hội sẽ được quy hoạch chi tiết. Giai đoạn 2015 - 2020: 100% lễ hội còn nguyên trạng, ít thay đổi được tổ chức thường xuyên đi vào nền nếp, cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ chất lượng tốt; 100% lễ hội và lễ hội có khả năng phục hồi, phục dựng đã được phục dựng và thực hiện quy hoạch chi tiết, trong đó 50% lễ hội được tổ chức thường xuyên theo định kỳ; 100% lễ hội có thể phục dựng đã hoàn thành hồ sơ quy hoạch chi tiết, bảo đảm nội dung quy hoạch.
Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.518.351
Tổng truy cập: